Kinh doanh thương mại điện tử sẽ khó trốn thuế

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) - Sau 5 tháng kể từ khi Luật Quản lý thuế năm 2019 có hiệu lực (ngày 1/7/2020) bổ sung những quy định liên quan đến quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, cơ quan thuế đang hoàn thiện các văn bản pháp lý với mục đích đẩy mạnh thu thuế thương mại điện tử trong thời gian tới.

Các doanh nghiệp như Youtube, Google, Netflix, Amazon, Facebook… phải nộp thuế khi cung cấp dịch vụ xuyên biên giới cho khách hàng ở Việt Nam. Ảnh: Nhã Chi
Các doanh nghiệp như Youtube, Google, Netflix, Amazon, Facebook… phải nộp thuế khi cung cấp dịch vụ xuyên biên giới cho khách hàng ở Việt Nam. Ảnh: Nhã Chi

Ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, hiện nay, các vấn đề pháp lý về thu thuế với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử đã được phân chia theo cách thức dịch chuyển dòng tiền thanh toán.

Theo đó, các cá nhân thực hiện sản xuất, mua bán thương mại trong nước thực hiện nghĩa vụ thuế giống như các hộ kinh doanh theo cơ chế tự khai tự nộp và cơ quan thuế thực hiện thanh, kiểm tra khi có dấu hiệu rủi ro. Với dịch vụ thương mại điện tử xuyên biên giới, các doanh nghiệp trong nước có hoạt động thương mại điện tử với Google, Facebook, Youtube đã tự khai tự nộp nghĩa vụ thuế với số tiền khoảng 700 tỷ đồng năm 2018, hơn 1.000 tỷ đồng năm 2019 và gần 1.000 tỷ đồng trong 11 tháng năm 2020.

Để hướng dẫn rõ hơn việc thực hiện nghĩa vụ thuế với các giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới, cơ quan thuế đang làm việc với các bên liên quan như ngành viễn thông, ngân hàng để hoàn thiện thông tư hướng dẫn Nghị định 126/2020/NĐ-CP hướng dẫn một số điều của Luật Quản lý thuế năm 2019.

“Chúng tôi sẽ mời các đơn vị cung cấp dịch vụ xuyên biên giới của nước ngoài làm việc với cơ quan thuế Việt Nam cũng như các bên tư vấn để hướng dẫn các quy định mới về cung cấp dịch vụ xuyên biên giới, giúp các doanh nghiệp thực hiện đúng nghĩa vụ của mình. Bên cạnh đó, để quản lý thuế với các hoạt động giao dịch thương mại xuyên biên giới một cách hiệu quả, rất cần sự vào cuộc của các cơ quan liên quan như ngành viễn thông, ngành ngân hàng”, ông Minh cho biết.

Ngày 4/12, cơ quan thuế sẽ làm việc với Ngân hàng Nhà nước để cùng làm rõ các quy định hướng dẫn về việc cơ quan quản lý thuế phối hợp với ngân hàng thương mại trong việc theo dõi dòng tiền chuyển từ Việt Nam ra nước ngoài và ngược lại. Đồng thời, hai bên sẽ trao đổi để thống nhất áp dụng những nội dung về lưu trữ dữ liệu, bảo mật thông tin…

Cơ quan thuế cũng đã có kế hoạch làm việc với các công ty tư vấn, kiểm toán để mời các doanh nghiệp như Youtube, Google, Netflix, Amazon, Facebook… trao đổi về trách nhiệm và nghĩa vụ thuế. Định hướng của ngành thuế là doanh nghiệp phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng đối với dịch vụ xuyên biên giới khi cung cấp cho khách hàng ở Việt Nam.

Với dịch vụ xem phim trực tuyến Netflix (Mỹ), Tổng cục Thuế cho biết đã có một số buổi làm việc với doanh nghiệp này. Theo đó, Netflix phải nộp thuế tại Việt Nam. Sắp tới, cơ quan thuế sẽ kiểm tra và tính toán lại việc thực hiện nghĩa vụ thuế của dịch vụ này. Căn cứ tính thuế cho Netflix cơ bản dựa vào kê khai của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cơ quan thuế sẽ phối hợp với ngân hàng để thống kê dòng tiền thanh toán cho Netflix thời gian qua.

Về quy định ngân hàng thương mại cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng cho cơ quan thuế, ông Minh cho biết, trước mắt cơ quan thuế chưa yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin tài khoản của từng người nộp thuế. Cơ quan thuế chỉ phối hợp với ngân hàng để quản lý thu nhập của những cá nhân nhận được từ hoạt động thương mại điện tử với các ứng dụng và mạng xã hội từ nước ngoài, hoặc các cá nhân có rủi ro về thuế để phục vụ mục đích thanh tra, kiểm tra.

“Trong thời gian tới, cơ quan thuế sẽ tăng cường rà soát và phối hợp với ngân hàng để quản lý dòng tiền và thu thuế kịp thời vào ngân sách nhà nước. Khi phát hiện các dòng tiền bên ngoài chi trả cho các cá nhân, tổ chức trong nước, cơ quan thuế có thẩm quyền yêu cầu các ngân hàng thương mại cung cấp giao dịch của các tổ chức nước ngoài cho các cá nhân này”, ông Minh nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục