Kinh tế bước vào giai đoạn nước rút: Không được phép lơ là

(BĐT) - Tăng trưởng quý IV theo nhiều dự báo sẽ tiếp đà phục hồi, đặc biệt là sau sự bứt phá mạnh mẽ của quý III. 
Những kết quả tích cực đạt được trong quý III sẽ tạo không gian cho các hoạt động kinh tế quý IV. Ảnh: Lê Gia Khoa
Những kết quả tích cực đạt được trong quý III sẽ tạo không gian cho các hoạt động kinh tế quý IV. Ảnh: Lê Gia Khoa

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, quý cuối năm cần nỗ lực hơn và tuyệt đối không được cho rằng mục tiêu đã hoàn thành trong tầm tay mà lơ là, bởi giai đoạn nước rút quan trọng này sẽ quyết định có cán đích mục tiêu tăng trưởng của cả năm 2017 hay không và sẽ tạo ra bàn đạp thế nào cho thực hiện kế hoạch năm 2018.

Sẽ tiếp đà phục hồi

Báo cáo của Chính phủ tại Phiên họp thứ 15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục khẳng định kết quả nổi bật năm 2017 là tăng trưởng GDP cả năm ước đạt 6,7%, hoàn thành mục tiêu đề ra, tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước với khoảng cách lớn, trên 1 điểm phần trăm. Mô hình tăng trưởng chuyển dịch đúng hướng, giảm dần dựa vào khai thác tài nguyên, chuyển hướng dựa vào công nghiệp chế biến, chế tạo, nông nghiệp công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển các ngành dịch vụ, du lịch.

Trước đó, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGSTCQG) đưa ra dự báo khả quan hơn khi cho rằng tiếp đà phục hồi mạnh của quý II, quý III, tăng trưởng quý IV sẽ đạt khoảng 7,5 - 7,7% và tăng trưởng cả năm có thể đạt trên 6,7%. Trong khi theo tính toán của Chính phủ, để đạt tăng trưởng 6,7% cả năm, quý IV cần tăng trưởng 7,31%. Dự báo của UBGSTCQG chủ yếu dựa trên những phân tích về cầu tiêu dùng, cầu đầu tư, xuất khẩu, giải ngân vốn đầu tư công.

Tuy dự báo mới công bố của Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) thấp hơn so với dự báo của Chính phủ, với dự báo quý IV ở mức 7,12%, đưa tăng trưởng cả năm lên mức 6,64%, nhưng VEPR cũng đánh giá, mức tăng trưởng cao cùng với sự ổn định của tỷ giá và mặt bằng lãi suất có dấu hiệu giảm là những kết quả tích cực đạt được trong quý III, tạo không gian cho các hoạt động kinh tế vào quý IV.

Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) cập nhật tình hình kinh tế Đông Á - Thái Bình Dương cũng khẳng định kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục thể hiện đà tăng trưởng khá vững chắc. Chính sách tiền tệ tiếp tục hướng tới việc duy trì cân đối giữa tăng trưởng và ổn định, áp lực lạm phát ở mức độ vừa phải… Trả lời báo chí, ông Sebastian Eckardt - Chuyên gia kinh tế trưởng WB nhận định, các hoạt động kinh tế đã được cải thiện và tăng trưởng GDP quý III đã lên mức kỷ lục 7,46% cho thấy, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm nay có thể sẽ vượt mức dự báo của WB và đạt kế hoạch 6,7% đề ra.

Đạt được kết quả này, đa số các ý kiến của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng các giải pháp điều hành chính sách kinh tế vĩ mô đã được thực thi đúng hướng và phù hợp với diễn biến thị trường, nền kinh tế duy trì được ổn định, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, thiết lập nền tảng cho tăng trưởng kinh tế. Từ đó, góp phần củng cố niềm tin, tạo không khí phấn khởi trong toàn xã hội.

Thực tế, ngay từ đầu năm, Chính phủ đã rất quyết liệt, sát sao trong điều hành, với nhiều biện pháp cụ thể, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện, trong đó tập trung các giải pháp tháo gỡ khó khăn, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm chi phí cho doanh nghiệp, cắt giảm các điều kiện kinh doanh, ứng phó kịp thời, hiệu quả với diễn biến bất thường của thời tiết… Như nhận định của UBGSTCQG, chính các biện pháp kịp thời này đã tạo xung lực mạnh mẽ thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế. 

Không được lơ là

Lưu ý cho giai đoạn nước rút để hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, Chính phủ cần quan tâm nhiều hơn nữa đến hiệu quả và chất lượng tăng trưởng, không chỉ chú trọng đến kết quả tăng trưởng bao nhiêu, mà phải tính toán đầy đủ cả chi phí để đạt được mức tăng trưởng đó. Ông Ngô Trí Long khuyến nghị, hiện dư địa cho chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ không còn nhiều vì nợ công, nợ xấu, sức ép lạm phát cho năm sau… Vì thế, để bảo đảm phát triển bền vững trung và dài hạn, cần tiếp tục đẩy mạnh thay đổi mô hình tăng trưởng, tăng năng suất lao động.

Trước mắt, tuyệt đối không được lơ là, phải kiểm soát chặt tín dụng để bảo đảm lượng vốn lớn sẽ được bơm ra trong quý IV rót vào đúng lĩnh vực, giải ngân đầu tư công không chỉ cố đạt kế hoạch, mà rất cần kiểm soát chất lượng thực hiện dự án để giải ngân nhanh đi đôi với bảo đảm hiệu quả đầu tư công. Đặc biệt là tình hình lũ lụt những ngày này và sắp tới sẽ để lại nhiều thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng không nhỏ đến tăng trưởng kinh tế quý cuối năm và năm sau nếu Chính phủ không có giải pháp kịp thời.

TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR thì lưu ý, trước xu hướng gia tăng lạm phát vào quý cuối năm, Ngân hàng Nhà nước cần thận trọng trong chính sách tăng trưởng tín dụng để tránh tích lũy sức ép lạm phát đang tăng dần, tránh bất ổn vĩ mô tái phát khi lạm phát vượt qua một ngưỡng nhất định, ví dụ 5%. Ngoài ra, Chính phủ có thể linh hoạt điều chỉnh giãn tiến độ tăng giá mặt hàng cơ bản tùy theo diễn biến của lạm phát. Tuy nhiên, đây chỉ là một phải pháp tình thế vì mang tính hành chính.

Cũng theo ông Thành, Chính phủ cần thực hiện thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công một cách hữu hiệu và thực chất. Tốc độ giải ngân chậm như hiện nay có thể gây ách tắc thanh khoản cho các nhà thầu trong khu vực tư nhân. Chính sách về giải ngân vốn cần giảm thiểu các thủ tục hành chính, đặt thời hạn hoàn thành tiến độ phù hợp. Đồng thời, cải thiện cơ cấu chi tiêu theo hướng tiết kiệm chi thường xuyên cũng là một giải pháp quan trọng trong bối cảnh chính sách tài khóa như hiện nay.