Một góc Hà Nội - Ảnh: Zing. |
Cục Thống kê Hà Nội vừa công bố báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và ước quý 1/2016.
Theo đó, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) trong quý 1/2016 tăng 6,95% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành nông lâm thủy sản giảm 0,69%, công nghiệp xây dựng tăng 7,43%, dịch vụ tăng 7,5%.
Theo Cục Thống kê Hà Nội, công tác ổn định giá cả thị trường được thực hiện tốt vào dịp Tết Bính Thân. Dù không công bố cụ thể con số song cơ quan này cho biết CPI tháng 3 tăng nhẹ so với tháng trước.
Nguyên nhân khiến chỉ số giá tháng này tăng chủ yếu là do nhóm thuốc và dịch vụ y tế (giá dịch vụ y tế từ ngày 1/3/2016) và nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng do nhu cầu mua sắm quà tặng, hoa tươi trong dịp mừng Quốc tế phụ nữ 8/3 tăng lên.
Các nhóm khác có chỉ số tăng nhẹ như nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình, nhóm may mặc, mũ nón, giày dép, nhóm giáo dục…
Trong tháng 3, xuất khẩu của Hà Nội đạt 875 triệu USD, giảm 3,2% so với cùng kỳ. Một số nhóm hàng tăng khá so cùng kỳ là nhóm hàng xăng dầu (tăng 59,4%), giày dép các loại và sản phẩm từ da (tăng 53,5%), hàng may, dệt (tăng 41,7%).
Ước tính quý 1, kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội đạt 2,56 tỷ USD, tăng 2,3% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu tháng 3 đạt 1,85 tỷ USD, giảm 2% so với cùng kỳ. Hầu hết, các mặt hàng đều có kim ngạch nhập khẩu giảm, một số mặt hàng giảm mạnh so cùng kỳ là xăng dầu (giảm 7,5%), phân bón (giảm 3,2%)...
Tính chung quý 1, kim ngạch nhập khẩu của Hà Nội đạt 5,71 tỷ USD. Như vậy, mức nhập siêu của Thành phố trong quý này là hơn 3 tỷ USD.
Về tín dụng, Cục Thống kê Hà Nội cho biết, trong quý 1, nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tăng 1,2% so với cùng kỳ, đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho hoạt động kinh doanh và các nhu cầu đầu tư khác cũng như đảm bảo về thanh khoản của các tổ chức tín dụng.
Trong khi đó, dư nợ tín dụng trên địa bàn được cải thiện khi cùng tăng 1,2% so với tháng 12/2015 và so với cùng kỳ năm trước.