Nhiều hiệp định thương mại có hiệu lực từ năm 2016 mở ra cơ hội xuất khẩu cho nhiều ngành hàng trong nước. Trong ảnh: chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty CP Hùng Vương (Bến Tre) - Ảnh: Trần Mạnh |
Năm 2016, Việt Nam có cơ hội trở thành nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất tại khu vực Đông Á và Đông Nam Á, chuyên gia kinh tế Nguyễn xuân thành - giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright VN - nhận định như vậy.
Cơ hội về tốc độ tăng trưởng kinh tế lớn như vậy, nhưng liệu VN có tận dụng và duy trì được? Ông Thành phân tích:
- Với tốc độ tăng trưởng 6,68% trong năm 2015, VN đã gần đạt mức tăng trưởng của Trung Quốc. Trong khi đó, các dự báo đều cho thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc tiếp tục suy giảm thời gian tới vì những khó khăn về cơ cấu, các vấn đề về bùng nổ tín dụng, bất động sản, nợ của chính quyền địa phương...
Do đó, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm 2016 dự báo còn 6,4%, nhiều nước trong khu vực sẽ bị ảnh hưởng bởi tốc độ tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc. VN có điểm thuận lợi hơn khi hàng loạt hiệp định thương mại tự do với các quốc gia và khu vực sắp có hiệu lực là những tiền đề rất tốt để phát triển kinh tế nếu chúng ta biết cách tận dụng.
Năm 2016, nếu VN tiếp tục ổn định được kinh tế vĩ mô thì tốc độ tăng trưởng GDP có thể đạt 6,8-7%. Như vậy lần đầu tiên kể từ khi đổi mới đến nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế của VN sẽ vượt qua Trung Quốc.
Trong dài hạn hơn, VN vẫn phải cải cách thể chế và tái cơ cấu kinh tế mới đảm bảo sự phát triển bền vững
Không dừng lại ở đó, nếu như giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện được niềm tin của người tiêu dùng và giải quyết tốt khó khăn cho doanh nghiệp thì VN hoàn toàn có thể duy trì được tốc độ phát triển cao này trong năm năm tới. Nhưng trong dài hạn hơn, VN vẫn phải cải cách thể chế và tái cơ cấu kinh tế mới đảm bảo sự phát triển bền vững.
Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại tự do VN - EU, Cộng đồng kinh tế Asean... là những tín hiệu tốt để thu hút các nguồn vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp từ nước ngoài vào VN. Bước sang năm 2016, khi nền kinh tế toàn cầu cải thiện hơn sẽ tác động tích cực đến kinh tế VN. Ví dụ ngành du lịch, năm 2015 khách quốc tế đến VN giảm chủ yếu do khó khăn của khu vực EU, Nga và Trung Quốc.
Ngoài ra, nếu trong năm 2016 giá dầu vẫn ở mức thấp, giá lương thực thực phẩm, nguyên liệu đầu vào như sắt thép và các kim loại khác cũng ở mức thấp sẽ tiếp tục tác động tích cực để giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lĩnh vực sản xuất, chế biến, chế tạo.
Dù vậy, VN vẫn đối mặt với những khó khăn cơ bản trong năm 2016 cần giải quyết. Đầu tiên là vấn đề ngân hàng. Thời gian qua, nỗ lực tái cơ cấu hệ thống ngân hàng mới chỉ dừng lại ở đảm bảo tính thanh khoản trong ngắn hạn. Nợ xấu tạm được cất giữ lại nên các ngân hàng yếu vẫn là rủi ro lớn nhất cho nền kinh tế trong năm tới. Lãi suất nói chung sẽ khó giảm, tốt lắm thì duy trì được mức như hiện nay.
Với vấn đề tỉ giá, những động thái gần đây cho thấy Ngân hàng Nhà nước dù còn thận trọng nhưng đã đi theo hướng quản lý tỉ giá linh hoạt hơn trong năm 2016. Nhà nước sẽ không quản lý rủi ro tỉ giá như trước nữa, mà doanh nghiệp và người dân sẽ phải quen dần với biến động tỉ giá. Sự thành công trong kinh doanh và đầu tư phụ thuộc nhiều vào năng lực quản lý rủi ro tỉ giá.
Điều này phù hợp với xu hướng các nước trong khu vực và thế giới. Cụ thể sau khủng hoảng kinh tế 1997-1998, các quốc gia như Thái Lan, Malaysia, Indonesia đã điều hành tỉ giá linh hoạt hơn. Ngay cả Trung Quốc trong thỏa thuận gần đây với IMF để đưa đồng nhân dân tệ vào rổ dự trữ của tổ chức này cũng đã cam kết điều hành tỉ giá linh hoạt.
Với bất động sản, năm 2015 có những tín hiệu tốt cho sự hồi phục của thị trường bất động sản. Thứ nhất là các ngân hàng bơm tiền cho lĩnh vực này. Những doanh nghiệp bất động sản yếu kém đã bị đào thải khỏi thị trường, doanh nghiệp hiện có là doanh nghiệp mới hoặc doanh nghiệp cũ đã được tái cấu trúc tập trung vào phân khúc thị trường có nhu cầu thật sự.
Từ cuối năm 2015 đến 2016, nguồn cung căn hộ gia tăng mạnh mẽ nên khả năng giá cũng không thể tăng mạnh. Đây là một tín hiệu tích cực cho thị trường bất động sản trong năm 2016.
Với những người có tầm nhìn dài hơn thì có thể năm 2016 ở VN có rất nhiều cơ hội đầu tư trong những lĩnh vực mới gắn với công nghệ, các doanh nghiệp mới dự báo khởi nghiệp trong kinh doanh bán lẻ, du lịch, nông nghiệp. Cái khó ở VN là chưa có những quỹ đầu tư để huy động vốn từ người có tích lũy để tài trợ cho các dự án khởi nghiệp hoặc tiềm năng.
Mua bán và sáp nhập tăng Đây là một tín hiệu tốt cho thấy thị trường có sự phát triển và không nên quá lo lắng trước việc nhiều thương hiệu trong nước bị mua lại. Ví dụ Hàn Quốc, sau khủng hoảng họ phải chấp nhận nhiều doanh nghiệp nhỏ bị các nhà đầu tư, quỹ đầu tư nước ngoài mua lại. Hãy nghĩ bán đi không phải là mất, mà là để thu tiền về đầu tư vào các lĩnh vực khác hiệu quả hơn, hoặc bán đi là một hình thức thu hút thêm vốn để mở rộng kinh doanh. Trước đây chúng ta cứ nghĩ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là vốn đầu tư trực tiếp vào sản xuất, tích cực hơn là dòng tiền đầu tư vào chứng khoán. Nhưng việc nhiều quỹ đầu tư nước ngoài mua lại doanh nghiệp VN cũng sẽ tạo ra môi trường năng động và hiệu quả hơn cho các doanh nghiệp mới khởi nghiệp vì họ nhìn ra cơ hội xây dựng để bán và thu tiền về nhanh hơn so với gắn chặt với doanh nghiệp đó. |
* Ông Hirotaka Yasuzumi (giám đốc điều hành JETRO, Nhật Bản tại TP.HCM): Việt Nam vẫn là ưu tiên của nhiều nhà đầu tư So sánh với đầu tư từ Hàn Quốc thì Nhật Bản tạm thời mất vị trí số 1 nhưng theo tôi, điều đó không phản ánh rằng thị trường VN kém hấp dẫn với nhà đầu tư Nhật Bản. Ba năm trước, Nhật Bản đã đến trước với những dự án triệu USD, và bây giờ đến lượt những doanh nghiệp vệ tinh có quy mô vừa và nhỏ, bằng chứng là số dự án và doanh nghiệp Nhật Bản tại VN vẫn không ngừng tăng. Nhìn ra khu vực ASEAN, VN đang nổi lên như một điểm đến hấp dẫn của các dòng vốn đầu tư trực tiếp. Trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang ngày càng khó khăn, bộc lộ sự thiếu ổn định, bắt buộc các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện chính sách Trung Quốc +1 nhằm giảm thiểu rủi ro thì VN đang là sự ưu tiên hàng đầu vượt qua cả Indonesia, Philippines... Năm 2016, VN chính thức hội nhập mở cửa với một số hiệp định thương mại tự do được ký kết trong năm 2015, trong đó nổi bật nhất là Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương. Cạnh tranh đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ VN sẽ gay gắt hơn, nên tôi hi vọng sẽ có nhiều chính sách mới từ phía Chính phủ hỗ trợ nhóm này phát triển bền vững hơn. * Ông Han Dong Hee (chủ tịch Hiệp hội Thương mại và công nghiệp Hàn Quốc - KOCHAM - tại TP.HCM): Đầu tư của Hàn Quốc tiếp tục tăng Xét về khía cạnh nhà đầu tư Hàn Quốc, yếu tố đầu tiên hấp dẫn của VN là nguồn lao động trẻ, cần cù. Độ tuổi trung bình của VN là 29,2, trong đó 70% dân số có độ tuổi dưới 30, do đó nguồn lao động rất phong phú. Yếu tố tiếp theo là có nhiều nét tương đồng về văn hóa với Hàn Quốc, chú trọng về gia đình, tôn trọng người lớn tuổi. Yếu tố thứ ba là Chính phủ VN luôn nỗ lực kêu gọi đầu tư một cách tích cực. Tôi biết mới đây có doanh nghiệp phân vân lựa chọn đầu tư giữa Philippines và VN, nhưng cuối cùng khi thấy sự nỗ lực của phía Chính phủ VN, họ đã quyết định đầu tư tại VN. Xét về tổng thể, trước mắt việc đầu tư của Hàn Quốc vào VN được dự đoán vẫn tăng. * Ông Nguyễn Trí Kiên (giám đốc Công ty TNHH may túi xách Minh Tiến - Miti): Cơ hội cho doanh nghiệp có “sức khỏe” tốt Vậy sản phẩm của doanh nghiệp Việt có thể bán sang nước bạn không? Hoàn toàn có thể, nếu doanh nghiệp đã lên kế hoạch phát triển thị trường một cách nghiêm túc. Chúng tôi vừa đầu tư mới một nhà xưởng với vốn đầu tư 15 tỉ đồng để tăng năng lực sản xuất từ 30.000-40.000 balô, túi xách/tháng lên khoảng 60.000 sản phẩm/tháng. Đồng thời ngay trong năm nay sẽ mở cửa hàng đại diện kinh doanh sản phẩm trực tiếp của mình tại Thái Lan và Malaysia. Nếu mọi chuyện thuận lợi, chúng tôi sẽ tìm nhà phân phối tại đây. Với chiến lược này, chúng tôi hi vọng việc thâm nhập thị trường ASEAN của mình đang đi đúng hướng, cũng như cố gắng giữ thị phần đang có tại thị trường nội địa. |