Quốc hội dành cả ngày làm việc cho công tác giám sát tối cao. Dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành; xem videoclip về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành.
Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về nội dung trên. Tại phiên thảo luận đã có 39 đại biểu phát biểu; 1 đại biểu tranh luận. Trong đó, đa số ý kiến đại biểu tán thành với nội dung Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội.
Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội đã tập trung cho ý kiến về nhiều vấn đề. Vấn đề thứ nhất, đánh giá về việc tham mưu cho Quốc hội lựa chọn chuyên đề giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật của công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực và hiệu quả triển khai của Đoàn giám sát cũng như của các địa phương.
Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XV, ngày 30/5/2022 |
Thứ hai, những căn cứ chính trị, pháp lý và cơ sở thực tiễn; sự cố gắng, nỗ lực của Quốc hội, Chính phủ, các cấp, các ngành về việc ban hành Luật Quy hoạch 2019 và các luật liên quan. Hiệu quả của việc ban hành Nghị quyết 751/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện lập quy hoạch.
Thứ ba, những hạn chế, bất cập về tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt và công bố quy hoạch của các cấp, các ngành, về sự tồn tại song hành áp dụng cả 2 loại quy hoạch hiện nay; về nội hàm của quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành, quy hoạch tỉnh; về khái niệm tích hợp quy hoạch; về sự thay thế, bãi bỏ các quy hoạch ngành, quy hoạch sản phẩm trước đây bằng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; về phân kỳ đầu tư triển khai các dự án quy hoạch, trình tự, thủ tục; về quy định sử dụng vốn đầu tư công và các nguồn vốn xã hội hóa khác; về năng lực của các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức tư vấn, cơ chế quy định sử dụng các cơ quan chuyên môn, các chuyên gia trong lập quy hoạch, để từ đó rút ra những hạn chế, bất cập, nguyên nhân và xác định trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương.
Thứ tư, về những đề xuất của Đoàn giám sát, bao gồm: Đề nghị Quốc hội cho phép triển khai 8 nội dung chưa có trong quy định của Luật Quy hoạch, hoặc khác với Luật Quy hoạch có liên quan, như: về giải thích khái niệm tích hợp, quy hoạch và đề nghị Chính phủ hướng dẫn quy trình, thủ tục lập quy hoạch để tích hợp quy hoạch; về chỉ định thầu để lựa chọn tư vấn lập quy hoạch; về lập quy hoạch đồng thời và điều chỉnh quy hoạch cấp dưới mà không thực hiện quy trình lập quy hoạch; về rút gọn quy trình lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch; về sử dụng kinh phí thường xuyên cho việc lập, thẩm định, phê duyệt công bố quy hoạch; về tiếp tục thực hiện các quy hoạch được quy định ở Điểm c, Khoản 1 Điều 59 Luật Quy hoạch đã được phê duyệt trước 1/1/2019 cho đến khi quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành được phê duyệt; về phân kỳ đầu tư lập quy hoạch gắn với kế hoạch 5 năm theo Điều 45 của Luật Quy hoạch; về quy định bản đồ kèm theo khi quyết định hoặc phê duyệt quy hoạch, xử lý các mâu thuẫn của các quy hoạch cùng cấp nhưng không mâu thuẫn với quy hoạch cấp trên hoặc không đề cập ở quy hoạch cấp trên.
Đề nghị giao Chính phủ trong phạm vi, quyền hạn của mình, nghiêm túc tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội và xác định các giải pháp trước mắt, trong đó có 8 nhiệm vụ, giải pháp trước mắt và về lâu dài các giải pháp trung và dài hạn, trong đó có việc giao Chính phủ đánh giá toàn diện việc thực hiện Luật Quy hoạch và các luật liên quan để sửa đổi, bổ sung vào thời điểm thích hợp. Ngoài ra, các đại biểu đã cho ý kiến trực tiếp vào nội dung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực và hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030.
Trong quá trình thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã phát biểu, trao đổi những vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng: Chất lượng quy hoạch cần được ưu tiên hàng đầu
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thể hiện sự đồng tình và đánh giá rất cao việc Quốc hội đã lựa chọn chuyên đề về “việc thực hiện các chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch từ từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” để giám sát tối cao trong năm 2022.
Bộ trưởng khẳng định, đây là một quyết định đúng đắn, sát thực tiễn và kịp thời, là một sự đổi mới của trong công tác giám sát của Quốc hội khóa XV, thể hiện sự chia sẻ và đồng hành của Quốc hội với Chính phủ trong việc kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là những vấn đề khó, vấn đề mới, vấn đề phức tạp, giúp cho công tác điều hành của Chính phủ được thuận lợi hơn, đẩy nhanh và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước trong tình hình mới.
Qua thảo luận, các đại biểu đã thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, vướng mắc trong triển khai Luật Quy hoạch, xuất phát từ nguyên nhân do khối lượng công việc lớn, nhiều vấn đề mới, phức tạp, từ hệ thống quy hoạch cho đến khái niệm tích hợp quy hoạch, mối quan hệ giữa các quy hoạch, trình tự lập các quy hoạch, nội dung quy hoạch đến phương pháp tiếp cận, phối hợp trong công tác lập quy hoạch cũng như sự thay đổi sâu sắc về vai trò quản lý nhà nước trong nền kinh tế thị trường.
Để đẩy nhanh và nâng cao chất lượng lập quy hoạch trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận trách nhiệm tiếp tục tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo những bộ, ngành liên quan, các địa phương tiếp tục rà soát, đánh giá hoàn thiện hệ thống pháp luật về quy hoạch, thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước phù hợp với tình hình thực tiễn, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong các văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch. Chất lượng quy hoạch cần được ưu tiên hàng đầu và có tính dẫn dắt trong việc cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để phát huy được tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của quốc gia, phải khắc phục được hạn chế, khó khăn, mâu thuẫn, chồng chéo, yếu kém, đáp ứng được yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo động lực phát triển bền vững đất nước.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên: Cần tổng kết, đánh giá, bổ sung Luật Quy hoạch bảo đảm phù hợp với thực tiễn
Giải trình, làm rõ ý kiến các của các vị đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, thời gian qua, Bộ Công Thương đã triển khai nghiêm túc chính sách pháp luật về công tác quy hoạch. Những tồn tại, hạn chế của Bộ Công Thương chủ yếu là chưa đạt tiến độ lập quy hoạch ngành quốc gia so với yêu cầu và kỳ vọng.
Bộ trưởng cũng đã phân tích, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm tổ chức, cá nhân đối với những hạn chế, đồng thời cũng có giải pháp tích cực để đẩy nhanh tiến độ. Đến nay, Bộ Công Thương đã hoàn thành việc lập 4/5 quy hoạch ngành quốc gia được Chính phủ giao, đó là quy hoạch điện, năng lượng, khoáng sản và hạ tầng dầu khí.
Về nội dung báo cáo của Đoàn giám sát, Bộ Công Thương cơ bản thống nhất với những nội dung đánh giá của Đoàn giám sát, đặc biệt là những nhận định về tồn tại, bất cập và nguyên nhân trong quá trình lập quy hoạch thời gian qua. Bộ thống nhất về các giải pháp chủ yếu trước mắt mà Chính phủ đã đề xuất, đó là đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết nhằm tiếp tục tháo gỡ những vướng mắc, bất cập để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng quy hoạch, các quy hoạch ngành, các cấp thời kỳ 2021 - 2030.
Tuy nhiên, về lâu dài, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng rất cần phải tổng kết, đánh giá một cách thấu đáo để rà soát, điều chỉnh, bổ sung Luật Quy hoạch phù hợp với thực tiễn. Theo đó, bổ sung các nội dung như bổ sung quy hoạch về điều chỉnh cục bộ quy hoạch, trong đó quy định về tiêu chí, nguyên tắc điều chỉnh cục bộ, quy định về trình tự, thủ tục điều chỉnh cục bộ sao cho vừa bảo đảm linh hoạt trong quá trình thực hiện, vừa bảo đảm công khai, minh bạch, chặt chẽ, đồng bộ và bảo đảm việc không điều chỉnh cục bộ tràn lan, phá vỡ tính liên kết, ổn định của hệ thống quy hoạch.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan giải trình: Khẩn trương hình thành hệ sinh thái ngành hàng
Giải trình làm rõ một số nội dung mà các đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nêu rõ, trong điều kiện bất định và khó lường hiện tại, cần thiết phải minh định lại những thuật ngữ, khái niệm, nội hàm trong quy định pháp luật, từ quy hoạch tích hợp, điều chỉnh quy hoạch từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên.
Theo Bộ trưởng, đứng trước sự thay đổi nhanh chóng của khoa học, công nghệ, thị trường, không thể có quy hoạch phủ hết toàn bộ, mà cần có hai phần: phần cứng do nhà nước can thiệp, và phần còn lại là dung lượng do thị trường điều chỉnh, qua đó có không gian linh hoạt thích ứng với sự thay đổi…
Liên quan đến các quy hoạch sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp, Bộ trưởng cho rằng bỏ quy hoạch sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp là một bước tiến lớn. Trong điều kiện thị trường ngày càng mở và bất định, đặc biệt với những diễn biến khó lường như trong dịch bệnh Covid-19 vừa qua, khó có được đẩy đủ dữ liệu để đưa ra quyết định quy hoạch, hoặc đề ra các chỉ số, chỉ tiêu một cách cứng nhắc.
Ngoài ra, Bộ trưởng kiến nghị cần chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, đa dạng hóa sản phẩm ra thị trường; cần khẩn trương quy hoạch từng vùng sinh thái để định hình được một chiến lược đầu tư hỗ trợ tạo ra một hệ sinh thái của ngành hàng.
Ngày 31/5, buổi sáng, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.
Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) và Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.