Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đánh giá, đầu tư của EU vào Việt Nam chưa tương xứng với kỳ vọng, bởi thực tế chúng ta rất muốn nguồn vốn chất lượng cao này đầu tư nhiều hơn, từ đó tạo nên những áp lực cải cách mạnh mẽ hơn. Trong khối EU chưa có một nước nào đứng trong Top 10 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư lớn vào Việt Nam, cho dù nhiều nước trong khối (Pháp, Đức….) đầu tư ra nước ngoài rất nhiều.
“Mỗi năm Đức giải ngân vốn đầu tư nước ngoài khoảng 60 tỷ USD, nhưng vốn đầu tư của nước này vào Việt Nam vẫn chưa đạt 1 tỷ USD. Ngược lại, đầu tư của một nước nhỏ như Hà Lan vào Việt Nam lại chiếm tới 1/3 tổng vốn đầu tư của EU vào Việt Nam”, ông Toàn cho biết và nhấn mạnh, đây là một điều không bình thường, chứng tỏ các nước lớn của EU chưa quan tâm nhiều đến đầu tư vào Việt Nam.
Cùng chung đánh giá, TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp thuộc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia cho biết, vốn đầu tư của EU vào Việt Nam thời gian qua còn thấp, chưa có đột biến. Chẳng hạn như năm 2012, EU đầu tư vào Việt Nam 0,9 tỷ USD; năm 2013 là 0,7 tỷ USD; năm 2014 là 0,9 tỷ USD… và đến năm 2019 là 1,4 tỷ USD.
Với sự kiện Nghị viện châu Âu thông qua Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và EVIPA sau gần 10 năm đàm phán, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, các hiệp định được thông qua thể hiện sự tin tưởng của EU vào nỗ lực cải cách của Việt Nam và những cam kết thực thi hiệp định. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh kỳ vọng, khi các hiệp định được thực thi, sẽ có một làn sóng đầu tư mạnh mẽ từ châu Âu vào Việt Nam.
Đồng quan điểm này, ông Toàn cho rằng, các nhà đầu tư châu Âu là những nhà đầu tư chất lượng cao, họ sở hữu công nghệ nguồn, nhân lực rất tốt. Do đó, việc châu Âu ký kết và thông qua Hiệp định đã khẳng định niềm tin lớn của họ vào môi trường đầu tư Việt Nam.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ cùng các bộ, ngành khác đã có những chuẩn bị để đón sóng đầu tư từ EU, trong đó có việc thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT), đặc biệt là CNHT gắn với công nghiệp dệt may, da giầy, ô tô… Nhiều chính sách gắn với phát triển CNHT đã được ban hành, tạo điều kiện cho các nhóm sản phẩm phát triển. Bộ Công Thương cũng nỗ lực cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát chính sách về thu hút FDI nhằm có các biện pháp cụ thể để sớm ban hành chính sách sàng lọc FDI, thúc đẩy các ngành CNHT phát triển, tạo dựng liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI.
Để tận dụng được các cơ hội từ 2 hiệp định, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, trước tiên là tăng cường phổ biến về các nội dung của Hiệp định và những việc cần làm để thực thi Hiệp định, nhất là cho các đối tượng bị tác động, để có thể nắm bắt kịp thời các yêu cầu; dự báo nhu cầu thị trường để có những giải pháp phù hợp. Đồng thời, xây dựng lộ trình thực hiện để đảm bảo thực thi có hiệu quả các quy định của Hiệp định; tích cực cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế…