Giải ngân kế hoạch đầu tư vốn NSNN đến hết ngày 31/1/2020 ước đạt 4,448 nghìn tỷ đồng, bằng 0,95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Ảnh: Lê Tiên |
Giải pháp quan trọng thúc đẩy tăng trưởng
Theo nhiều nghiên cứu, những lĩnh vực đóng góp lớn cho tăng trưởng thời gian qua như xuất khẩu, công nghiệp chế biến chế tạo, dịch vụ... thì trong năm nay đều chịu ảnh hưởng lớn từ dịch bệnh. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đưa ra 2 kịch bản tác động đối với xuất khẩu, đó là quý I giảm 21% so với cùng kỳ năm trước nếu dịch nCoV kết thúc cuối quý I/2020, và xuất khẩu quý II ước tính giảm 20% so với cùng kỳ năm trước nếu dịch kết thúc cuối quý II/2020. Dịch cũng sẽ tác động đến ngành công nghiệp chế biến chế tạo, đặc biệt những ngành sản xuất, xuất khẩu sử dụng nhiều nguyên, vật liệu, phụ kiện xuất xứ từ Trung Quốc và các doanh nghiệp Trung Quốc đang đầu tư, sản xuất tại Việt Nam. Mục tiêu tăng trưởng 6,8%, theo Bộ KH&ĐT, là rất khó đạt được.
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2020, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Chính phủ nhất quán chưa đặt vấn đề điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng, phấn đấu cao nhất để đạt mục tiêu. Nhiều giải pháp đã được đưa ra, trong đó Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương tập trung triển khai nhanh công tác phân bổ, giao kế hoạch, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn đầu tư công, nhất là các dự án lớn, quan trọng, chương trình mục tiêu quốc gia.
Trước đó, khi làm việc với Bộ KH&ĐT, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh, giải ngân vốn đầu tư công chậm là một trong những tồn tại lớn nhất của năm 2019, ở cả khâu thể chế và thực hiện, nhất là khâu thực hiện. Thủ tướng yêu cầu cần tích cực tháo gỡ ngay từ trong quý I năm 2020 về giải ngân vốn đầu tư công. “Đây cũng là một thời cơ bởi còn nhiều nguồn tiền để giải ngân, thúc đẩy tăng trưởng”, Thủ tướng nhận định.
Tiến độ giải ngân phụ thuộc vào các bộ, ngành, địa phương
Vốn kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ giao hết ngày 29/11/2019. Lần đầu tiên 100% số vốn kế hoạch được giao hết trong một lần trước 30/11.
Theo thống kê của Bộ KH&ĐT đến ngày 30/1/2020, tổng số vốn các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã có quyết định giao chi tiết trước ngày 31/12/2019 cho các dự án đủ thủ tục đầu tư, đủ điều kiện giải ngân trong năm 2020 là 457.107,928 tỷ đồng, đạt 92% so với kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao, tương đương với các năm trước. Bộ KH&ĐT đánh giá các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã chủ động, tích cực triển khai giao kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2020 kịp thời, đáp ứng yêu cầu giải ngân kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2020 ngay từ đầu năm; đã cơ bản bố trí vốn theo các nguyên tắc, tiêu chí quy định và trong phạm vi kế hoạch đầu tư vốn NSNN đã được Thủ tướng Chính phủ giao. Tuy nhiên, còn một số ít dự án chưa đủ thủ tục đầu tư nên chưa giao được kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2020.
Về tình hình giải ngân, theo Bộ KH&ĐT, ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2020 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đến hết ngày 31/1/2020 là 4,448 nghìn tỷ đồng, đạt 0,95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ 2019 đạt 0,5% kế hoạch Quốc hội giao và đạt 0,69% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Vốn thực hiện trong tháng 1/2020 ước đạt khoảng 18,7 nghìn tỷ đồng, bằng 4,2% kế hoạch năm và tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2019 (cùng kỳ 2019 bằng 4,5% kế hoạch năm và tăng 3,8%). Nguyên nhân giải ngân chậm do tháng 1/2020 vẫn trong thời gian giải ngân kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2019 nên các bộ, ngành trung ương và địa phương tập trung hoàn tất các thủ tục nghiệm thu, thanh toán khối lượng hoàn thành của kế hoạch vốn năm 2019 được giao và nhập dự toán cho các dự án trên Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS). Căn cứ kế hoạch vốn được cấp có thẩm quyền phân bổ, các chủ đầu tư mới triển khai các thủ tục đấu thầu, lựa chọn nhà thầu các gói thầu, việc tạm ứng và thanh toán trong tháng còn hạn chế.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết, với những quy định mới tại Luật Đầu tư công có hiệu lực từ 1/1/2020, nhiều thủ tục được đơn giản hơn, tháo gỡ nhiều vướng mắc, kỳ vọng tiến độ giải ngân sẽ tốt hơn. Với quy định phân cấp mạnh thì tiến độ này phụ thuộc rất nhiều vào các bộ, ngành, địa phương trong triển khai thực hiện.