Kỳ vọng sớm đủ cát cho cao tốc Cao Lãnh - An Hữu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sau khởi công, các nhà thầu thi công tuyến đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu (tỉnh Đồng Tháp) đã tập trung nguồn lực để triển khai hoạt động xây lắp. Trong lúc đó, địa phương cũng đang rốt ráo đẩy nhanh các thủ tục để đưa 2 mỏ cát phục vụ cho Dự án vào khai thác nhằm tăng tốc giải ngân nguồn vốn trong kế hoạch năm 2023.
Thi công dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu
Thi công dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng giao thông (Ban Giao thông) tỉnh Đồng Tháp (Chủ đầu tư), Gói thầu Thiết kế bản vẽ thi công và thi công xây dựng của Dự án thành phần (DATP) 1 thuộc Dự án Xây dựng đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn 1 có giá trị 2.805 tỷ đồng, thời gian thực hiện 840 ngày. Nhà thầu trúng thầu là Liên danh Công ty CP Đầu tư xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C - Công ty TNHH MTV Cơ khí và Xây dựng Thiên An - Công ty TNHH Đầu tư xây dựng DACINCO.

Ông Hồ Vĩnh Quan, Phó Giám đốc Ban Giao thông tỉnh Đồng Tháp cho biết, Công ty CP Đầu tư xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C đã huy động máy móc, thiết bị, nhân sự đến công trường. Với phần đường, Nhà thầu đã phát quang tuyến chính đạt 1,9 km trên tổng số 10,6 km, đang thi công đào đất, trải vải địa kỹ thuật, đắp cát tuyến chính và đường công vụ. Đối với phần cầu, VNCN E&C đã tập kết đủ cọc thử, đóng 2 trên 10 cọc thử hạng mục cầu Hội Đồng Tường; tập kết cọc thử, đóng xong 3 trên 10 cọc thử cầu Xẻo Quýt; tập kết máy đóng cọc cầu Cái Bèo. Nhà thầu này cũng đắp khối lượng cát hơn 14.000 m3.

Trong khi đó, Công ty TNHH MTV Cơ khí và Xây dựng Thiên An đang thi công đào đất, trải vải địa kỹ thuật, đắp cát đường công vụ. Với phần cầu, Thiên An thi công cọc thử cọc khoan nhồi đạt 8 trên 12 cọc, thi công cọc đại trà trụ T4 đạt 12 trên 84 cọc của hạng mục cầu Đường Thét. Khối lượng cát đắp của Thiên An cũng đạt khoảng 10.398 m3.

Công ty TNHH Đầu tư xây dựng DACINCO cũng đang thi công đào đất, trải vải địa kỹ thuật, đắp cát đường công vụ. Với phần cầu Kênh Xáng 1, Nhà thầu đã dọn dẹp, phát quang mặt bằng, đúc xong 9 tim cọc thử, đắp cát. Khối lượng cát đắp đạt khoảng 2.510 m3.

Ông Hồ Vĩnh Quan cho biết, hiện vấn đề ưu tiên giải quyết là kế hoạch lấy cát tạm điều phối phục vụ thi công; kế hoạch thực hiện thủ tục khai thác cát từ cát mỏ được phân bổ. Ông Quan cho biết, ngày 8/9/2023, Ban Giao thông đã đôn đốc các nhà thầu thi công hoàn thành tiếp nhận 51.011 m3 cát được phân bổ trong tháng 9 và đẩy nhanh tiến độ thi công khối lượng theo hợp đồng.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Quang Tuân, Chỉ huy trưởng VNCN E&C cho biết, công tác thi công đã dần vào guồng. Hiện Nhà thầu rất ngóng chờ các mỏ cát được Tỉnh phê duyệt để tăng tốc tiến độ thi công. “Chúng tôi hy vọng trong tháng 9, báo cáo đánh giá tác động môi trường các mỏ cát sẽ được UBND tỉnh Đồng Tháp phê duyệt và nguồn cát tháng 10 sẽ nhiều hơn”, ông Tuân nói.

Theo tìm hiểu, Đồng Tháp đang lập hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường 2 mỏ cát cung cấp cho cao tốc Cao Lãnh - An Hữu. Cụ thể, ngày 7/8/2023, Công ty CP Xây lắp và Vật liệu xây dựng Đồng Tháp đã trình Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo đánh giá tác động môi trường mỏ cát trên nhánh sông Tiền thuộc xã Long Khánh A, xã Thường Lạc, huyện Hồng Ngự và phường An Lạc, TP. Hồng Ngự. Sở TN&MT đã tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường vào ngày 15/8/2023 và sau đó có thông báo kết quả thẩm định. Đơn vị tư vấn đang chỉnh sửa, hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động môi trường theo nội dung cuộc họp thẩm định để trình lại Sở TN&MT. Đối với mỏ cát thuộc xã Tân Thuận Đông, TP. Cao Lãnh và xã Mỹ An Hưng A, Mỹ An Hưng B, huyện Lấp Vò, đơn vị tư vấn cũng đang chỉnh sửa, hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động môi trường theo ý kiến của các thành viên hội đồng thẩm định. Khi các báo cáo đánh giá tác động môi trường 2 mỏ cát hoàn tất, UBND tỉnh Đồng Tháp sẽ sớm trình phê duyệt và nút thắt về cát cho Dự án sẽ được tháo gỡ.

Theo báo cáo của Ban Giao thông tỉnh Đồng Tháp, UBND huyện Cao Lãnh đã đề nghị bổ sung đầu tư 7,19 km đường dân sinh và 1 cống thủy lợi trên tuyến DATP 1. Do vậy, Ban Giao thông đang kiến nghị UBND tỉnh Đồng Tháp chấp thuận chủ trương tận dụng đường công vụ bên trái tuyến làm đường dân sinh sau khi công trình hoàn thành và mở rộng phạm vi giải phóng mặt bằng đối với các đoạn đường dân sinh bên phải tuyến.

Đến nay, DATP 1 cao tốc Cao Lãnh - An Hữu đã giải ngân được 700,9 tỷ đồng, đạt 94,1% kế hoạch năm 2023. Trong đó giải ngân cho giải phóng mặt bằng là 543,3 tỷ đồng, đạt 97% kế hoạch; giải ngân giai đoạn thực hiện đầu tư là 146 tỷ đồng, đạt 84,5% kế hoạch.