Kỳ vọng thêm động lực mới cho thu hút FDI

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Số liệu thu hút vốn đầu tư nước ngoài 3 tháng đầu năm 2023 cho thấy, Việt Nam không nằm ngoài xu thế chung của thế giới, khi lượng vốn đăng ký mới giảm sút. Tuy nhiên, sức hấp dẫn của Việt Nam đối với nhà đầu tư nước ngoài vẫn rất lớn, đặc biệt là những lĩnh vực mới được ưu tiên, định hướng thu hút đầu tư.
Tính đến 20/3/2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 5,45 tỷ USD. Ảnh: Lê Tiên
Tính đến 20/3/2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 5,45 tỷ USD. Ảnh: Lê Tiên

Cơ cấu vốn có sự thay đổi

Theo Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), tính đến 20/3/2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp (GVMCP) của nhà ĐTNN đạt gần 5,45 tỷ USD, bằng 61,2% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, số dự án đầu tư mới và số lượt dự án điều chỉnh vốn vẫn tăng so với cùng kỳ.

Cụ thể có 522 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (GCNĐKĐT), tăng 62,1% so với cùng kỳ 2022, tổng vốn đăng ký đạt hơn 3 tỷ USD, giảm 5,9%. Có 234 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, tăng 2,6% so với cùng kỳ, tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt gần 1,21 tỷ USD, giảm 70,3% so với cùng kỳ 2022, tăng 14,8 điểm phần trăm so với 2 tháng. Vốn đầu tư điều chỉnh vẫn giảm so với cùng kỳ do không có nhiều dự án điều chỉnh vốn lớn song mức giảm đã được cải thiện hơn so với 2 tháng. Số lượt dự án điều chỉnh vốn cũng tăng trở lại (tăng 2,6%) thay vì giảm 6,3% trong 2 tháng đầu năm. Có 703 giao dịch GVMCP của nhà ĐTNN, giảm 4,2% so với cùng kỳ 2022, tổng giá trị vốn góp đạt gần 1,22 tỷ USD, giảm 25,5%.

Tính riêng trong tháng 3 năm 2023, vốn đầu tư mới và vốn đầu tư điều chỉnh đang có xu hướng tăng lên so với các tháng đầu năm. Vốn đầu tư mới tăng 2,25 lần so với tháng 2 và tăng 4,5% so với tháng 1. Vốn đầu tư điều chỉnh cũng tăng hơn 2,9 lần so với tháng 2 và tăng gần 2,2 lần so với tháng 1.

Cục ĐTNN phân tích, cơ cấu vốn FDI theo cách thức đầu tư vốn có sự thay đổi so với cùng kỳ năm 2022. Trong 3 tháng đầu năm 2023, tỷ trọng vốn đầu tư mới trong tổng vốn đăng ký tăng lên (chiếm hơn 55,5% so với 36% cùng kỳ năm 2022); tỷ trọng vốn đầu tư điều chỉnh giảm (chiếm 22,2% so với 45,6% trong cùng kỳ 2022); tỷ trọng GVMCP tăng (chiếm 22,3% so với 18,3% trong cùng kỳ 2022.

Về vốn thực hiện của dự án ĐTNN, số vốn đã thực hiện 3 tháng năm 2023 ước đạt khoảng hơn 4,3 tỷ USD, giảm 2,2% so với cùng kỳ năm 2022, song đã có cải thiện so với 2 tháng đầu năm (tăng 2,7 điểm phần trăm so với 2 tháng năm 2023).

Theo bà Dorsati Madani, Chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới, mức cam kết FDI trên toàn thế giới đều giảm kể từ năm 2022 do cuộc xung đột Nga - Ukraine và những yếu tố bất định trên toàn cầu. Điểm hứa hẹn với Việt Nam là triển khai thực hiện các nguồn vốn cam kết tăng rất nhiều trong năm trước. Những cam kết đầu tư được hiện thực hóa trong nền kinh tế để đóng góp cho tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm mới là con số quan trọng, cần phải theo dõi trong thời gian tới.

Nhà đầu tư đang chờ đợi những động thái, phản ứng chính sách của Việt Nam để ứng phó với việc áp thuế tối thiểu toàn cầu. Ảnh: Tiên Giang

Nhà đầu tư đang chờ đợi những động thái, phản ứng chính sách của Việt Nam để ứng phó với việc áp thuế tối thiểu toàn cầu. Ảnh: Tiên Giang

Lắng nghe nhà đầu tư lớn

Số liệu của Cục ĐTNN cho thấy, vốn đầu tư mới tuy không còn duy trì được mức tăng mạnh như trong 2 tháng đầu năm, song số dự án đầu tư mới tiếp tục tăng so với cùng kỳ và tăng mạnh so với 2 tháng đầu năm.

Theo một chuyên gia, điều này cho thấy, một mặt các nhà ĐTNN quy mô vừa và nhỏ tiếp tục quan tâm, tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam, đưa ra các quyết định đầu tư mới; mặt khác có thể có dấu hiệu các tập đoàn lớn cẩn trọng, xem xét kỹ việc tiếp tục đầu tư lớn vào Việt Nam trong bối cảnh tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu.

Ông Nakajima Takeo, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) Hà Nội cho biết, các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nhật Bản có mối quan tâm ngày càng lớn tới Việt Nam. Doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nhật Bản có lợi thế về công nghệ, quản trị, có thể giúp chuyển giao công nghệ, đồng thời cũng dưới ngưỡng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Xu hướng đầu tư của khu vực này sẽ gia tăng trong thời gian tới.

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nhật Bản có mối quan tâm ngày càng lớn tới Việt Nam. Doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nhật Bản có lợi thế về công nghệ, quản trị, có thể giúp chuyển giao công nghệ, đồng thời cũng dưới ngưỡng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Xu hướng đầu tư của khu vực này sẽ gia tăng trong thời gian tới.

Ở chiều ngược lại, đối với các nhà đầu tư nước ngoài lớn, theo Nhóm Công tác Thuế và Hải quan của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF), khi chính sách thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng dự kiến vào năm 2024, các công ty đa quốc gia đã và đang đầu tư vào Việt Nam có thể phải nộp thuế bổ sung tại các nước khác liên quan đến hoạt động của các công ty con tại Việt Nam. Khi đó, chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam sẽ không còn ý nghĩa.

Theo lãnh đạo Samsung, Canon, việc áp thuế tối thiểu toàn cầu sẽ tác động trực tiếp đến sức cạnh tranh của doanh nghiệp tại Việt Nam. Một số quốc gia khác như Thái Lan - đối thủ cạnh tranh lớn của Việt Nam đã có những phản ứng chính sách thay thế chính sách ưu đãi thuế. Ở thời điểm này, nhiều nhà đầu tư cho biết đang chờ đợi những động thái, phản ứng chính sách mới để có kế hoạch đầu tư tại Việt Nam.

Nhiều nhà đầu tư cho rằng, thuế suất là điều rất đáng quan tâm, nhưng nếu Việt Nam có thể cải thiện về thủ tục hành chính, hạ tầng, nguồn nhân lực thì vẫn có thể giữ được sức cạnh tranh.

Những diễn biến gần đây cho thấy, nhà ĐTNN vẫn đánh giá rất cao sức hấp dẫn của Việt Nam, với sự quan tâm ngày càng lớn vào những lĩnh vực đầu tư mới theo định hướng thu hút của Chính phủ. Đặc biệt là các nhà đầu tư Hoa Kỳ, châu Âu - những quốc gia phát triển hiện vẫn đang có lượng đầu tư khiêm tốn so với tiềm năng, đang rất quan tâm đến cơ hội hợp tác đầu tư mới tại Việt Nam. Chuyến làm việc của phái đoàn doanh nghiệp Hoa Kỳ lớn nhất tới Việt Nam từ trước tới nay, gồm những doanh nghiệp đã có đầu tư tại Việt Nam và những tên tuổi lớn trong lĩnh vực đầu tư mới tiếp tục thể hiện mối quan tâm, niềm tin của doanh nghiệp xứ sở cờ hoa đối với Việt Nam và triển vọng tăng trưởng trong tương lai với nhiều cơ hội hợp tác cho cả hai bên.

Tin cùng chuyên mục