Kỳ vọng trước giờ khai mở sàn trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sau thời gian chuẩn bị và kiểm thử Hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ (TPDNRL), Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết đã sẵn sàng các điều kiện kỹ thuật để vận hành từ ngày 19/7/2023. Sàn TPDNRL mở ra sẽ góp phần tăng tính minh bạch, hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư, thúc đẩy thanh khoản, tạo điều kiện cho thị trường sơ cấp phát triển và doanh nghiệp có cơ hội chủ động huy động vốn.
HNX cho biết đã sẵn sàng các điều kiện kỹ thuật để vận hành Hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ từ ngày 19/7/2023.Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
HNX cho biết đã sẵn sàng các điều kiện kỹ thuật để vận hành Hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ từ ngày 19/7/2023.Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Thông tư số 30/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn việc giao dịch trái phiếu doanh nghiệp chào bán riêng lẻ có hiệu lực từ ngày 1/7/2023 là nền tảng pháp lý hướng dẫn các chủ thể trên thị trường TPDNRL. Khi sàn mới được vận hành, các nhà đầu tư sở hữu TPDNRL sẽ có thêm một phương thức mới để chuyển đổi trái phiếu sở hữu sang tiền bằng cách bán trái phiếu, thay vì chờ doanh nghiệp thanh toán nợ gốc và lãi trái phiếu khi đến hạn.

Theo quy định, đối tượng nhà đầu tư tham gia vào thị trường TPDNRL là các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, tức không phải mọi nhà đầu tư, nhưng việc lưu ký và thực hiện giao dịch qua các công ty chứng khoán, với các lệnh chào mua, chào bán được yết giá lên hệ thống HNX sẽ giúp kết nối nhu cầu mua bán toàn thị trường, từ đó giải bài toán thanh khoản cho các trái chủ. Ở góc nhìn thận trọng, nhiều ý kiến cho rằng, mở sàn trái phiếu riêng lẻ mới là điều kiện cần, điều kiện đủ là phải thu hút được các nhà đầu tư mới, những người sẵn sàng bỏ tiền mua TPDNRL. Đây là bài toán không dễ tìm lời giải trong bối cảnh sản phẩm TPDNRL đã bộc lộ quá nhiều vấn đề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của đại đa số nhà đầu tư khi hàng trăm doanh nghiệp chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu, hay một số lãnh đạo doanh nghiệp, tập đoàn bị khởi tố liên quan đến sai phạm trong phát hành trái phiếu.

Theo Nghị định 65/2022/NĐ-CP, trong thời hạn 3 tháng kể từ khi hệ thống đăng ký, lưu ký, giao dịch TPDNRL chính thức vận hành, trái phiếu phát hành theo Nghị định này và Nghị định số 153/2020/NĐ-CP và còn dư nợ phải thực hiện đăng ký, lưu ký và đăng ký giao dịch. Điều kiện để được “lên sàn” là trái phiếu phải thuộc các doanh nghiệp thực hiện được cam kết trả lãi cho nhà đầu tư, không vi phạm quy định pháp lý. Các doanh nghiệp bị chậm trả lãi, gốc sẽ tạm thời chưa được “lên sàn”.

Với hơn 1.600 loại TPDNRL đã được phát hành, hàng hóa tiềm năng cho sàn giao dịch này là rất lớn. Tuy vậy, rất nhiều trái phiếu được phát hành trong 3 năm qua không có sự minh bạch tối thiểu. Người mua mù mờ về tổ chức phát hành, mua theo niềm tin hoặc hiểu lầm ngân hàng, công ty chứng khoán đứng ra bảo đảm thanh toán trái phiếu… Giải quyết “phần chìm” của thị trường TPDNRL như thế nào là câu hỏi rất lớn và thách thức, bởi nhà đầu tư đang sở hữu trái phiếu ở trong tình trạng rủi ro cao, còn nhà đầu tư mới không “dại gì” bỏ tiền ra mua vào rủi ro cao ấy.

Để tạo thanh khoản cho TPDNRL, một số ý kiến đề xuất, nhà quản lý sớm xây dựng hệ thống các nhà tạo lập thị trường. Năm 2017, HNX đã ban hành Quy chế về thành viên tạo lập thị trường với các cổ phiếu niêm yết, đăng ký giao dịch và chứng chỉ quỹ ETF. Với thị trường TPDNRL, nếu có sự tham gia của nhà tạo lập, sẽ giúp tăng kết nối cung cầu thực của nhà đầu tư, giúp hàng hóa được định giá chuẩn hơn và giảm rủi ro cho các bên, từ đó cải thiện niềm tin và tăng tính hấp dẫn cho trái phiếu.

Thực tế, trong các đợt phát hành TPDNRL thời gian qua, một số công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại đã đứng ra bảo lãnh và cam kết mua lại trái phiếu nếu trái chủ có nhu cầu bán trước hạn. Các đợt chào bán có kèm cam kết mua lại thường “đắt hàng”, bởi nhà đầu tư yên tâm tổ chức bảo lãnh phát hành đã thẩm định sức khỏe doanh nghiệp, cũng như có trách nhiệm quản lý, xử lý tài sản bảo đảm. Như vậy, các tổ chức bảo lãnh phát hành chính là các ứng viên tiềm năng cho vai trò thành viên tạo lập thị trường TPDNRL. Điều còn thiếu là sự cho phép của cơ quan quản lý và chưa có một quy chế tạo lập cụ thể cho thị trường trái phiếu riêng lẻ tại Việt Nam.

Nhiều nhà đầu tư bày tỏ kỳ vọng Hệ thống giao dịch TPDNRL sẽ giải quyết được nhiều ách tắc. Đặc biệt, nếu Hệ thống được vận hành thông suốt, niềm tin với kênh TPDNRL được cải thiện, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tính chuyện tiếp tục phát hành trái phiếu để chủ động gọi vốn thay vì phụ thuộc vào kênh tín dụng.

Tin cùng chuyên mục