Trị giá xuất khẩu hàng dệt may đang cải thiện dần khi kim ngạch xuất khẩu quý II/2023 tăng 21% so với quý trước. Ảnh: Lê Tiên |
Kịch bản GDP năm 2023
Tại Hội thảo công bố Báo cáo “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm và triển vọng cuối năm 2023” tuần qua, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã cập nhật 3 kịch bản tăng trưởng GDP năm 2023. Trong kịch bản thứ nhất, CIEM dự báo tăng trưởng GDP đạt 5,34%, trong đó xuất khẩu (XK) cả năm giảm 5,64% và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 3,43%. Cán cân thương mại thặng dư ở mức 9,1 tỷ USD.
Ở kịch bản thứ hai, GDP dự báo tăng trưởng 5,72%, trong đó XK giảm 3,66% và CPI bình quân tăng 3,87%, cán cân thương mại thặng dư 10,3 tỷ USD. Kịch bản này cần thêm yếu tố nới lỏng tiền tệ và tài khóa tích cực hơn.
Trong kịch bản thứ ba, CIEM kỳ vọng tăng trưởng GDP đạt 6,46% năm 2023. Trong kịch bản này, XK chỉ giảm 2,17%, CPI bình quân tăng 4,39%, cán cân thương mại thặng dư 6,8 tỷ USD. Kịch bản thứ ba đặt trong giả thiết kinh tế thế giới có một số chuyển biến tích cực và Việt Nam có sự quyết liệt trong cải cách để hoạt động giải ngân và hấp thụ đầu tư công, tín dụng đạt kết quả tối đa...
Tổng cục Thống kê dẫn nhận định của một số tổ chức uy tín cho biết, 3 thị trường XK lớn nhất của Việt Nam là Mỹ, Trung Quốc, EU đều có triển vọng phục hồi. Cụ thể, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định, năm 2023, tăng trưởng của Trung Quốc sẽ ở mức 5,6%. Với Mỹ, Liên hợp quốc dự báo, mức tăng trưởng năm 2023 là 1,1%, tăng 0,7 điểm phần trăm so với dự báo trước đó. Với châu Âu, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự báo, tăng trưởng GDP đạt 0,9% năm 2023 và tăng dần lên mức 1,5% năm 2024...
Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định, nếu Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) không tăng lãi suất và các biện pháp thắt chặt kinh tế của Mỹ được tháo dần, tiêu dùng sẽ khởi sắc trở lại và sẽ là một động lực cho XK từ Việt Nam.
TS. Nguyễn Trí Hiếu phân tích thêm, tại Mỹ, quý III và quý IV có rất nhiều ngày thúc đẩy tiêu dùng, như Black Friday, Lễ Tạ ơn, Giáng sinh và Tết Dương lịch… Chuỗi sự kiện này sẽ giúp mua sắm, tiêu dùng của Mỹ tăng lên.
Với Trung Quốc, Việt Nam đã XK 25,6 tỷ USD hàng hóa sang thị trường này trong nửa đầu năm 2023. Nếu các nền kinh tế lớn phục hồi, kinh tế Việt Nam sẽ có thêm “điểm cộng” tăng trưởng và khối được hưởng lợi nhất là các doanh nghiệp (DN) XK.
Kỳ vọng từ doanh nghiệp
Trong ngành dệt may, Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương (VCBS) cho biết, trị giá XK đang cải thiện dần khi kim ngạch XK quý II/2023 tăng 21% so với quý trước. VCBS dẫn số liệu cho biết, tháng 5/2023, XK sang EU và Trung Quốc tăng lần lượt 0,1% và 10,1% so với cùng kỳ 2022. Trong sự phục hồi này, một số DN dệt may được hưởng lợi. Công ty CP Thương mại và Đầu tư TNG là một ví dụ do doanh số XK sang thị trường EU chiếm tới 32% tổng doanh thu. Được biết, TNG hiện là đối tác của nhiều thương hiệu thời trang quốc tế như The Children's Place, Asmara International Limited, Wishbone Co., Ltd, Haddad Apparel...
Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 cho biết, May 10 đã ổn định được đơn hàng trong 8 tháng đầu năm nay. Giờ mối lo là tháng 9, 10 và xa hơn, làm thế nào để xác nhận được đơn hàng. “Để tăng XK, chúng tôi phải nỗ lực tìm kiếm đơn hàng từng ngày, từng tuần. Với những dấu hiệu tích cực dần từ Mỹ, kỳ vọng đơn hàng sẽ nhiều hơn từ tháng 10 và bùng nổ vào các tháng 11, 12/2023”, ông Việt nói.
Điểm tích cực của DN dệt may XK Việt Nam, như ông Việt nhận định là, nếu có đơn hàng sẽ bước vào sản xuất ngay do có nguyên liệu, có công nhân và đã có hàng trong kho. Chỉ cần sức tiêu thụ của quốc tế phục hồi, DN XK Việt Nam sẽ được hưởng lợi.
Trong ngành thủy sản, Ban lãnh đạo Công ty CP Vĩnh Hoàn cho biết, so với quý II/2023, đơn hàng XK có dấu hiệu cải thiện, xét về sản lượng tiêu thụ. SSI Research kỳ vọng, Vĩnh Hoàn sẽ được hưởng lợi từ sự phục hồi tiêu dùng trên thị trường Mỹ và sẽ ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng từ quý IV/2023.
Theo TS. Vũ Sỹ Cường, Phó Trưởng Bộ môn Phân tích chính sách tài chính - Học viện Tài chính, tín hiệu khả quan của một số nền kinh tế lớn tạo nên kỳ vọng XK khả quan hơn, góp sức cùng 3 trụ cột gồm đầu tư công, đầu tư tư nhân và tiêu dùng trong nước, tạo nên tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Với DN, các chuyên gia cho rằng, cơ hội sẽ dành cho những chủ thể giữ được năng lực sản xuất sau hơn 2 năm gian khó và giữ được mối quan hệ bạn hàng tin cậy với quốc tế.