Lạc quan tiêu thụ thép cuối năm

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) - Trên cơ sở theo dõi tình hình sản xuất, tiêu thụ thép 10 tháng năm 2020, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) nhận định, tiêu thụ thép những tháng cuối năm nay sẽ khả quan hơn đầu năm. Nhiều khả năng tăng trưởng của ngành thép năm nay sẽ tương đương với năm trước, thậm chí tăng nhẹ, dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Không ít doanh nghiệp thép có doanh thu và lợi nhuận cao kỷ lục. Ảnh: Lê Tiên
Không ít doanh nghiệp thép có doanh thu và lợi nhuận cao kỷ lục. Ảnh: Lê Tiên

Nhiều tín hiệu tích cực

Báo cáo về thị trường thép 10 tháng năm 2020, VSA cho biết, sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm thép trong nước giảm lần lượt 0,3% và 4,1% so với cùng kỳ năm trước, song đây vẫn là kết quả tích cực trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp (DN).

Cụ thể, trong tháng 10, sản xuất và tiêu thụ thép thô tăng nhẹ so với tháng 9/2020. Trong đó, sản xuất thép thô đạt 1.586.952 tấn, tăng nhẹ so với tháng trước và tăng 18% so với cùng kỳ năm 2019. “Đây là sản lượng thép thô cao nhất trong 2 năm 2019 - 2020”, VSA nhận xét. Tiêu thụ thép thô đạt 1.668.448 tấn, tăng 5,8% so với tháng trước và tăng 30% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, xuất khẩu thép thô là 331.491 tấn.

Đối với sản xuất và tiêu thụ thép thành phẩm, VSA ghi nhận sản xuất thép các loại trong tháng 10/2020 đạt 2.390.739 tấn, tương đương với sản lượng tháng trước và tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2019.

Tính chung 10 tháng, sản xuất đạt 12.365.835 tấn, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2019. Tiêu thụ đạt 12.061.201 tấn, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu đạt 2.333.867 tấn, tăng gấp 4,67 lần cùng kỳ năm 2019.

Về thép xây dựng, sản lượng thép xây dựng sản xuất trong tháng 10/2020 đạt 882.061 tấn, tăng 1,59% so với tháng 9/2020, nhưng giảm 3,5% so với cùng kỳ năm 2019. Tiêu thụ đạt 729.874 tấn, giảm 24,02% so với tháng trước và giảm 15,9% so với cùng kỳ năm 2019.

Tính chung 10 tháng, sản xuất thép xây dựng đạt 8.357.884 tấn, giảm 5,7% so với cùng kỳ năm 2019. Tiêu thụ đạt 8.357.166 tấn, giảm 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, xuất khẩu 10 tháng tăng 2,1% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 1.176.759 tấn.

“Đến ngày 31/10/2020, tồn kho thép xây dựng chỉ là 587.172 tấn. Đây là mức tồn kho tương đối thấp so với các tháng trước”, VSA cho biết.

Giá các loại nguyên vật liệu sản xuất thép trong tháng 10/2020 có xu hướng đi ngang và ổn định từ cuối tháng 9/2020. Giá bán thép trong nước hiện ở mức bình quân khoảng 11.300 - 11.700 đồng/kg tùy chủng loại sản phẩm và từng DN cụ thể.

Lợi nhuận tăng trưởng cao, tiêu thụ dự báo khả quan

Với những tín hiệu tích cực trên, không ít DN thép có lợi nhuận tăng trưởng cao. Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát cho biết, chỉ riêng trong quý III/2020, Hòa Phát lãi 3.785 tỷ đồng, gấp 2 lần cùng kỳ năm trước và cao nhất lịch sử một quý. Lũy kế 9 tháng, doanh thu của Tập đoàn Hòa Phát đạt 65.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 8.845 tỷ đồng, lần lượt tăng 40% và 56% so với cùng kỳ năm 2019, vượt mức thực hiện năm 2019, cao nhất từ trước tới nay.

Thép Việt Ý (VIS) ghi nhận doanh thu quý III tăng 6%, đạt 1.151 tỷ đồng, lãi sau thuế 26,7 tỷ đồng. Đây là quý thứ hai liên tiếp DN này có lãi.

Bên cạnh đó, Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen; Công ty CP Thép Formosa Hà Tĩnh cũng thông báo tình hình xuất khẩu thép có những diễn biến tích cực. Tập đoàn Hoa Sen công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý IV niên độ tài chính 2019 - 2020 (từ 1/7 đến 30/9/2020) với lợi nhuận sau thuế 450 tỷ đồng, gấp 5,4 lần cùng kỳ niên độ trước; lũy kế cả niên độ (từ tháng 10/2019 đến hết tháng 9/2020) lãi ròng 1.151 tỷ đồng, gấp 3,2 lần niên độ trước.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Trịnh Khôi Nguyên, Phó Chủ tịch VSA cho rằng, đạt được những kết quả này một phần là nhờ Chính phủ đã kiểm soát tốt dịch Covid-19, tạo sự yên tâm cho các nhà sản xuất và kinh doanh lĩnh vực thép. Cùng với đó, việc Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công, tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu… cũng đang tạo điều kiện tốt thúc đẩy tiêu thụ thép.

Dự báo về tình hình tiêu thụ thép những tháng cuối năm nay, ông Nguyên nhận định, với những tín hiệu tích cực như hiện nay thì tiêu thụ thép, trong đó có thép xây dựng sẽ khả quan.

Tuy nhiên, đại diện VSA cho biết, thị trường xuất khẩu chủ yếu của các DN thép Việt Nam vẫn là ASEAN và một số thị trường truyền thống khác. Hiện DN thép Việt Nam chưa khai thác được nhiều thị trường các nước thành viên Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA). Muốn bán được hàng vào đây, VSA khuyến nghị, DN thép cần phải hiểu thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh, nỗ lực đáp ứng những yêu cầu cao của thị trường.

Tin cùng chuyên mục