Lại khởi động Cảng Vân Phong Khánh Hòa

Không phải siêu dự án cảng trung chuyển quốc tế tai tiếng một thời của Vinalines, Cảng Vân Phong mới tuy có công suất 2 triệu tấn/hàng, nhưng vẫn sẽ là lối ra biển mới của khu vực Tây Nguyên.
Cảng Bắc Vân Phong có mục tiêu đảm bảo lưu thông thông suốt hàng hoá cho khu vực Khánh Hoà và Tây Nguyên
Cảng Bắc Vân Phong có mục tiêu đảm bảo lưu thông thông suốt hàng hoá cho khu vực Khánh Hoà và Tây Nguyên

Sau đúng 4 tháng tiến hành thẩm định và lấy ý kiến của các bộ ngành liên quan, mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Cảng tổng hợp Bắc Vân Phong giai đoạn mở đầu thuộc Khu kinh tế Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa.

Dự án do Công ty cổ phần Cảng Nha Trang (có số vốn điều lệ 245,4 tỷ đồng, hiện quản lý Cảng tổng hợp Nha Trang) đề xuất.

Cần phải nói thêm rằng, theo quy định của Luật Đầu tư năm 2014, dự án xây dựng và kinh doanh cảng biển quốc gia thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng.

Trước đó, tháng 9/2015, Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) đã có văn bản gửi các bộ chức năng đề xuất thực hiện Dự án. Theo đó, Công ty cổ phần Cảng Nha ­­Trang sẽ đầu tư 417 tỷ đồng để thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng Cảng tổng hợp Vân Phong tại thôn Đầm Môn, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Nhà đầu tư này có kế hoạch xây dựng 2 bến tổng hợp giai đoạn đầu (đến năm 2020) với quy mô kho bãi đáp ứng lượng hàng thông qua từ 1,5 đến 2 triệu tấn/năm, có thể tiếp nhận tàu 50.000 DWT. Giai đoạn hoàn thiện sẽ xây dựng 2 bến container cho tàu đến 15.000 TEU với lượng hàng thông qua 1-1,5 triệu TEU/năm khi có nhu cầu hình thành cảng trung chuyển.

Trong cơ cấu vốn đầu tư, ngoài 200 tỷ đồng vốn góp của mình, Công ty cổ phần Cảng Nha Trang dự kiến huy động 217 tỷ đồng từ nguồn vay thương mại hoặc phát hành cổ phiếu.

Được biết, hiện Cảng tổng hợp Nha Trang là nơi tiếp nhận hàng hóa chính của khu vực Bắc Khánh Hòa và Tây Nguyên. Tuy nhiên, cảng này hiện đã được Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Khánh Hòa quản lý, chuyển đổi công năng thành cảng du lịch.

“Do đó, việc đầu tư xây dựng cảng mới thay thế cảng Nha Trang tại vị trí phù hợp là nhu cầu cấp thiết, đảm bảo việc làm liên tục cho lực lượng lao động đã có kinh nghiệm, tránh lãng phí nguồn lực về phương tiện, thiết bị và chi phí vận chuyển tăng thêm khi phải chuyển hàng đến cảng xa hơn. Đồng thời, đảm bảo lưu thông thông suốt hàng hóa cho khu vực Khánh Hòa và Tây Nguyên”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đánh giá.

Cũng theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, việc nhà đầu tư đề xuất thực hiện Dự án Cảng tổng hợp Bắc Vân Phong trong giai đoạn mở đầu là phù hợp với ngành nghề kinh doanh chính của Công ty.

Đánh giá của Bộ Giao thông- Vận tải (GTVT) cũng cho rằng, trong giai đoạn mở đầu nếu Dự án được triển khai sẽ hình thành một khu bến tổng hợp đa năng, sau đó phát triển thêm các bến container sẽ bám sát quy hoạch phát triển cảng biển Việt Nam và quy hoạch chi tiết Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong đã được Thủ tướng và Bộ GTVT phê duyệt.

Còn UBND tỉnh Khánh Hòa cũng cho hay, địa điểm thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng Cảng tổng hợp Vân Phong trước đây được giao cho Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) triển khai Dự án Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong. Tuy nhiên, Dự án đã dừng thực hiện và UBND tỉnh Khánh Hòa đã thu hồi đất, giao cho Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong quản lý. Do vậy, khu đất thực hiện dự án là đất sạch, do nhà nước quản lý, không phải giải phóng mặt bằng.

Để thực hiện Dự án, Công ty cổ phần Cảng Nha Trang sẽ làm việc với Vinalines và cơ quan liên quan thỏa thuận việc xử lý tài sản sau khi dự án của Vinalines chấm dứt hoạt động.

“Nếu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chúng tôi sẽ sớm hoàn tất các thủ tục để có thể khởi công xây dựng và đưa Cảng tổng hợp Bắc Vân Phong vào hoạt động sau tối đa 28 tháng”, ông Mai Đình Vũ, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cảng Nha Trang khẳng định.