Các chủ phương tiện xung quanh Trạm thu phí lại tiếp tục dừng, đỗ ở tất cả các làn thu phí, gây ách tắc giao thông cục bộ. Ảnh: Vietnam+ |
Doanh nghiệp dự án bất lực
Dự án Đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc - Hòa Bình và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình theo hình thức BOT mới thu phí hoàn vốn được hơn 1 tháng (từ ngày 3/5/2019) nhưng liên tục vấp phải sự phản đối của các chủ phương tiện sống xung quanh khu vực Trạm thu phí, đặc biệt là các đối tượng chưa sang tên đổi chủ phương tiện.
DNDA cho biết, xuất phát từ tình hình phức tạp và căng thẳng về an toàn trật tự, an ninh trật tự tại Trạm thu phí, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Bùi Văn Tỉnh cùng Giám đốc Công an Tỉnh, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Hòa Bình, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn, Chủ tịch UBND xã Yên Quang (huyện Kỳ Sơn), lãnh đạo Nhà đầu tư và DNDA đã có buổi đối thoại với chủ các phương tiện qua lại tại Trạm thu phí Km17+100.
Tại Cuộc họp, ông Bùi Văn Tỉnh đã có ý kiến chỉ đạo, trong thời gian chờ đợi UBND tỉnh Hòa Bình làm việc với Bộ GTVT, Nhà đầu tư về việc giảm giá vé cho các phương tiện, DNDA tạm giảm 50% giá vé theo quy định của Bộ GTVT cho cả các phương tiện thuộc sở hữu của người dân chưa thực hiện sang tên đổi chủ phương tiện theo quy định của pháp luật trong khu vực 5 km xung quanh Trạm thu phí; đồng thời sẽ đề nghị Bộ GTVT, Nhà đầu tư giảm 100% giá vé cho tất cả các phương tiện trong khu vực 5 km xung quanh Trạm thu phí.
Các chủ phương tiện xung quanh Trạm thu phí lại tiếp tục dừng, đỗ ở tất cả các làn thu phí, gây ách tắc giao thông cục bộ. Ảnh: Vietnam+
Tuy nhiên, bắt đầu từ ngày 1/6/2019, các chủ phương tiện xung quanh Trạm thu phí lại tiếp tục dừng, đỗ ở tất cả các làn thu phí, không chấp nhận giảm 50% giá vé, mà yêu cầu phải miễn phí khi qua Trạm, gây ách tắc giao thông cục bộ.
Tình hình đặc biệt nghiêm trọng và diễn biến phức tạp bắt đầu từ sáng ngày 10/6/2019 khi các đối tượng trên cố tình dừng đỗ tại tất cả các làn thu phí cả ngày lẫn đêm, gây ách tắc giao thông kéo dài. Mặc dù DNDA đã xả trạm nhưng các đối tượng này vẫn không chịu đánh xe ra khỏi làn hoặc là cả 4 xe đều đánh ra thì ngay lập tức có 4 xe khác thay thế, gây bức xúc cho người tham gia lưu thông. Một số đối tượng đã cố tình tháo, dỡ, mở hàng rào barie phân cách giữa làn thô sơ và làn xe cơ giới để các phương tiện lưu thông qua đây, cản trở nhân viên thu phí bán vé, gây thất thu cho DNDA.
Theo phản ánh của DNDA, hiện tại, Nhà đầu tư, DNDA hoàn toàn bất lực về tình hình gây rối, mất trật tự, ách tắc giao thông tại Trạm thu phí. Trong khi đó, các cơ quan chính quyền tỉnh Hòa Bình lại chưa có giải pháp cụ thể, cách xử lý nào để đưa những phương tiện cố tình dừng đỗ trái phép ra khỏi làn thu phí. Tình trạng này đang đẩy Nhà đầu tư, DNDA và ngân hàng cho vay tín dụng vào tình thế cực kỳ khó khăn. Công tác thu phí để hoàn vốn cho Dự án có nguy cơ ngưng trệ, không thể triển khai được.
Các chủ phương tiện xung quanh Trạm thu phí lại tiếp tục dừng, đỗ ở tất cả các làn thu phí, gây ách tắc giao thông cục bộ. Ảnh: Vietnam+
Chiều ngày 12/6/2018, trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam (TCĐBVN) cho hay, hiện tại, Tổng cục đang cử cán bộ phối hợp với chính quyền địa phương để ổn định tình hình mất an ninh trật tự tại Trạm thu phí Km17+100. Quan điểm của TCĐBVN là xe không chính chủ mà đòi giảm giá vé qua Trạm là không được, là không tuân thủ quy định của Nhà nước về sang tên đổi chủ phương tiện. Việc miễn/giảm giá vé qua trạm thu phí BOT phải thực hiện theo các quy định hiện hành của Nhà nước, không thể tùy tiện đòi hỏi và tùy tiện thực hiện. Trách nhiệm chính để đảm bảo an ninh trật tự tại Trạm thu phí vẫn là các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương. TCĐBVN rất mong chính quyền tỉnh Hòa Bình quyết liệt ủng hộ, có các biện pháp xử lý kịp thời để người dân chấp hành đúng, nghiêm các quy định của Nhà nước.
Một số chuyên gia cầu đường cho rằng, chủ trương thu hút đầu tư vào hạ tầng giao thông thông qua hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT là đúng đắn. Đối với những dự án BOT “chuẩn chỉnh”, phương án thu phí hoàn vốn cho dự án được công khai, minh bạch và đầy đủ thì việc xử lý hành vi phá rối, gây mất trật tự tại trạm thu phí là hết sức cần thiết. Điều này đảm bảo sự đồng hành của Nhà nước, chính quyền với những nhà đầu tư tâm huyết, thể hiện việc “nói đi đôi với làm” của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, của chính quyền địa phương đối với nhà đầu tư/DNDA.
Mặt khác, việc xử lý nghiêm minh và kịp thời đối với những đối tượng cố tình gây rối, gây mất trật tự tại trạm thu phí sẽ tránh được các tiền lệ xấu đối với chủ trương đúng đắn của Nhà nước trong thu hút đầu tư vào phát triển hạ tầng, không thể “dung túng” cho đòi hỏi vô lý, hành vi ngang ngược của các đối tượng không tuân thủ các quy định của pháp luật.