Lãi suất khó giảm khi các ngân hàng chạy đua huy động vốn

Cuộc đua lãi suất huy động vốn nóng dần lên trong hệ thống ngân hàng.
Ngoài việc tăng khuyến mãi, các ngân hàng còn cộng thêm biên độ lãi suất 0,1 - 0,3%, tập trung phần lớn ở kỳ hạn 13 - 15 tháng.
Ngoài việc tăng khuyến mãi, các ngân hàng còn cộng thêm biên độ lãi suất 0,1 - 0,3%, tập trung phần lớn ở kỳ hạn 13 - 15 tháng.

Dự báo về diễn biến lãi suất trong những tháng tới, các chuyên gia ngân hàngđều cho rằng, lãi suất tiếp tục đứng ở mức cao và có xu hướng tăng nhẹ.

TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia nhận định, từ nay đến cuối năm, việc giảm lãi suất là khó khăn, các ngân hàng chỉ có thể cố gắng giữ mặt bằng lãi suất như hiện nay.

Chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh cũng cho rằng, không phải đến thời điểm này, mà lãi suất tiết kiệm đã tăng trong 2 quý đầu năm và sẽ chưa dừng lại trong nửa cuối năm 2016.

“So với lạm phát thì hiện người gửi tiền vẫn được hưởng mức lãi suất thực dương và khi lạm phát tăng lên trong thời gian tới như các dự báo, thì lãi suất cũng sẽ đi lên”, ông Minh nói.

Lãi suất tiết kiệm tăng tác động lên lãi suất cho vay, cho dù các nhà băng đang rầm rộ kích cầu tín dụng bằng các gói lãi suất ưu đãi. Tuy nhiên, lãi suất thực khách hàng phải trả bắt đầu theo chiều hướng tăng lên.

Thực tế, làn sóng tăng lãi suất huy động tiếp tục diễn ra trong những ngày qua khi một số ngân hàng cộng thêm mức lãi 0,2 - 0,3% ở nhiều kỳ hạn nhằm hút khách gửi tiền. Thị trường đã ghi nhận việc điều chỉnh lãi suất của nhiều ngân hàng vào cuối tháng 6/2016, như tại Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank), lãi suất các sản phẩm tiền gửi thông thường, gửi online và tiết kiệm với mức tối đa lên đến 7,7%/năm. Theo đó, với hình thức gửi tiết kiệm thông thường, một số kỳ hạn ngắn tăng 0,1 -0,2%/năm; với loại hình gửi tiết kiệm online thì được cộng thêm 0,05 - 0,3%/năm.

Mới đây nhất, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) điều chỉnh khung lãi suất huy động dành cho khách hàng cá nhân. Các kỳ hạn ngắn dưới 3 tháng vẫn ở mức thấp, nhưng các kỳ hạn 5 - 12 tháng thì được ngân hàng này tăng 0,2 - 0,3% so với biểu lãi suất áp dụng từ cuối tháng 5, lên 5,5 - 6,8%/năm.

Ngoài ra, ở một số ngân hàng nhỏ và cả nhà băng có vốn nhà nước như Vietcombank cũng vừa áp mức lãi suất huy động mới, tăng 0,1%.

Không chỉ tăng lãi suất trực tiếp, các ngân hàng còn gia tăng khuyến mãi nhằm thu hút tiền nhãn rỗi. Từ ngày 13/7, khách hàng cá nhân hay tổ chức chỉ với số tiền gửi tối thiểu 50 triệu đồng, kỳ hạn gửi từ 13 tháng trở lên sẽ có cơ hội trúng thưởng lớn tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank).

Đáng chú ý hơn, trong thời gian gần đây, đã tái xuất hiện tình trạng cộng thêm biên độ lãi suất ngoài mức công bố chính thức của ngân hàng. Tuy không rầm rộ, song cuộc cạnh tranh về lãi suất huy động vốn vẫn tiếp tục nóng dần giữa các nhà băng, nhất là với những ngân hàng nhỏ. Ngoài việc tăng khuyến mãi, các ngân hàng còn cộng thêm biên độ lãi suất 0,1 - 0,3%, tập trung phần lớn ở kỳ hạn 13 - 15 tháng.

Theo TS. Bùi Quang Tín (Khoa Quản trị kinh doanh, Trường đại học Ngân hàng TP.HCM), trước diễn biến của thị trường hiện nay, nhất là việc nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) đã có những tác động nhất định đến một số kênh đầu tư (chứng khoán, vàng, tỷ giá…), thì an toàn hơn hết vẫn là kênh gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng, với lãi suất trung bình có thể đạt đến trên 8%/năm trong thời gian tới đây.

Trong khi đó, theo Báo cáo Triển vọng Kinh tế châu Á quý III/2016 của Ngân hàng HSBC vừa công bố, lạm phát toàn phần trung bình của Việt Nam ở mức 0,6% trong năm 2015, thấp nhất trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm ngoái, CPI toàn phần đã tăng từ 0,8% trong tháng 1/2016 lên 2,4% trong tháng 6/2016.

Theo HSBC, lạm phát cơ bản tuy vẫn nằm trong vòng kiểm soát, dao động từ 1,6% đến 2,0% trong một năm qua, nhưng sẽ tiếp tục tăng do nhu cầu nội địa dồi dào cùng tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ.

“Chúng tôi kỳ vọng lạm phát sẽ tăng thuyết phục hơn trong năm 2017, lạm phát toàn phần sẽ chạm mốc 4,9% vào cuối năm. Điều này sẽ hạn chế khả năng nới lỏng tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước. Vì vậy, chúng tôi trông đợi Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên lãi suất trước khi tiến hành đợt tăng đầu tiên vào quý III/2017”, HSBC phân tích.

Tin cùng chuyên mục