Các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước chủ yếu là linh kiện và chi tiết đơn giản, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm. Ảnh: Tiên Giang |
Thách thức ngành công nghiệp nền tảng
Theo ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp thuộc Bộ Công Thương, ngành CNHT Việt Nam vẫn còn nhiều điểm hạn chế. “Số lượng DN CNHT còn quá ít, năng lực DN sản xuất còn thấp, các DN thiếu nguồn lực và công nghệ để đổi mới và nâng cao năng lực sản xuất…”, ông Tuấn Anh nhấn mạnh.
Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, hiện cả nước có khoảng 1.800 DN sản xuất phụ tùng, linh kiện, nhưng chỉ có khoảng hơn 300 DN trong nước tham gia vào mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia.
Các sản phẩm CNHT trong nước chủ yếu là linh kiện và chi tiết đơn giản, với hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm. Một số sản phẩm CNHT của Việt Nam chưa đủ năng lực cạnh tranh, các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao chủ yếu do các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cung cấp.
Ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó Trưởng ban Đối ngoại của Công ty Toyota Việt Nam nhìn nhận, tuy đã tự chủ được một số loại sản phẩm CNHT cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu nhưng thực trạng CNHT cho ngành công nghiệp ô tô vẫn còn hạn chế. Tỷ lệ nội địa hóa chưa được như mong đợi, đa phần thiết bị quan trọng đều phải nhập khẩu.
“Chìa khóa” nào để phát triển công nghiệp hỗ trợ?
Nhìn về cơ hội phát triển ngành CNHT Việt Nam, ông Yamada Masahiko, Công ty CP NC Network Việt Nam cho biết, do chi phí sản xuất, kinh doanh tại Trung Quốc tăng lên, thời gian qua, các nhà đầu tư Nhật Bản đã dịch chuyển sang các thị trường mới, trong đó có Việt Nam.
Theo ông Yamada Masahiko, với nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư mạnh mẽ, tạo thuận lợi cho DN, thời gian qua, đầu tư của các DN Nhật Bản vào Việt Nam luôn giữ vị trí hàng đầu, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực chế biến, chế tạo. “Năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid -19, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các DN Nhật Bản bị ảnh hưởng, nhưng đó chỉ là tạm thời”, ông Yamada Masahiko nói. Dẫn kết quả khảo sát của JETRO vừa thực hiện, đại diện DN này cho biết, đa số các DN Nhật Bản được khảo sát cho biết muốn tiếp tục mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam trong 3 năm tới. “Đây là cơ hội để ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam khởi sắc”, Yamada Masahiko nhận định.
Đồng quan điểm, đại diện Viện Phát triển nguồn nhân lực Việt Nam - Nhật Bản cho rằng, Việt Nam là địa điểm đầu tư hấp dẫn và đang đón đầu cơ hội đầu tư mới khi dòng vốn đầu tư toàn cầu đang dịch chuyển mạnh mẽ.
Số liệu Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa cập nhật cho biết, trong bối cảnh đầu tư toàn cầu suy giảm mạnh do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Việt Nam vẫn thu hút được trên 26 tỷ USD vốn FDI trong 11 tháng đầu năm 2020. Kết quả này tốt hơn nhiều các quốc gia khác, thể hiện sức hấp dẫn của Việt Nam.
Để sẵn sàng đón sóng đầu tư vào ngành CNHT, ông Yamada Masahiko khuyến nghị, các DN Việt Nam cần xây dựng cơ cấu phù hợp, chú trọng công tác truyền thông đa phương tiện để DN Nhật Bản dễ dàng tìm được thông tin... Trong khi đó, ông Nguyễn Trung Hiếu khuyến nghị: “Chìa khóa” thúc đẩy CNHT lúc này chính là hỗ trợ DN CNHT giảm thuế để phục hồi sau dịch Covid-19, giúp họ tăng cường khả năng nắm bắt cơ hội hút vốn đầu tư. Bên cạnh đó, cần có chính sách nội địa hóa để hỗ trợ các nhà cung ứng sản phẩm CNHT...”.
Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, bà Lê Huyền Nga, Trưởng phòng CNHT thuộc Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, đến nay, nhiều chính sách phát triển CNHT đã được ban hành như: Luật Đầu tư, Luật Hỗ trợ DNNVV, Nghị định số 111/2015/NĐ-CP... Đặc biệt, vừa qua Chính phủ có Nghị quyết 115/NQ-CP với 7 nhóm giải pháp chủ yếu kỳ vọng tạo “cú hích”phát triển triển CNHT Việt Nam. Để chính sách đi vào cuộc sống, cần triển khai đồng bộ các giải pháp, tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để DN tiếp cận được nguồn lực nhằm mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh. “Trong bối cảnh đó, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục sát cánh hỗ trợ các DN CNHT phát triển”, bà Nga cam kết.