![]() |
Việc làm mới quy định về tiêu chuẩn chất lượng trong đấu thầu, cung ứng hàng hóa được kỳ vọng minh bạch quy trình sản xuất, nâng cao uy tín của hàng Việt. Ảnh minh họa: Tiên Giang |
Theo phản ánh của nhiều chủ đầu tư, hiện có nhiều thách thức trong công tác kiểm soát chất lượng sản phẩm. Một số hàng hóa được đưa vào danh mục mua sắm công nhưng chưa qua kiểm định đầy đủ, dẫn đến tình trạng hàng kém chất lượng, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng và gây thất thoát ngân sách nhà nước. Vì vậy, việc siết chặt các quy định, yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng trong quá trình đấu thầu, cung ứng là rất cần thiết.
Ngoài ra, việc kiểm tra, giám sát chất lượng hàng hóa sau đấu thầu cũng là vấn đề cần được quan tâm. Hiện nay, nhiều sản phẩm chỉ được đánh giá dựa trên hồ sơ kỹ thuật trong quá trình đấu thầu mà chưa có cơ chế kiểm tra thực tế khi đưa vào sử dụng. Điều này đặt ra yêu cầu phải có hệ thống kiểm soát chặt chẽ hơn, với sự tham gia của các tổ chức kiểm định độc lập.
Theo đại diện Ủy ban Tiêu chuẩn đo lường chất lượng quốc gia thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, cơ quan chủ trì soạn thảo Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007, Ủy ban đang đề xuất sửa đổi Danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 và hoạt động kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin như AI, Blockchain, ghi nhãn điện tử… trong quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; tăng cường hậu kiểm…
Cho rằng cần thiết nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa nhằm minh bạch quy trình sản xuất, bảo vệ người tiêu dùng, từ đó nâng cao uy tín của hàng Việt, song theo ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cơ chế quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa còn phải đảm bảo sự hài hòa, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) phát triển, thúc đẩy sản xuất và giúp đưa sản phẩm ra thị trường nhanh hơn.
Theo TS. Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, sức cạnh tranh của hàng Việt chỉ mới ở mức trung bình. “Bao lâu nay cứ nói Việt Nam có lợi thế về nguyên, nhiên vật liệu, nhân công giá rẻ…, nhưng ở nước ngoài, 1 kg thịt lợn có giá 40.000 đồng là DN đã có lãi, còn ở Việt Nam 60.000 đồng thì DN vẫn lỗ”, ông Dương nêu dẫn chứng.
“Một tàu ngô nhập từ Argentina về Việt Nam để sản xuất được giao cho 23 chủ hàng thì tất cả chủ hàng đó đều phải đi lấy mẫu kiểm tra lại. Liệu tất cả sản phẩm, hàng hóa phải thực hiện thủ tục công bố hợp quy, chứng nhận đánh giá sự phù hợp như vậy có phù hợp không? Chi phí tuân thủ của mỗi sản phẩm là khoảng 3 - 5 triệu đồng, vậy DN có từ 300 - 500 sản phẩm thì sẽ mất hàng tỷ đồng. Thời gian để đánh giá hợp quy một mẫu vi sinh thường phải mất tới 4 ngày mới có kết quả, vậy nhà máy có 500 sản phẩm thì phải chờ đợi bao lâu mới đưa sản phẩm vào lưu thông trên thị trường?”, ông Dương nêu.
Ông Nguyễn Hồng Uy từ Tiểu ban Thực phẩm và Dinh dưỡng thuộc Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) cho biết, theo thông lệ trên thế giới, việc kiểm tra đánh giá chất lượng hàng hóa thông thường chỉ lấy xác suất 5% lô hàng, và phải dựa trên việc đánh giá mức độ rủi ro của sản phẩm, hàng hóa. Giả sử khi có cảnh báo của tổ chức quốc tế thì cơ quan quản lý nhà nước mới yêu cầu kiểm tra toàn bộ lô hàng.
Ví dụ với ngành dược phẩm, việc sản xuất thuốc phải tuân thủ dược điển, quy chuẩn, tiêu chuẩn của Việt Nam. Nhưng một viên thuốc sản xuất ở những thị trường đạt tiêu chuẩn kỹ thuật chặt chẽ như Anh, Mỹ… thì không nên bắt buộc phải đánh giá hợp quy theo quy định của Việt Nam, chưa kể năng lực đánh giá ở trong nước còn hạn chế. “Nếu cứ bắt buộc phải đánh giá hợp quy thì chắc chắn người Việt sẽ không được tiếp cận thuốc kịp thời”, ông Uy nói.
Theo phản ánh của một số DN như Canon, Panasonic, Bridgestone…, việc tuân thủ thủ tục công bố hợp quy, chứng nhận đánh giá sự phù hợp khiến DN phải chờ đợi từ 4 - 6 tháng, trong khi nhiều sản phẩm chỉ có vòng đời 6 tháng, làm chậm cơ hội tiếp cận thị trường.
Ngoài ra, theo ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế VCCI, cần có thời hạn hậu kiểm để tránh thời gian DN bị hồi tố quá dài như trường hợp một DN từng bị yêu cầu phải nộp 100 tỷ đồng tiền thuế và 100 tỷ đồng tiền phạt từ hành vi thực hiện từ 9 - 10 năm trước.
Đóng góp xây dựng Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007, cộng đồng DN trong nhiều ngành nghề cho rằng, Nhà nước cần tiết giảm tối đa thủ tục hành chính như chỉ đạo tại Nghị quyết số 57-NQ/TW (cắt bỏ ít nhất 30% thủ tục hành chính) để giúp DN tiết kiệm chi phí tuân thủ, chi phí cơ hội, nhanh chóng đưa sản phẩm vào lưu thông trên thị trường.