Lạm phát trở lại tại Trung Quốc có thể chỉ là tạm thời

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo các nhà kinh tế, sự gia tăng giá tiêu dùng của Trung Quốc sẽ chỉ là tạm thời, khi hiệu ứng tích cực từ kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài bị che phủ bởi các dấu hiệu về nhu cầu nội địa chậm chạp.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2024 của Trung Quốc tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2023, vượt kỳ vọng của giới phân tích và là mức tăng đầu tiên kể từ tháng 8/2023. Sự phục hồi giá cả được hỗ trợ bởi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán diễn ra muộn hơn năm 2023, đồng thời hoạt động du lịch và chi tiêu quay trở lại ở mức cao nhất so với trước đại dịch.

Năm ngoái, nền kinh tế Trung Quốc đã trải qua chuỗi giảm phát dài nhất kể từ Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, do nhu cầu trong nước vẫn yếu ngay cả sau khi nước này mở cửa trở lại sau Covid-19 và sản xuất tăng mạnh. Điều đó dẫn đến cuộc chiến giá cả trong các lĩnh vực từ ô tô đến đồ ăn nhanh, đồng thời làm tăng thêm lo ngại về tâm lý tiêu dùng thấp kỷ lục trong bối cảnh cắt giảm việc làm và giá nhà giảm. Các nhà kinh tế cho rằng, áp lực giảm phát có thể sẽ tiếp tục tồn tại trừ khi thu nhập hộ gia đình được cải thiện và tình trạng suy thoái trên lĩnh vực bất động sản được khắc phục.

"Phần lớn sự cải thiện giá tiêu dùng có thể chỉ mang tính tạm thời hơn là bền vững. Những nỗ lực chính sách hơn nữa là cần thiết để thúc đẩy và củng cố đà tăng giá", các nhà kinh tế tại Citigroup Inc. nhận xét.

Bắc Kinh đã công bố gói kích thích tài khóa lớn hơn một chút so với năm ngoái và dự kiến sẽ đưa ra những đợt cắt giảm vừa phải hơn đối với lãi suất và dự trữ bắt buộc của các ngân hàng trong năm nay, qua đó cung cấp thanh khoản và thúc đẩy nhu cầu. Hầu hết các nhà kinh tế cho rằng, điều này chưa đủ để đạt được mục tiêu đầy tham vọng của chính phủ Trung Quốc là tăng trưởng khoảng 5% vào năm 2024.

Một chương trình trao đổi hàng tiêu dùng lớn và nâng cấp thiết bị cũng được đề xuất để thúc đẩy tiêu dùng.

Theo một số nhà quan sát thị trường, chỉ số lạm phát sẽ giảm trong tháng 3 và duy trì ở mức gần 0%. Huatai Securities Co. dự báo, chỉ số CPI sẽ giảm nhẹ; trong khi đó, Pantheon Macroeconomics Ltd. cho rằng, áp lực giảm phát có thể sẽ tiếp tục tồn tại trong nửa đầu năm nay trước khi kịch bản lạm phát nhẹ xảy ra. Nomura Holdings Inc. dự đoán, CPI của Trung Quốc sẽ giảm xuống 0,4% trong tháng 3.

Theo một cuộc thăm dò của Bloomberg, mặc dù nhiều nhà kinh tế kỳ vọng lạm phát sẽ quay trở lại vào năm 2024 nhưng họ chỉ dự báo mức tăng 0,8%. Con số này còn rất xa so với mục tiêu chính thức là 3%.

Trong tháng 2/2024, các yếu tố mùa vụ đã thúc đẩy chỉ số CPI tại Trung Quốc. Điều này là do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm ngoái rơi vào tháng 1, tạo ra cơ sở so sánh thấp vào thời điểm tháng 2. Thời gian nghỉ cũng kéo dài 8 ngày vào năm 2024, nhiều hơn 1 ngày so với năm ngoái.

Theo ước tính của Ping An Securities, giá du lịch tăng 23% đã góp phần khiến chỉ số CPI tăng gần 0,9 điểm phần trăm.

Mọi người đi du lịch nhiều hơn vào năm 2024 vì đây là Tết Nguyên đán đầu tiên kể từ năm 2019 không bị cản trở bởi các hạn chế của Covid-19. Tuy nhiên, giá vé máy bay và khách sạn giảm kể từ sau kỳ nghỉ lễ, điều này có nghĩa là sự thúc đẩy từ hoạt động du lịch có thể sẽ ở mức vừa phải trong tháng 3.

Một yếu tố quan trọng khác là giá thực phẩm giảm trong phạm vi hẹp hơn, do mức tiêu thụ các mặt hàng từ thịt lợn đến rau củ tăng lên khi các gia đình tụ tập ăn uống trong dịp lễ. Mưa tuyết và băng giá ở nhiều nơi ở Trung Quốc trong tháng trước cũng đẩy chi phí thực phẩm tăng cao. Kể từ Tết Nguyên đán, giá thịt lợn đã giảm, nhấn mạnh áp lực tiếp tục từ nguồn cung dồi dào và nhu cầu tương đối yếu.

Ngoài ra, trong tháng 2, giá thuê nhà không thay đổi trong bối cảnh thị trường bất động sản gặp khó khăn và giá ô tô tiếp tục giảm. Giá tại cổng nhà máy (FGP) giảm tháng thứ 17 liên tiếp, tiếp tục chuỗi giảm dài nhất kể từ năm 2016.

Một số nhà kinh tế cho rằng, sự phụ thuộc của Trung Quốc vào tăng trưởng từ đầu tư - chẳng hạn như các dự án hạ tầng và công nghiệp - đồng nghĩa với tình trạng dư thừa công suất kéo dài và lạm phát bị kìm hãm.

"Chúng tôi cho rằng, lạm phát thấp của Trung Quốc là một dấu hiệu của mô hình tăng trưởng được xây dựng dựa trên tỷ lệ đầu tư cao. Do việc giảm sự phụ thuộc vào đầu tư vẫn còn xa vời, chúng tôi dự báo lạm phát sẽ vẫn ở mức thấp so với chuẩn mực trước đại dịch trong dài hạn", Zichun Huang của Capital Economics Ltd. nhận định.

Tin cùng chuyên mục