“Làn sóng” ngân hàng tăng vốn thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) -  Có 15 ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ, 4 ngân hàng thương mại nhà nước (TMNN) cũng đã được đề xuất tính phương án tiếp tục tăng vốn. Đây là “việc cần làm” trước yêu cầu cần nâng cao quy mô và chất lượng hoạt động của các tổ chức tín dụng. Có ý kiến cho rằng, việc tăng vốn bằng nguồn lợi nhuận để lại vẫn là giải pháp được ưa chuộng trong thời gian tới song không nên kéo dài.
NHNN đang phối hợp các bộ, ngành liên quan xem xét, trình cấp thẩm quyền phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn ngân sách nhà nước. Ảnh: Internet
NHNN đang phối hợp các bộ, ngành liên quan xem xét, trình cấp thẩm quyền phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn ngân sách nhà nước. Ảnh: Internet

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có văn bản chấp thuận việc tăng vốn điều lệ của Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB). Theo đó, SHB sẽ tăng vốn điều lệ thêm tối đa 9.785.257.630.000 đồng dưới hình thức: Phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận sau thuế sau khi trích lập các quỹ năm 2021 thêm tối đa 4.000.310.410.000 đồng; phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu thêm tối đa 5.333.747.220.000 đồng; phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động SHB thêm tối đa 451.200.000.000 đồng theo Phương án tăng vốn điều lệ đã được Đại hội đồng cổ đông SHB thông qua tại Nghị quyết số 01/NQ-ĐHĐCĐ ngày 20/4/2022. Sau khi thực hiện 3 phương án trên, vốn điều lệ của SHB sẽ tăng từ 26.674 tỷ đồng lên mức tối đa 36.459 tỷ đồng.

Đây là 1 trong số 15 ngân hàng TMCP đã được NHNN chấp thuận việc tăng vốn điều lệ, trong đó, việc tăng vốn điều lệ của các ngân hàng này chủ yếu là từ nguồn vốn chủ sở hữu của ngân hàng (lợi nhuận để lại và các quỹ dự trữ).

Với 4 ngân hàng thương mại nhà nước, NHNN đã chỉ đạo triển khai các phương án bổ sung vốn điều lệ để nâng cao năng lực tài chính. Cụ thể: Agribank đã được Bộ Tài chính cấp bổ sung 3.500 tỷ đồng vốn điều lệ; VietinBank đã chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ thêm 10.824 tỷ đồng sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án; Vietcombank đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án đầu tư bổ sung vốn nhà nước thông qua việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ phần lợi nhuận còn lại năm 2019, tổng vốn điều lệ tăng thêm là 10.237 tỷ đồng; BIDV đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án đầu tư bổ sung vốn nhà nước thông qua chi trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại giai đoạn 2018-2020, tổng số vốn điều lệ tăng thêm là 10.365 tỷ đồng.

Hiện NHNN đang phối hợp các bộ, ngành liên quan xem xét, trình cấp thẩm quyền phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn ngân sách nhà nước; đối với việc tăng vốn điều lệ của BIDV, Vietcombank, VietinBank, NHNN đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính xem xét, có ý kiến về việc phân phối lợi nhuận năm 2021 để làm cơ sở trình cấp có thẩm quyền xem xét tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng này.

Đến cuối tháng 7/2022, vốn điều lệ của 4 ngân hàng TMNN (Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV) đạt 180,3 nghìn tỷ đồng; tổng tài sản đạt 7.060,3 nghìn tỷ đồng; huy động vốn thị trường 1 đạt 5.618,2 nghìn tỷ đồng; dư nợ cho vay thị trường 1 đạt 5.151,4 nghìn tỷ đồng.

Đến cuối tháng 7/2022, vốn điều lệ của các ngân hàng TMCP đạt 416,9 nghìn tỷ đồng; tổng tài sản đạt 7.488,2 nghìn tỷ đồng; huy động vốn thị trường 1 đạt 5.513,4 nghìn tỷ đồng; dư nợ cho vay thị trường 1 đạt 4.686,6 nghìn tỷ đồng.

Theo TS.Châu Đình Linh, giảng viên Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM, tăng vốn là yêu cầu bắt buộc của các ngân hàng thương mại nhằm thực hiện lộ trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng của NHNN, thêm nguồn lực để tăng sức cạnh tranh trong giai đoạn tới.

Về phương thức tăng vốn, theo ông Linh, cách thức được ưa chuộng trong những năm gần đây là tăng vốn bằng cách chia cổ tức bằng cổ phiếu, phát hành cổ phiếu cho nhân viên. Cách thức này giúp nguồn lợi nhuận có được của ngân hàng vẫn bảo toàn trong tổ chức và sử dụng để hỗ trợ tốt cho các chỉ tiêu an toàn tài chính theo tiêu chuẩn quốc tế như Basel II. Trong giai đoạn khó khăn hiện nay và có thể còn kéo dài thêm một thời gian nữa thì việc tăng vốn như vậy vẫn là cách thức khả thi và hiệu quả nhất với lĩnh vực này.

Tuy nhiên, về lâu dài, theo vị chuyên gia này, nếu cách thức này tiếp tục được áp dụng thì cũng sẽ có “tác dụng phụ” là làm giảm sức hấp dẫn với cổ phiếu ngành ngân hàng, từ đó sẽ làm giảm sức hút với giới đầu tư với lĩnh vực này.

Theo Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025”, các ngân hàng thương mại phải có biện pháp bảo đảm có số vốn điều lệ đến năm 2025. Cụ thể: Nhóm NHTM trong nước có tiềm lực tài chính, năng lực cạnh tranh, quy mô lớn: vốn điều lệ tối thiểu đạt 15.000 tỷ đồng; Nhóm NHTM trong nước có tiềm lực tài chính, năng lực cạnh tranh, quy mô nhỏ và trung bình và NHTM có vốn nước ngoài: vốn điều lệ tối thiểu đạt 5.000 tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục