Dự án Đầu tư xây dựng mở rộng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cam Lộ - La Sơn có chiều dài tuyến khoảng 98,35 km |
Đây là lần thứ hai kể từ tháng 6/2024, Bộ GTVT trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng mở rộng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cam Lộ - La Sơn sau khi tiếp thu, hoàn thiện ý kiến của các bộ, ngành, địa phương liên quan.
Tại tờ trình, Bộ GTVT đề xuất Dự án có điểm đầu trùng với điểm cuối Dự án Đường bộ cao tốc đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ thuộc địa phận xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị; điểm cuối trùng với điểm đầu Dự án La Sơn - Hòa Liên thuộc địa phận xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Chiều dài tuyến khoảng 98,35 km, trong đó đoạn qua tỉnh Quảng Trị dài khoảng 36,3 km; đoạn qua tỉnh Thừa Thiên Huế dài khoảng 62,05 km.
Dự án sẽ mở rộng mặt cắt ngang tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn từ quy mô 2 làn xe lên 4 làn xe, bề rộng nền đường từ 12 m lên 22 m, bề rộng mặt đường từ 11 m lên 20,5 m. Đối với các đoạn đã đầu tư nền đường 23,25 m sẽ cơ cấu mặt cắt ngang theo hướng mở rộng dải dừng xe khẩn cấp.
Các công trình cầu trên tuyến sẽ giữ nguyên các cầu đã được đầu tư với quy mô 4 làn; thực hiện mở rộng các cầu còn lại đảm bảo quy mô 4 làn xe, bề rộng cầu phù hợp với bề rộng nền đường.
Bên cạnh đó, Dự án còn đầu tư hoàn chỉnh 2 nút giao với Tỉnh lộ 16 và Tỉnh lộ 12B theo hình thức khác mức liên thông, bảo đảm khai thác đồng bộ, an toàn; đầu tư hệ thống giao thông thông minh, trạm thu phí, trạm kiểm tra tải trọng xe và trung tâm quản lý điều hành tuyến Cam Lộ - La Sơn…
Sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án khoảng 6.488 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng và thiết bị là 5.078 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư là 84 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn, chi phí khác là 406 tỷ đồng; chi phí dự phòng là 920 tỷ đồng.
Trên cơ sở sự cần thiết, tính cấp bách, hiệu quả đầu tư, để bảo đảm triển khai thành công và sớm hoàn thành mở rộng tuyến cao tốc đoạn Cam Lộ - La Sơn, Bộ GTVT kiến nghị triển khai Dự án theo hình thức đầu tư công, sau khi hoàn thành sẽ xây dựng phương án để thu hồi vốn nhà nước.
Kinh phí đầu tư Dự án được huy động từ nguồn vốn dự phòng chung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2023 đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 142/2024/QH15 ngày 29/6/2024 là 5.488 tỷ đồng; nguồn vốn Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 là 1.000 tỷ đồng.
Nếu được cấp có thẩm quyền thông qua, Dự án sẽ chuẩn bị đầu tư năm 2024 và cơ bản hoàn thành năm 2025.