Lấp lỗ hổng trong chính sách cổ phần hóa

(BĐT) - Lợi thế thương mại của những khu đất ở vị trí đắc địa do doanh nghiệp nhà nước (DNNN) quản lý, hay giá trị thương hiệu của DN là những tài sản vô hình nhưng đôi khi lại quyết định giá trị của chính DNNN khi cổ phần hóa, là mục tiêu chính mà các nhà đầu tư nhắm đến. 
Đất thuê có lợi thế vị trí địa lý thì giá trị lợi thế đã tính ngay vào bảng giá đất và đơn giá thuê đất mà DN phải nộp Nhà nước theo quyết định của địa phương. Ảnh: Tường Lâm
Đất thuê có lợi thế vị trí địa lý thì giá trị lợi thế đã tính ngay vào bảng giá đất và đơn giá thuê đất mà DN phải nộp Nhà nước theo quyết định của địa phương. Ảnh: Tường Lâm

Việc định giá thấp, hoặc bỏ quên những giá trị vô hình này có thể khiến Nhà nước mất đi nguồn thu vô cùng lớn.

Đấu giá quyền sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng

Bộ Tài chính trong cuộc họp báo chuyên đề giới thiệu Dự thảo Nghị định mới về chuyển DNNN thành công ty cổ phần diễn ra chiều qua cũng nhìn nhận thực tế, xử lý đất đai và xác định giá trị quyền sử dụng đất trong giá trị DN cổ phần hoá là vấn đề được quan tâm nhất trong quá trình cổ phần hoá thời gian qua.

Ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN – Bộ Tài chính cho biết, Dự thảo tiếp tục hướng dẫn việc xác định giá đất cụ thể (cả thuê và giao) theo quy định của Luật Đất đai năm 2013. Theo đó, căn cứ giá đất cụ thể do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (nơi DN có diện tích đất được giao và thuê) công bố, DN cổ phần hóa có trách nhiệm tính vào giá trị DN và nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về đất đai.

Đồng thời, đã bổ sung quy định về xử lý đất đai đối với các DN quản lý nhiều đất đai ở những vị trí có lợi thế thương mại cao theo hướng yêu cầu DN cổ phần hóa có trách nhiệm xây dựng phương án sử dụng đất trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định. Phương án sử dụng đất của DN phải bảo đảm phù hợp với quy định về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng tại địa phương và phải được gửi đến UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên địa bàn trước khi thực hiện xác định giá trị DN. Quy định này sẽ đảm bảo ngăn ngừa tình trạng DN lợi dụng tiếp tục nắm giữ, “ôm” lại toàn bộ diện tích đất đang quản lý mặc dù chưa phù hợp ngành nghề kinh doanh, mục đích sử dụng đất cũng như quy hoạch của địa phương.

Dự thảo Nghị định mới về chuyển DNNN thành công ty cổ phần hóa tiếp tục hướng dẫn việc xác định giá đất cụ thể (cả thuê và giao) theo quy định của Luật Đất đai năm 2013.
Về việc tính đầy đủ giá trị lợi thế (vị trí địa lý) vào giá trị để cổ phần hóa nếu DN lựa chọn hình thức thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm, theo quy định của pháp luật về đất đai khi Nhà nước định giá đất để cho DN nói chung và DN cổ phần hóa nói riêng, thuê đất phải đảm bảo nguyên tắc theo giá đất phổ biến trên thị trường. Riêng đối với đất ở tại đô thị; đất thương mại, dịch vụ tại đô thị; đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ tại đô thị có khả năng sinh lời cao, có lợi thế trong việc làm mặt bằng sản xuất kinh doanh, thương mại và dịch vụ thì giá đất trong bảng giá đất của từng địa phương quy định phải bao gồm yếu tố có khả năng sinh lợi cao, có lợi thế vị trí đất (địa phương phải quy định mức giá đất trong bảng giá đất đối với trường hợp này cao hơn nhưng không quá 30% so với mức giá tối đa của cùng loại đất trong khung giá đất do Chính phủ quy định). Như vậy, đất thuê có lợi thế vị trí địa lý thì giá trị lợi thế đã tính ngay vào bảng giá đất và đơn giá thuê đất mà DN phải nộp Nhà nước theo quyết định của địa phương. 

Lượng hóa giá trị vô hình

Về giá trị lợi thế kinh doanh của DN cổ phần hoá gồm giá trị thương hiệu, tiềm năng phát triển cũng phải tính vào giá trị DN. Theo Dự thảo Nghị định, giá trị thương hiệu được xác định trên cơ sở các chi phí thực tế cho việc tạo dựng và bảo vệ nhãn hiệu, tên thương mại trong quá trình hoạt động của DN trước thời điểm xác định giá trị DN 5 năm, bao gồm chi phí thành lập DN, chi phí đào tạo nhân viên, chi phí quảng cáo, tuyên truyền trong và ngoài nước để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, giới thiệu công ty; xây dựng trang web...

Theo một chuyên gia định giá, quy định này vẫn chưa thể tính đủ được giá trị thương hiệu, bởi có những thương hiệu mạnh mà giá trị thương hiệu có thể lên tới hàng trăm triệu, thậm chí cả tỷ USD, mà nếu chỉ tính dựa vào những chi phí trên thì giá trị thương hiệu sẽ thấp hơn rất nhiều.

Dự kiến giảm thời gian hạn chế chuyển nhượng cho nhà đầu tư chiến lược

Theo Nghị định 59/2011/NĐ-CP hiện hành, cổ phần của DNNN được mua bởi nhà đầu tư chiến lược bị cấm chuyển nhượng trong vòng 5 năm. Theo dự thảo Nghị định mới, thời gian này được giảm xuống còn 3 năm.

Đáng chú ý, việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược phải được thực hiện theo trình tự ưu tiên 3 bước: Bán đấu giá công khai, chào giá cạnh tranh và cuối cùng mới là bán thỏa thuận. Trước đó, việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược có thể thực hiện thỏa thuận trước cuộc đấu giá công khai ra công chúng. Nhà đầu tư chiến lược phải có kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh 2 năm gần nhất tính đến thời điểm đăng ký mua cổ phần phải có lãi và không có lỗ lũy kế.

Trách nhiệm bồi thường khi vi phạm các cam kết giữa nhà đầu tư chiến lược và DN đầu tư phải được thể hiện bằng văn bản của người có thẩm quyền.          

Hoàng Việt

Tin cùng chuyên mục