“Lên sàn” - mệnh lệnh khó trì hoãn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhiều doanh nghiệp (DN) đã bị xử phạt và nhắc nhở do chậm đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn chứng khoán tập trung nhưng tình hình vẫn không khả quan. Cơ quan chức năng cho biết sẽ mạnh tay hơn trong năm tới. Trong khi đó, có ý kiến đề xuất xem xét rút giấy phép với các DN cố tình chây ì, làm ảnh hưởng tới lợi ích của các cổ đông.
Theo các chuyên gia, cơ quan chức năng có thể xem xét rút giấy phép với doanh nghiệp liên tục trì hoãn việc niêm yết trên thị trường chứng khoán. Ảnh: Dũng Minh
Theo các chuyên gia, cơ quan chức năng có thể xem xét rút giấy phép với doanh nghiệp liên tục trì hoãn việc niêm yết trên thị trường chứng khoán. Ảnh: Dũng Minh

Muôn vàn lý do

Bộ Tài chính cho biết, đến nay vẫn còn nhiều DN nhà nước (DNNN) đã thực hiện cổ phần hóa nhưng chưa chịu niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên sàn chứng khoán.

Cơ quan này đã công khai danh sách các DNNN cổ phần hóa chưa thực hiện niêm yết/đăng ký giao dịch để các cổ đông tại DN biết và yêu cầu DN phải tuân thủ đúng quy định pháp luật.

Đối với các ngân hàng thương mại cổ phần là công ty đại chúng chưa thực hiện niêm yết/đăng ký giao dịch, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã có văn bản yêu cầu các ngân hàng thực hiện niêm yết/đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán, báo cáo giải trình cụ thể về nguyên nhân chưa đưa cổ phiếu vào niêm yết/đăng ký giao dịch. Đồng thời, Bộ Tài chính đã có công văn đề nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quán triệt, đôn đốc các ngân hàng thương mại cổ phần thực hiện niêm yết/đăng ký giao dịch theo quy định.

Về việc xử lý vi phạm quy định về niêm yết/đăng ký giao dịch, UBCKNN đã có văn bản gửi 251 DNNN cổ phần hóa, 13 ngân hàng thương mại cổ phần đã đăng ký công ty đại chúng với UBCKNN thông báo về hành vi vi phạm quy định niêm yết/đăng ký giao dịch, yêu cầu ký biên bản vi phạm hành chính để xử phạt.

UBCKNN đã ra quyết định xử phạt đối với 42 DN, trong đó một số DN bị xử phạt với mức cao, lên tới 350 triệu đồng do không thực hiện đăng ký giao dịch theo quy định và nhắc nhở 23 trường hợp.

Tuy nhiên, việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các DN chưa niêm yết/đăng ký giao dịch hiện nay gặp rất nhiều khó khăn do nhiều DN vi phạm tiếp tục báo cáo giải trình vướng mắc và không chấp hành việc xử phạt.

Các DN nêu nguyên nhân như: sau cổ phần hóa đang trong thời gian thực hiện thoái vốn; một số DN hoạt động kinh doanh không hiệu quả, thua lỗ, đang mở thủ tục phá sản, đang trong quá trình giải quyết hậu quả sai phạm phát hiện trong thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng, không tổ chức được đại hội đồng cổ đông để xin ý kiến về phương án đưa cổ phiếu lên sàn, thông qua báo cáo tài chính kiểm toán nên không hoàn tất được thủ tục niêm yết/đăng ký giao dịch.

Bên cạnh đó, một số DN vẫn còn vướng mắc trong xác định giá trị phần vốn nhà nước khi chính thức chuyển sang công ty cổ phần, chưa thực hiện quyết toán công tác cổ phần hóa theo quy định để kiểm toán xác nhận số vốn điều lệ thực góp.

Đề xuất giải pháp “mạnh tay”

Để khắc phục tình trạng DN trì hoãn niêm yết/đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán, tại Dự thảo Đề án cơ cấu lại DNNN, trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 vừa được trình Chính phủ, Bộ Tài chính nêu rõ nhiệm vụ là các DN đã cổ phần hóa thực hiện nghiêm quy định về đăng ký lưu ký, đăng ký giao dịch, đăng ký niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Trong số các DN cổ phần chưa chịu niêm yết, ngân hàng là đối tượng gây chú ý với dư luận bởi đòi hỏi cao về tính minh bạch. Chia sẻ với báo chí mới đây, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch UBCKNN cho biết, trong quý 1/2020 bắt buộc tất cả các ngân hàng phải lên sàn chứng khoán (trừ 3 ngân hàng bị NHNN mua lại bắt buộc), đơn vị nào không chịu tuân thủ quy định sẽ bị xử phạt.

Mặt khác, tại Đề án Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thực hiện việc niêm yết, đăng ký giao dịch cổ phiếu của các ngân hàng thương mại cổ phần theo hướng đến hết năm 2020, toàn bộ các ngân hàng thương mại niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chính thức hoặc sàn UPCoM.

Bình luận về động thái này của cơ quan chức năng, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng chia sẻ: “Việc này đã được nhắc đi nhắc lại trong nhiều năm qua. Thực tế, có nhiều ngân hàng, DN đáng ra phải niêm yết từ 5 năm trước nhưng đến nay vẫn chưa lên sàn chứng khoán nên rất khó cho nhà đầu tư”.

Theo ông Hiếu, việc tiếp tục chây ì lên sàn là điều không thể chấp nhận được. Trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang phát triển rất mạnh trong thời gian gần đây đòi hỏi phải tích cực đẩy mạnh tính công khai minh bạch, qua đó bảo vệ các nhà đầu tư và giúp thị trường phát triển lành mạnh. “Khi việc niêm yết chưa có lợi, DN có muôn vàn lý do để trì hoãn. Do đó, không có cách nào khác là cơ quan chức năng phải có biện pháp xử phạt mạnh tay hơn, có thể xem xét rút giấy phép với DN liên tục trì hoãn trong những năm qua”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục