Liên kết vùng Đồng bằng sông Hồng: Rõ ràng cơ chế để huy động nguồn lực đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Vùng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) đã có Quy hoạch, đã thành lập Hội đồng Vùng. Tuy nhiên, việc liên kết giữa 11 địa phương trong Vùng vẫn còn lỏng lẻo, chủ yếu là học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm phát triển. Nhiều mô hình kinh doanh mới được các doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư đề xuất đến nay vẫn chưa thể thực thi… Để huy động nguồn lực đầu tư, tạo liên kết hiệu quả trong vùng ĐBSH, nhiều ý kiến cho rằng, bước quan trọng nhất là phải rõ ràng về cơ chế.
Hải Phòng đã nhận được nhiều đề xuất phát triển các mô hình sản xuất kinh doanh như khu thương mại tự do, các trung tâm dịch vụ hậu cần… Ảnh: Đông Giang
Hải Phòng đã nhận được nhiều đề xuất phát triển các mô hình sản xuất kinh doanh như khu thương mại tự do, các trung tâm dịch vụ hậu cần… Ảnh: Đông Giang

Nhu cầu đầu tư lớn

Dù một số địa phương trong vùng ĐBSH đã sớm nhìn thấy cơ hội và hợp tác cùng phát triển, nhưng theo ông Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương, các địa phương trong Vùng vẫn chưa thể liên kết mạnh mẽ. Hiện quỹ đất để xây dựng kho bãi, trung tâm trung chuyển hàng hoá, trung tâm logistics là không nhiều, vốn đầu tư của các DN không lớn. Huy động vốn đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng logistics còn hạn chế, thiếu đồng bộ. Các cảng cạn khu vực phía Bắc chưa kết nối với cảng biển rõ rệt như khu vực phía Nam, do thị trường vận tải container đường biển chỉ bằng khoảng 30% so với khu vực phía Nam, quy mô khai thác nhỏ, chưa có các trang thiết bị xếp dỡ chuyên dụng…

Trong khi đó, bà Phạm Châu Giang - Giám đốc Đối ngoại VinaCapital cho biết, một số tập đoàn đa quốc gia đang tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Đơn cử, VinaCapital đã kết hợp cùng A.P. Moller Capital thành lập nền tảng mở rộng đầu tư logistics ở Việt Nam với số vốn trên 300 triệu USD.

Ông Nguyễn Đức Thọ - Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng cho biết, Thành phố đã nhận được nhiều đề xuất phát triển các mô hình sản xuất kinh doanh mới như: khu thương mại tự do (TMTD); quy hoạch các trung tâm dịch vụ hậu cần cho phương tiện vận chuyển cũng như phục vụ nhu cầu ăn uống, nghỉ ngơi của lái xe; mở tuyến vận tải đường bộ xuyên biên giới Việt - Trung; đầu tư xây mới đường sắt khổ 1.435 mm; phát triển logistics thông minh…

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, lãnh đạo Hiệp hội Logistics Hải Phòng cho biết, Hiệp hội đang đề xuất nghiên cứu lập phương án mở tuyến cho phương tiện vận tải đường bộ được cấp phép chạy xuyên biên giới đi sâu vào nội địa từ tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đến Hải Phòng và ngược lại, nhằm giảm thời gian và chi phí xếp dỡ hàng hóa tại các điểm trung chuyển…, góp phần nâng cao tính cạnh tranh. Đồng thời, đề nghị xây dựng mới đồng bộ tuyến đường sắt khổ 1.435 mm, bên cạnh việc duy tu, bảo dưỡng thường xuyên các tuyến hiện hữu để nâng cao năng lực tiếp nhận vận chuyển. Hiện đường sắt mới chỉ đáp ứng được khoảng 300.000 mt/năm, trong khi nhu cầu vận chuyển rất lớn…

Mô hình mới cần cơ chế mới

Nhu cầu của các DN, địa phương là rất lớn, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, hiện vẫn còn nhiều rào cản về pháp lý.

Ông Hiển chia sẻ, một số địa phương có nguồn ngân sách muốn đầu tư hạ tầng logistics tại địa phương lân cận để giúp DN kết nối sản xuất, kinh doanh nhưng không thể thực hiện được. Do đó, cần phải sớm sửa Luật Ngân sách nhà nước, trong đó cần mở ra cơ chế cho phép sử dụng ngân sách của địa phương này đầu tư hạ tầng tại địa phương khác. Đồng thời, cần cơ chế cụ thể huy động nguồn lực từ xã hội hóa, hợp tác công - tư, trong đó cần tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do, làn sóng chuyển dịch đầu tư để phát triển các trung tâm logistics, đặc biệt là trung tâm logistics ứng dụng công nghệ cao.

Một trong những phàn nàn của nhà đầu tư quốc tế, theo bà Giang, là mất nhiều thời gian chờ đợi việc thực thi một chính sách mới, thường khoảng 2 năm hoặc lâu hơn. Trong khi đó, các nước trong khu vực đang chạy đua hút vốn, đưa ra nhiều chính sách hấp dẫn. “Để nắm bắt cơ hội cạnh tranh thu hút nguồn vốn ngoại, cần đẩy nhanh thời hiệu thực thi của các chính sách mới, rút ngắn thời gian từ khi đề xuất, xây dựng cho đến khi ban hành, đi vào thực tiễn”, bà Giang khuyến nghị.

Với đề xuất triển khai khu TMTD, theo bà Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), đây không phải là mô hình mới, mà đã được triển khai khá thành công ở nhiều quốc gia, trong đó Trung Quốc có tốc độ thành lập các khu TMTD “thần tốc”. “Với thế mạnh về cảng nước sâu, cảng biển truyền thống, hệ thống logistics và kết quả tích cực trong trung chuyển hàng hóa thời gian qua, Hải Phòng hoàn toàn có thể trở thành địa phương phát triển vượt trội trong lĩnh vực này thông qua việc triển khai khu TMTD”, bà Minh nhận định.

Nhưng để các khu TMTD hoạt động hiệu quả, thúc đẩy liên kết Vùng, theo bà Minh, còn cần nhiều yếu tố quan trọng như: cơ chế chính sách và thực thi từ phía Chính phủ, cũng như các văn bản pháp luật cụ thể để địa phương dễ dàng triển khai. Trong đó, Chính phủ cần đưa ra các quy định và tiêu chí rõ ràng liên quan đến những nội dung như: thông tin, chứng thư điện tử, thương mại xuyên biên giới…

Tin cùng chuyên mục