Liksin lỗ khoảng 9,5 tỷ đồng khi thoái vốn khỏi Dự án An Đông Tower. Ảnh: Nhã Chi st |
Theo đó, năm 2015 Liksin lãi ròng 213 tỷ đồng, tăng 74,6% so với năm 2014. Năm 2015, doanh thu đến từ bao bì, sản phẩm chính của Liksin giảm sút so với năm 2014, chỉ còn 2.957 tỷ đồng. Tăng trưởng lợi nhuận của Liksin, vì vậy chủ yếu đến từ hoạt động thoái vốn.
Quả ngọt từ thoái vốn
Năm 2015, doanh thu tài chính của Liksin lên tới 129 tỷ đồng, tăng hơn 100 tỷ đồng so với năm 2014. Trong đó, 102 tỷ đồng là lãi bán các khoản đầu tư. Việc đẩy mạnh thoái vốn rõ ràng đã mang lại cho Liksin những lợi thế đáng kể.
Được biết, trong năm vừa qua, Liksin đã thoái vốn khỏi 5 doanh nghiệp. Thương vụ “hời” nhất của Liksin năm 2015 phải kể đến là việc thoái vốn khỏi Công ty CP Cao su Kymdan, một thương hiệu nổi danh trên thương trường nhưng khá kín tiếng về mặt tài chính. Với mệnh giá 100.000 đồng/CP, Kymdan cuối cùng đã được sang tay từ Liksin cho một cổ đông nội bộ của Kymdan với mức giá kỷ lục: 1.072.000 đồng/CP. Số tiền thu về tương đương 65,7 tỷ đồng.
Theo tính toán của chúng tôi, chỉ thương vụ này đã mang lại cho Liksin khoản lợi nhuận gần 60 tỷ đồng.
Trao đổi với Báo Đấu thầu, đại diện Liksin cho biết, năm 2016 lợi nhuận của doanh nghiệp này sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh so với năm 2015 nhờ các thương vụ thoái vốn, đặc biệt là 2 thương vụ thoái vốn khỏi Công ty CP Tico và Công ty CP Đầu tư - Sản xuất - Kinh doanh Sài Gòn Cửu Long.
Ngoài việc thoái vốn, hoạt động sản xuất, kinh doanh chính của Liksin nhìn chung vẫn “ăn điểm” nhờ quy mô. Biên lãi gộp mảng sản xuất bao bì của Liksin năm 2015 chỉ ở mức 11,13%, cao hơn 1,4 điểm % so với năm 2014. Câu hỏi đặt ra là sau những khoản lợi nhuận kếch xù có được từ việc thoái vốn, về lâu dài, lợi nhuận của Liksin có còn được bảo đảm?
Mặt khác, số dư tiền và tương đương tiền (bao gồm tiền mặt và các khoản tiền gửi vô thời hạn hoặc kỳ hạn dưới 3 tháng) của Liksin tính đến cuối năm 2015 lên tới 211,5 tỷ đồng. Trong khi đó, doanh nghiệp này phải vay ngắn và dài hạn tới 378 tỷ đồng phục vụ các hoạt động kinh doanh. Chi phí lãi vay năm 2015 của Liksin đạt 22,3 tỷ đồng trong khi lãi tiền gửi, tiền cho vay chỉ ở mức 3,7 tỷ đồng. Giữ quá nhiều tiền mặt là một trong những tình trạng thường thấy tại các doanh nghiệp nhà nước (Liksin là doanh nghiệp nhà nước trực thuộc UBND TP.HCM). Có ý kiến cho rằng giữ tiền mặt hoặc gửi tiền ngân hàng là giải pháp an toàn và có phần “thiếu trách nhiệm” của lãnh đạo các DNNN.
Thoái vốn khỏi dự án BĐS
Được biết, đó là Dự án An Đông Tower, được cấp phép từ năm 2008, thời hạn sử dụng đất 50 năm (đến năm 2058) do Liksin kết hợp với Công ty CP Đầu tư An Đông góp vốn triển khai. Tuy nhiên, ngay sau khi được cấp phép, từ năm 2008 đến năm 2012, tình hình bất động sản trầm lắng, cộng với lãi suất ngân hàng có lúc cao “không tưởng” khiến Dự án bị đình trệ. Sau đó, vì là doanh nghiệp nhà nước, Liksin cũng như các doanh nghiệp khác buộc phải thực hiện chủ trương thoái vốn khỏi lĩnh vực ngoài ngành. Thoái vốn khỏi An Đông Tower và chịu lỗ 9,5 tỷ đồng được Liksin đánh giá là “may mắn” khi không tiếp tục lún sâu vào dự án đã nằm yên hơn 8 năm nay.
Tổ chức trúng giá trong cuộc đấu giá dự án nói trên không phải ai xa lạ mà chính là Công ty CP An Đông, đối tác của Liksin trong dự án nói trên. Đến cuối năm 2015, An Đông vẫn chưa thanh toán 259 tỷ đồng cho Liksin. Tuy nhiên, phía Liksin khẳng định, tới thời điểm hiện tại, thương vụ đã được tất toán và không còn nợ nần gì giữa 2 bên.