Linh hoạt hơn với cơ chế tỷ giá mới

(BĐT) - Việc ban hành cơ chế tỷ giá mới của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ giúp các doanh nghiệp (DN) chủ động nhiều hơn so với cơ chế điều hành tỷ giá trước đây trong việc quyết định các hoạt động kinh doanh liên quan đến ngoại tệ.
Cơ chế tỷ giá mới đòi hỏi doanh nghiệp phải chuyên nghiệp hơn trong quản trị rủi ro tỷ giá. Ảnh: Tường Lâm
Cơ chế tỷ giá mới đòi hỏi doanh nghiệp phải chuyên nghiệp hơn trong quản trị rủi ro tỷ giá. Ảnh: Tường Lâm

Thách thức trong quản lý rủi ro tỷ giá

Khi NHNN áp dụng cơ chế điều hành tỷ giá mới, các DN xuất nhập khẩu chính là những người quan tâm nhiều nhất. Cơ chế điều hành tỷ giá mới khiến họ lo ngại tỷ giá trở nên dễ đoán định xu hướng hơn. Tuy nhiên, nếu so với những khó khăn trước đây khi tỷ giá có thể bị điều chỉnh bất cứ lúc nào trước những biến động của thị trường thì cách thức điều hành tỷ giá mới của NHNN được DN đánh giá là vẫn khiến họ đỡ lo lắng hơn rất nhiều.

Ông Nguyễn Tiến Chinh, Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Phước Long cho biết, trước đây khi ký hợp đồng với nước ngoài, Công ty luôn phải nhìn ngó và phán đoán tỷ giá sẽ thay đổi như thế nào vào thời điểm thanh toán. Tỷ giá biến động khó lường luôn là rủi ro lớn đối với DN. Với cơ chế mới, mức biến động tỷ giá sẽ nhỏ hơn và không gây sốc cho DN như trước. Mặc dù vậy, theo ông Chinh, cơ chế tỷ giá mới cũng đòi hỏi DN phải chuyên nghiệp hơn trong quản trị rủi ro tỷ giá bằng cách lựa chọn các sản phẩm phái sinh, thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào diễn biến thị trường.

Mục tiêu cao nhất của chính sách tỷ giá mới là ổn định thị trường ngoại hối
Chịu ảnh hưởng nhiều nhất có lẽ là những DN vay nợ bằng ngoại tệ và phải trả nợ bằng ngoại tệ. Nếu như trước đây các DN này được lợi từ tỷ giá hối đoái ổn định, thì bây giờ họ sẽ chịu áp lực của thị trường là VND có thể phải mất giá nhiều hơn. Các nhà đầu tư chứng khoán nước ngoài mang ngoại tệ vào Việt Nam cũng muốn tỷ giá được ổn định vì khi đầu tư chứng khoán mệnh giá đều bằng VND, nên việc điều chỉnh tỷ giá hối đoái linh hoạt hơn sẽ tạo thách thức cho họ là phải tự quản lý rủi ro khi biến động tỷ giá.

Một số DN cho rằng, cơ chế điều hành tỷ giá mới khiến các DN nhập khẩu nguyên liệu sản xuất nhiều phải tính toán kỹ lưỡng hơn, tìm nguyên liệu trong nước để ít bị ảnh hưởng của tỷ giá biến động. Việc điều hành tỷ giá linh hoạt, sát thực tế cũng sẽ giảm được tình trạng đầu cơ, găm giữ USD. DN có lợi vì khi cần mua thì mua, khi cần bán thì bán, không lo thị trường ngoại tệ tăng - giảm với biên độ quá lớn so với thị trường tự do. 

Hướng đến mục tiêu tăng xuất khẩu

Theo các chuyên gia kinh tế, việc làm quen với biến động tỷ giá nhiều hơn cũng mang lại những lợi ích nhất định với DN và nền kinh tế. Ông Bùi Quốc Dũng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ thuộc NHNN cho biết, cơ chế tỷ giá mới có thể giúp tăng tính cạnh tranh đối với hàng hóa Việt Nam. Đơn cử, trước đây, khi tỷ giá VND được giữ ổn định với USD trong khi tỷ giá các nước khác mất giá nhiều, dẫn đến trong năm 2015 xuất khẩu nông sản gặp rất nhiều khó khăn. Song nếu tỷ giá điều hành linh hoạt hơn, hàng xuất khẩu nông sản như cà phê sẽ tăng được cạnh tranh.

Theo các chuyên gia, việc NHNN công bố tỷ giá trung tâm hàng ngày là nhằm mục tiêu điều hành linh hoạt tỷ giá, tuy nhiên điều này không có nghĩa là tỷ giá hoàn toàn được thả nổi theo thị trường. Mục tiêu cao nhất của chính sách tỷ giá vẫn là ổn định thị trường ngoại hối, ổn định vĩ mô. Nhìn vào cách điều hành tỷ giá mới cũng như các công cụ kèm theo của NHNN, có thể thấy, mục tiêu cao nhất của chính sách tỷ giá mới vẫn là ổn định thị trường ngoại hối, ổn định vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng, nâng cao vị thế VND. 

Những năm qua, nhập siêu của Việt Nam gia tăng do kinh tế phát triển làm tăng cầu nhập khẩu. Một điều dễ thấy là khi tỷ giá hối đoái ổn định, những mặt hàng của các nước khác như Trung Quốc và các nước ASEAN nhập về Việt Nam có giá cạnh tranh hơn, khiến nhập khẩu tăng. Điều này cũng đồng nghĩa, khi tỷ giá linh hoạt hơn có thể tác động làm tăng xuất khẩu và giảm nhập khẩu.

Mục tiêu tích cực như vậy, song lúc này, điều mà không ít DN đang băn khoăn chính là nếu tỷ giá linh hoạt điều chỉnh theo đúng quy luật cung - cầu của thị trường và sát với thực tế thì không có vấn đề gì. Song nếu điều hành không đúng quy luật cung - cầu của thị trường sẽ làm mất lợi thế cạnh tranh của DN và DN cũng khó xây dựng phương án sản xuất kinh doanh phù hợp.

Tin cùng chuyên mục