Không những cần chuyển động nhanh hơn để đạt yêu cầu tiến độ, việc cắt giảm rào cản kinh doanh còn phải bảo đảm nguyên tắc thực chất. Ảnh: Lê Tiên |
Nghi ngờ sự quyết liệt
Đầu tháng 3 này, Tổ công tác của Thủ tướng công bố tiến độ cắt giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành và điều kiện kinh doanh của 16 bộ. Kết quả cho thấy, hầu hết việc cắt giảm rào cản kinh doanh đối với doanh nghiệp (DN) chưa được các bộ quyết liệt triển khai thực hiện. Do đó chưa đạt được kết quả theo yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Kết quả rà soát, cắt giảm danh mục sản phẩm hàng hóa và thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành cho thấy, hiện có 6/11 bộ công bố đã bước đầu cắt giảm, đó là: Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ Xây dựng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công an. Dù vậy, tiến độ thực hiện của các bộ này cũng không đồng đều. Nếu như Bộ Công Thương đã cắt giảm đạt yêu cầu với 402 mặt hàng cần cắt giảm thì Bộ Y tế mới cắt giảm được 7 loại sản phẩm, giảm 95 số lô hàng trên tổng số 802 mặt hàng thuộc diện phải kiểm tra; 10 thủ tục hành chính cần đơn giản hóa thì mới thực hiện cắt được 5 thủ tục… Bộ Thông tin và Truyền thông đang đề xuất cắt giảm. Còn lại 4 bộ (Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tài nguyên và Môi trường; Giao thông vận tải, Văn hóa, Thể thao và Du lịch) chưa đề xuất cắt giảm.
Đối với kết quả rà soát, đề xuất cắt giảm điều kiện kinh doanh của 16 bộ cũng không khả quan hơn, ngoại trừ Bộ Công Thương và Bộ Xây dựng. Nhiều bộ khác mặc dù đã đề xuất cắt giảm nhưng chưa có phương án cụ thể, thậm chí vẫn còn 2 bộ (Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng) chưa nêu cụ thể phương án đề xuất.
Đánh giá về kết quả này, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc cắt giảm rào cản kinh doanh cho DN mới chỉ thành công một phần. Do đó, nếu làm quyết liệt cũng sẽ phải mất từ 6 - 9 tháng mới có được kết quả cụ thể. “Đơn cử là Bộ Công Thương - một bộ quyết liệt nhất cũng phải mất đến 6 tháng mới ra được kết quả cụ thể để cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh, thủ tục cho DN. Liệu các bộ khác có quyết liệt được như Bộ Công Thương hay không?”, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương nghi ngờ.
Cũng theo ông Hiếu, ngay cả khi các bộ khác quyết liệt như Bộ Công Thương thì hiện thực hóa chỉ đạo hoàn thành cắt giảm 1/3 - 1/2 số quy định hiện có về điều kiện kinh doanh của Chính phủ là vấn đề rất lớn và xã hội có quyền nghi ngờ về việc thực hiện chỉ đạo này tại các bộ.
Đề xuất “chốt” thời hạn hoàn thành
Từ thực trạng cắt giảm rào cản kinh doanh cho DN tại các bộ hiện nay, ông Hiếu không khỏi lo lắng và cho rằng, có lẽ Chính phủ cần đặt ra một thời hạn cuối cùng để các bộ hoàn thành nhiệm vụ này.
Đề xuất thời hạn cho công tác này, theo ông Hiếu, sẽ không thể chậm hơn tháng 6/2018. Như vậy, tức là ngay trong quý I/2018, các bộ chậm trễ nêu trên phải xây dựng xong dự thảo nghị định rút gọn về cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực quản lý của mình để trình các cơ quan liên quan thẩm định, thẩm tra, và ít nhất đến giữa quý II/2018, các bộ này phải hoàn thiện các dự thảo nghị định để trình Chính phủ xem xét, ban hành. “Khi đó, chúng ta mới có cơ hội để hiện thực hóa chỉ đạo hoàn thành cắt giảm 1/3 đến 1/2 số quy định hiện có về điều kiện kinh doanh trong năm 2018 theo yêu cầu của Chính phủ”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Mặt khác, để bảo đảm chất lượng của công tác cắt giảm rào cản kinh doanh cho DN, Tổ công tác của Chính phủ về vấn đề này đã kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiều nội dung. Đó là xây dựng lộ trình, phương án cắt giảm cụ thể và bảo đảm nguyên tắc việc cắt giảm, sửa đổi hoặc bãi bỏ phải thực chất, không theo kiểu cơ học thuần túy, gộp nhiều điều kiện vào 1 điều kiện. Tuyệt đối không cắt giảm, bãi bỏ cái này lại bổ sung cái khác hoặc sửa đổi, cắt giảm theo kiểu thay đổi tên gọi…