Loạt dự án trọng điểm của Bộ Y tế chậm giải ngân

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tính đến hết tháng 7/2022, Bộ Y tế chỉ giải ngân được 33,356 tỷ đồng vốn trong nước, đạt 2,03% kế hoạch giải ngân đầu tư công năm 2022 (Bộ Y tế được giao 1.645,3 tỷ đồng). Hiện Bộ Y tế là một trong những đơn vị có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp, đạt dưới 10% kế hoạch năm 2022.
Dự án Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 do Bộ Y tế quản lý đang “đắp chiếu” nên không thể giải ngân được. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Dự án Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 do Bộ Y tế quản lý đang “đắp chiếu” nên không thể giải ngân được. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Bộ Y tế cho biết, hiện 2 dự án lớn do Bộ này quản lý là Dự án Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2, Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 đang “đắp chiếu” nên không thể giải ngân được. Việc điều chỉnh hợp đồng gặp vướng mắc do không xác định được chính xác mức tăng khối lượng và đơn giá so với hợp đồng gốc (hợp đồng gốc chưa có khối lượng cụ thể và đơn giá chi tiết mà chỉ có giá tổng hợp cho từng hạng mục). Để bảo đảm đúng quy định pháp luật hiện hành về hợp đồng xây dựng, cần có sự điều chỉnh lại các điều khoản về giá trị hợp đồng (gồm khối lượng và đơn giá hợp đồng), điều khoản về thanh toán và điều khoản về điều chỉnh giá hợp đồng, tiến độ thực hiện hợp đồng. Do khó khăn, vướng mắc về cơ chế điều chỉnh hợp đồng và gia hạn thời gian thực hiện dự án, nên phần thi công xây lắp và mua sắm trang thiết bị y tế đang tạm dừng để chờ ý kiến của Chính phủ.

Đại diện Liên danh Tổng công ty 36 - Tổng công ty 319 - Tổng công ty Thành An (nhà thầu xây dựng khối nhà chính Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2) cho biết, công trình được triển khai từ tháng 2/2015 với kế hoạch hoàn thành trong 2 năm. Đến nay, khối lượng thực hiện ước đạt 95% nhưng nhà thầu mới chỉ được nghiệm thu thanh toán 60%. Toàn bộ công việc hệ thống cơ điện vẫn đang chờ Bộ Xây dựng thẩm định để Bộ Y tế phê duyệt. Nguyên nhân chậm tiến độ và “tắc” giải ngân đầu tư công của Dự án là do trong quá trình xây dựng (do yêu cầu sử dụng của Bệnh viện), Chủ đầu tư (Ban Quản lý dự án y tế trọng điểm của Bộ Y tế) đã điều chỉnh lại hồ sơ thiết kế cơ sở phần kiến trúc, dẫn đến phải thay đổi các hạng mục công trình, giá trị tăng quá nhiều so với dự toán ban đầu. Việc tăng dự toán các gói thầu do yêu cầu sử dụng của Bệnh viện nhưng chưa được phê duyệt chính là nguyên nhân dẫn đến các vướng mắc, đình trệ công trình hơn 6 năm qua, gây thiệt hại lớn cho Nhà thầu.

Đây cũng là vướng mắc của Dự án Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 do Liên danh Tổng công ty Xây dựng Hà Nội - Công ty CP Hồng Hà Việt Nam thực hiện.

Bên cạnh đó, một số dự án lớn khác do Bộ Y tế quản lý đang chậm tiến độ, chậm giải ngân đầu tư công do vướng giải phóng mặt bằng như: Dự án Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình Trung ương Cần Thơ; Dự án Bệnh viện Nội tiết Trung ương TP.HCM; Dự án Xây dựng, mở rộng cơ sở Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa…

Bộ Y tế cho biết, Dự án Bệnh viện Lão khoa Trung ương cơ sở 2 cũng đang gặp khó khăn, vướng mắc do trùng quy hoạch tại địa phương. Dự án đang phải tạm dừng thi công dẫn đến chậm tiến độ và không thể giải ngân kế hoạch vốn được giao. Bộ Y tế đã có công văn báo cáo Thủ tướng cho phép Dự án được tiếp tục triển khai thực hiện.

Theo Bộ Y tế, kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 của Bộ chủ yếu giao cho các dự án chuyển tiếp dự kiến hoàn thành trong năm 2022. Các dự án chuyển tiếp vẫn đang tập trung giải ngân nốt vốn để thanh toán tạm ứng, sau đó sẽ giải ngân kế hoạch vốn năm 2022, dẫn đến tỷ lệ giải ngân đầu năm 2022 đạt thấp. Một số dự án đang thực hiện các thủ tục phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, đấu thầu nên chưa thể giải ngân trong những tháng đầu năm 2022.

Mặt khác, đối với các dự án ODA do Bộ Y tế quản lý, do thiết kế ban đầu của các dự án hợp tác song phương thường kèm theo nhiều điều kiện ràng buộc, khó thống nhất như: Dự án Xây dựng cơ sở Bệnh viện Chợ Rẫy Hữu nghị Việt Nhật (vay vốn JICA, do phía Nhật Bản lập thiết kế, dự toán, mất nhiều thời gian làm rõ về quy định định mức trong xây dựng cơ bản theo Luật Xây dựng, dẫn đến chưa thống nhất về tổng dự toán công trình); Dự án Xây dựng mới cơ sở 2 của Trường Đại học Dược Hà Nội vay vốn Hàn Quốc phải tổ chức đấu thầu lại do hủy thầu...

Ngoài ra, hầu hết các dự án đang triển khai của Bộ Y tế đều gặp vướng mắc do giá cả nguyên vật liệu tăng đột biến, gây khó khăn trong việc thực hiện hợp đồng của nhà thầu thi công và đẩy giá dự toán xây dựng lên so với kế hoạch đã duyệt.

Tin cùng chuyên mục