Loạt giải pháp thúc đầu tư công tại TP.HCM

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Kế hoạch vốn đầu tư công của TP.HCM năm 2024 là hơn 79.000 tỷ đồng. Thành phố đặt mục tiêu giải ngân đạt 95% trở lên. Tuy nhiên, trước hàng loạt vấn đề dẫn tới trì trệ giải ngân các dự án sử dụng ngân sách, TP.HCM đang thực hiện một loạt giải pháp, trong đó có việc yêu cầu các chủ đầu tư dự án rà soát, xử lý nghiêm theo quy định hợp đồng và quy định pháp luật đối với các nhà thầu không đảm bảo năng lực, chây ì, chậm trễ trong thi công.
Dự án Xây dựng đường song hành Quốc lộ 50 còn vướng nhiều hộ dân chưa bàn giao mặt bằng. Ảnh: Minh Hoàng
Dự án Xây dựng đường song hành Quốc lộ 50 còn vướng nhiều hộ dân chưa bàn giao mặt bằng. Ảnh: Minh Hoàng

Theo UBND TP.HCM, tổng khối lượng thực hiện các dự án sử dụng vốn đầu tư công năm 2023 là hơn 43.696 tỷ đồng, bằng 71,65% kế hoạch vốn được giao. Số dự án thực hiện đầu tư trong kỳ là 1.930 dự án, số dự án chậm tiến độ là 283 dự án. Chậm trễ do khâu giải phóng mặt bằng chiếm số lượng lớn với 157 dự án, trong đó có hàng loạt dự án trọng điểm.

Đơn cử, Dự án Xây dựng đường song hành Quốc lộ 50 (6 làn xe), theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, đến nay đạt khoảng 53% khối lượng và dự kiến hoàn thành trong năm 2024. Riêng đoạn mở rộng Quốc lộ 50 hiện hữu sẽ hoàn thành trong năm 2025. “Tuy nhiên, tiến độ Dự án đang chậm lại vì vướng mắc mặt bằng. Đoạn đầu tuyến giáp đường Nguyễn Văn Linh vẫn còn vướng 24 nhà dân (chiếm khoảng 5.000 m2). Đối với đoạn mở rộng Quốc lộ 50 hiện hữu, còn 24 hộ thuộc xã Đa Phước chưa đồng ý bàn giao. Công tác thi công của các nhà thầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng, kéo giảm tiến độ mỗi ngày”, đại diện Chủ đầu tư cho biết.

Dự án Nút giao thông An Phú (thuộc địa phận TP. Thủ Đức) theo kế hoạch sẽ hoàn thành vào dịp 30/4/2025. Tuy nhiên, 2 vị trí mặt bằng chiếm hơn 24.000 m2 thuộc Dự án chưa được tháo gỡ, bàn giao cho nhà thầu thi công.

Tại Dự án Xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, sau 1 năm thi công đạt hơn 50% khối lượng. Tuy nhiên, khi các nhà thầu thi công hạng mục đường giao thông, cây xanh, điện chiếu sáng đã gặp tình trạng tái chiếm mặt bằng của nhiều hộ dân. Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị (Chủ đầu tư), tiến độ Dự án đang gặp khó khăn một phần do người dân tái chiếm mặt bằng sau giải tỏa. Trong đó, quận Bình Tân nhiều nhất với 224 trường hợp, Quận 12 có 14 trường hợp, huyện Bình Chánh có 2 trường hợp và quận Tân Bình có 1 trường hợp. Với kế hoạch ngày 30/4/2025 phải về đích, những cản trở trên khiến Chủ đầu tư và nhà thầu rất lo lắng.

Bên cạnh vướng mắc mặt bằng, nhiều dự án chậm tiến độ do năng lực của chủ đầu tư, ban quản lý dự án và các nhà thầu. Đơn cử, Dự án Trung tâm triển lãm quy hoạch TP.HCM được xây dựng tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm với tổng mức đầu tư gần 800 tỷ đồng, khởi công quý I/2013, dự kiến hoàn thành năm 2015, nhưng 11 năm vẫn chưa xong phần thô. Dự án này trì trệ phần lớn do năng lực quản lý, điều hành của Ban Quản lý xây dựng Trung tâm triển lãm quy hoạch Thành phố (Bên mời thầu). Với kế hoạch lựa chọn nhà thầu lên tới 58 gói thầu, sau hơn 10 năm, khối lượng công việc tồn đọng đến nay vẫn rất lớn.

Một dự án khác trong nhiều năm không có động thái thi công do năng lực của nhà thầu là Dự án Chống sạt lở bán đảo Thanh Đa (1.342 tỷ đồng). Có tới 4 gói thầu xây lắp tại dự án này đã hết hạn nhưng chưa hoàn thành, hệ lụy là rất lớn khi các bên không tìm được tiếng nói chung về việc tiếp tục hay chấm dứt hợp đồng, chủ đầu tư và nhà thầu đổ lỗi cho nhau. Khi nhà thầu vận chuyển vật tư thiết bị đến thi công thì chủ đầu tư phản đối. Khi chủ đầu tư đề nghị nhà thầu thực hiện các thủ tục chứng minh tài chính để xem xét khả năng thi công thì liên tục bị trì hoãn. Hậu quả là dù chốt kết quả lựa chọn nhà thầu từ năm 2018, nhưng loạt gói thầu vẫn chưa thể về đích.

Liên quan đến cắt giảm, đẩy nhanh các thủ tục đầu tư công, TP.HCM vừa yêu cầu các sở, ban ngành rút ngắn ít nhất 30% thời gian giải quyết hồ sơ trình thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư, kế hoạch lựa chọn nhà thầu, thiết kế bản vẽ thi công - dự toán. Đồng thời, không để xảy ra tình trạng phải thực hiện trình, thẩm định nhiều lần, làm ảnh hưởng tiến độ dự án.

Nhận diện các nguy cơ kéo giảm tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công, UBND TP.HCM đã chỉ đạo UBND các địa phương thành lập Ban Chỉ đạo công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cấp huyện; các tổ công tác tuyên truyền, vận động, kiểm tra, giám sát thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của từng dự án được giao vốn bồi thường. Đến nay, 100% các địa phương đã thành lập Hội đồng Thẩm định giá đất và đã thực hiện việc phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất theo trình tự, thủ tục quy định và thẩm quyền được giao. Đầu tháng 5/2024, TP.HCM tiếp tục có văn bản về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thực hiện mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công quý II/2024 và Chương trình hành động thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2024.

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, để thúc giải ngân đầu tư công, cần chấn chỉnh năng lực đội ngũ nhà thầu thi công. Theo đó, các chủ đầu tư dự án mạnh tay rà soát, xử lý nghiêm theo quy định hợp đồng và quy định pháp luật đối với các nhà thầu không đảm bảo năng lực, chây ì, chậm trễ trong thi công, không đảm bảo tiến độ dự án theo cam kết. Đồng thời, Sở Xây dựng Thành phố khẩn trương phối hợp với các đơn vị liên quan có văn bản hướng dẫn các chủ đầu tư về cập nhật giá vật liệu xây dựng, chi phí nhân công và máy thi công, điều chỉnh hợp đồng xây dựng (ký phụ lục) và có cơ chế đảm bảo phù hợp, đúng quy định để các nhà thầu có đủ cơ sở và nguồn lực để triển khai thi công.

Tin cùng chuyên mục