Lời cảnh báo từ những sự cố công trình

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Những năm gần đây, các dự án giao thông do địa phương chủ quản đã góp phần quan trọng vào việc phát triển hạ tầng và thúc đẩy kinh tế. Tuy nhiên, không ít công trình gặp sự cố, gây lãng phí ngân sách và ảnh hưởng tới đời sống của người dân, thậm chí làm sụt giảm niềm tin về năng lực quản lý, giám sát của chính quyền.
Sáng ngày 11/5/2025, công trình cầu Hoà Bình tại xã Hoà Hội (huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh) đã bị sụt lún phần đường dẫn tạo hố sâu khoảng 3 m, kéo dài 35m sau khi đưa vào sử dụng hơn 2 tuần. Ảnh: Internet
Sáng ngày 11/5/2025, công trình cầu Hoà Bình tại xã Hoà Hội (huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh) đã bị sụt lún phần đường dẫn tạo hố sâu khoảng 3 m, kéo dài 35m sau khi đưa vào sử dụng hơn 2 tuần. Ảnh: Internet

Dấu hỏi về chất lượng, hiệu quả một số công trình

Chỉ mới đưa vào sử dụng hơn 2 tuần, sáng ngày 11/5/2025, cầu Hoà Bình tại xã Hòa Hội (huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh) đã bị sụt lún phần đường dẫn, tạo hố sâu khoảng 3 m, kéo dài 35 m. Hậu quả, 1 xe ô tô và 2 xe máy bị rơi xuống hố sâu, 7 người gặp nạn, trong đó 5 người bị thương phải đưa đi cấp cứu. Được biết, công trình giao thông quan trọng này có tổng mức đầu tư hơn 37 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Châu Thành làm chủ đầu tư.

Trước đó, theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải TP.HCM, đường bao quanh công viên Đầm Sen (Quận 11, TP.HCM) dù hoàn thành vào tháng 9/2024 nhưng đã có hiện tượng lún cục bộ mặt đường, vỉa hè. Đồng thời, một số vị trí tại nắp hố ga chưa bảo đảm êm thuận. Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực Quận 11 (TP.HCM) làm chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư 161 tỷ đồng.

Hay như công trình cải tạo, nâng cấp đường liên xã Cư Ni đi xã Ea Pal và xây dựng mới các trục đường khu dân cư xã Cư Ni (huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk) do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình huyện Ea Kar là chủ đầu tư, trong quá trình thi công hồi tháng 8/2024 đã xuất hiện nhiều viên đá tổ ong (hay còn gọi là đá phổi) lẫn lộn trong móng đường, nhiều viên đá tổ ong bị vỡ nát sau khi xe lu đi qua... Dự án có tổng mức đầu tư 14,5 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách từ Tỉnh (13,25 tỷ đồng) và Huyện (1,25 tỷ đồng).

Tương tự, tại Quảng Bình, dù được UBND xã Quảng Thanh (huyện Quảng Trạch) đầu tư gần 20 tỷ đồng, nhưng quá trình thi công tuyến đường kết hợp kè thôn Tân An đi thôn Phù Ninh đã bộc lộ nhiều bất cập (tháng 8/2024). Các biện pháp an toàn thi công và an toàn lao động, hệ thống biển báo công trường gần như không có. Nhiều điểm được đổ đất, lu lèn đã sạt lở xuống sông và lấn sát vào phần đường cũ...

Cần rà soát cơ chế quản lý, cộng đồng tham gia giám sát

Những trường hợp nêu trên là lời cảnh báo, đồng thời đặt ra những dấu hỏi về công tác bảo đảm an toàn lao động, chất lượng thi công cũng như quản lý xây dựng các công trình do địa phương chủ quản. Mặc dù các địa phương đã nỗ lực, cố gắng trong triển khai, thực hiện, đảm bảo chất lượng, tiến độ các dự án, song theo đánh giá chung của nhiều chuyên gia, vẫn còn tồn tại những hạn chế, bất cập.

Đó là vấn đề thiếu sót trong khảo sát và thiết kế, nhiều dự án không đánh giá đầy đủ điều kiện địa chất và môi trường, dẫn đến thiết kế không phù hợp. Bên cạnh đó, tình trạng buông lỏng quản lý thi công, thiếu giám sát chặt chẽ tạo điều kiện cho nhà thầu giảm chi phí bằng cách sử dụng vật liệu kém chất lượng hoặc bỏ qua, làm tắt quy trình. Ngoài ra, sự thiếu trách nhiệm của các bên liên quan khi chưa thực hiện đúng và đủ vai trò từ lập dự án đến hồ sơ giải ngân, nghiệm thu công trình cũng là những vấn đề đáng lưu tâm.

Đặt trong bối cảnh ngành giao thông vận tải đang triển khai đồng loạt nhiều dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông trên phạm vi toàn quốc, trong đó xác định chất lượng công trình luôn là yếu tố quan trọng hàng đầu, cần tăng cường công tác bảo đảm chất lượng, an toàn giao thông, an toàn lao động và vệ sinh môi trường trong thi công xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người, thiết bị thi công và nhân dân khu vực dự án, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật. Đây cũng là nội dung nổi bật trong Công điện số 15/CĐ-BXD ngày 11/5/2025 của Bộ Xây dựng.

Theo Công điện, Bộ Xây dựng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo sở xây dựng; các chủ đầu tư/ban quản lý dự án nâng cao chất lượng trong việc lập, phê duyệt nhiệm vụ khảo sát, nhiệm vụ thiết kế, bảo đảm đầy đủ số liệu khảo sát địa hình, địa chất, thủy văn, mỏ vật liệu, bãi đổ thải theo đúng quy định, nhất là các khu vực nền đất yếu, khu vực có điều kiện địa chất phức tạp. Có giải pháp chấn chỉnh, nâng cao chất lượng công tác khảo sát, thiết kế, lập tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng công trình. Đặc biệt, khi khảo sát điều tra các mỏ vật liệu, bãi đổ thải phải khảo sát kỹ lưỡng về vị trí, trữ lượng, chất lượng, khả năng cung ứng, đường vận chuyển, thủ tục khai thác, trữ lượng của các bãi đổ thải, đáp ứng yêu cầu của dự án.

Nghiêm cấm việc thông đồng, móc ngoặc để hợp thức hóa hồ sơ thủ tục, làm sai lệch hồ sơ, kết quả công việc, tăng khống khối lượng; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chèn ép, nhũng nhiễu, gây khó khăn cho các đơn vị để thu lợi cá nhân; áp đặt chỉ định mỏ vật liệu, chỉ định nguồn gốc, xuất xứ, gửi nhà thầu, nhà thầu phụ, nhà thầu cung cấp hàng hóa, vật tư, vật liệu cho dự án. Đồng thời, kiểm tra và giám sát chặt chẽ chất lượng, nguồn gốc xuất xứ của vật liệu, vật tư, thiết bị.

Theo một số chuyên gia ngành giao thông, để bảo đảm chất lượng công trình, các địa phương cần rà soát lại cơ chế quản lý, tăng cường trách nhiệm cá nhân và huy động sự giám sát từ cộng đồng. Bên cạnh đó, cần cân nhắc kỹ lưỡng khi đề xuất phân cấp, ủy quyền cho các địa phương có năng lực hạn chế để tránh “lợi bất cập hại”, đồng thời, phải có sự đánh giá tổng thể việc thực hiện các dự án đã giao cho các địa phương đó.

Ngoài ra, trong khâu lựa chọn nhà thầu, cần đánh giá toàn diện năng lực của các ứng viên, phải xác định đây là tiêu chí tiên quyết thay vì lựa chọn những đơn vị bỏ thầu với giá thấp nhưng năng lực yếu kém. Bởi sau khi trúng thầu bằng mọi giá, thông thường các nhà thầu yếu kém sẽ tìm cách bù đắp chi phí như sử dụng vật liệu kém chất lượng, rút gọn các quy trình kỹ thuật, quản trị… dẫn đến hậu quả tất yếu về chất lượng công trình.

Tin cùng chuyên mục