![]() |
Theo Đề án Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII, nhu cầu vốn cho phát triển nguồn điện và hệ thống lưới truyền tải từ nay đến năm 2030 là 136 tỷ USD. Ảnh: Nhã Chi |
Phát biểu tại Diễn đàn Năng lượng Việt Nam 2025 vừa được tổ chức, PGS. TS. Huỳnh Thành Đạt, Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương cho biết, với mục tiêu tăng trưởng từ 8% trở lên và tăng trưởng hai con số giai đoạn 2026 - 2030, nhu cầu điện năng tăng gấp 1,5 lần, tương đương mức tăng từ 12% đến 16% mỗi năm. Đây là thách thức rất lớn, nếu không có giải pháp kịp thời phát triển nguồn điện, đặc biệt là điện xanh, sạch và bền vững, nguy cơ thiếu điện trong giai đoạn 2026 - 2028 có thể xảy ra.
Giải quyết thách thức này, thời gian qua, cấp có thẩm quyền đã chỉ đạo Bộ Công Thương phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu xây dựng Đề án Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII nhằm đáp ứng nhu cầu điện cho tăng trưởng kinh tế.
Chia sẻ thông tin về nhu cầu vốn đầu tư, đại diện Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho biết, theo Quy hoạch điện VIII, nhu cầu vốn cho phát triển nguồn điện và hệ thống lưới truyền tải trong 10 năm (2021 - 2030) là 134 tỷ USD. Trong bản điều chỉnh Quy hoạch điện VIII, nhu cầu vốn từ nay đến năm 2030 là 136 tỷ USD, trong khi từ nay đến năm 2030 chỉ có khoảng 5,5 năm, tức là nhu cầu vốn hàng năm tăng gấp đôi. Tuy nhiên, việc huy động vốn đầu tư cho các dự án năng lượng, trong đó có năng lượng tái tạo hiện đang gặp những khó khăn, thách thức mà nguyên nhân là do chậm ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII; việc giải quyết khó khăn, vướng mắc cho các dự án điện tái tạo cũng không có nhiều chuyển biến…, dẫn tới tâm lý e ngại của các nhà đầu tư.
Chia sẻ góc nhìn về vấn đề này, TS. Đặng Huy Đông, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển đánh giá, theo tính toán được đưa ra tại Dự thảo Đề án Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII thì nhu cầu vốn đầu tư vào lĩnh vực năng lượng thời gian tới rất lớn và là thách thức không nhỏ trong bối cảnh hiện nay.
Theo ông Đông, cơ chế được quy định tại các luật, hướng dẫn liên quan lĩnh vực năng lượng được ban hành gần đây nhằm thu hút vốn đầu tư vào ngành năng lượng đã có nhiều bước tiến rất tích cực nhưng “chưa đủ để triển khai nhanh các dự án điện”. Ông Đông phân tích, theo các quy định hiện hành thì nguồn vốn trong nước chỉ đáp ứng được một phần, phần lớn còn lại sẽ phải huy động từ các thị trường vốn và các tổ chức tài chính quốc tế. “Nếu không có quy định rõ ràng về vấn đề này, chúng ta sẽ khó giải được bài toán thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào các dự án năng lượng”, ông Đông nêu quan điểm và cho rằng, để huy động được vốn từ các tổ chức tài chính thì vấn đề bảo đảm an toàn tài chính và chia sẻ rủi ro là rất quan trọng.
Về cách kêu gọi nhà đầu tư, TS. Đặng Huy Đông cho rằng, để một dự án điện hấp dẫn sự tham gia của nhiều doanh nghiệp thì phải lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu cạnh tranh thông qua các tiêu chí rõ ràng và minh bạch, có thể học hỏi thêm kinh nghiệm quốc tế.
Ông Stuart Livesey, Tổng giám đốc Copenhagen Oshore Partners (COP) tại Việt Nam, thành viên Tổ chuyên trách về điện gió ngoài khơi của Nhóm Đối tác Năng lượng Việt Nam nhấn mạnh, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý đầu tư vào các dự án năng lượng, trong đó có các dự án năng lượng mới. Theo ông Stuart Livesey, tốc độ tăng trưởng điện tái tạo của Việt Nam thời gian qua bị chậm lại có nguyên nhân một phần từ việc các nhà đầu tư e ngại những rủi ro từ hành lang pháp lý chưa thực sự đầy đủ…
Về vấn đề này, PGS. TS. Huỳnh Thành Đạt khẳng định, việc rà soát, đánh giá và hoàn thiện cơ chế chính sách về năng lượng có ý nghĩa quyết định đến sự thành công của các mục tiêu đã đề ra. Trên thực tế, Quốc hội và Chính phủ đang hết sức nỗ lực, chỉ đạo khẩn trương hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển hạ tầng năng lượng nhằm đáp ứng nhu cầu điện ngày càng cao trong tương lai.