Tăng tốc nâng cấp kênh Hồng Ngự - Vĩnh Hưng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sau 2 năm khởi công xây dựng, Dự án Nâng cấp kênh Hồng Ngự - Vĩnh Hưng, một trong những dự án quan trọng góp phần giải quyết nhu cầu về nước ngọt tại miền Tây, đang cho thấy những chỉ báo tích cực về khả năng hoàn thành trước thời hạn. Kết quả này đến từ nhiều yếu tố, trong đó phải kể đến sự nỗ lực của địa phương chủ quản, chủ đầu tư và các nhà thầu thi công.
Kênh Hồng Ngự - Vĩnh Hưng sẽ tạo nguồn nước ngọt để cấp nước sinh hoạt cho khoảng 300.000 người dân khu vực phía Bắc Đồng Tháp Mười. Ảnh: Vân Chi
Kênh Hồng Ngự - Vĩnh Hưng sẽ tạo nguồn nước ngọt để cấp nước sinh hoạt cho khoảng 300.000 người dân khu vực phía Bắc Đồng Tháp Mười. Ảnh: Vân Chi

Dự án do Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 10 (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) làm chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư điều chỉnh là 1.028 tỷ đồng. Dự án bao gồm các hạng mục nạo vét tuyến kênh Hồng Ngự - Vĩnh Hưng (đoạn từ TP. Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp đến huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An) với tổng chiều dài 44,2 km; xây mới 4 đoạn kè Hồng Ngự, kè Giồng Găng, kè Tân Hưng và kè Vĩnh Thạnh với tổng chiều dài 4,165 km. Tổng diện tích đất thu hồi để thực hiện công trình khoảng 476,73 ha.

Thông tin về tiến độ triển khai 4 gói thầu xây lắp chính của Dự án, Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 10 cho biết, Gói thầu XL01 Nạo vét kênh Hồng Ngự - Vĩnh Hưng đoạn 1 (K0+00 K4+800); xây dựng kè Hồng Ngự (bờ Bắc) do Liên danh Công ty TNHH Xây dựng và Khảo sát công trình Thanh Tuấn - Công ty TNHH Trường Phát - Công ty CP Xây dựng và Thương mại Đông Nam Á - Công ty CP Đầu tư xây dựng Thái Quảng - Công ty TNHH Khánh Giang thực hiện với tổng giá trị hợp đồng 302,548 tỷ đồng, thời gian thi công 29 tháng. Được khởi công từ ngày 8/11/2022, đến nay, Gói thầu cơ bản đã hoàn thành, đáp ứng tiến độ duyệt. Trong đó, hạng mục kè Hồng Ngự (bờ Bắc) đạt 99%; hạng mục nạo vét kênh Hồng Ngự - Vĩnh Hưng đã hoàn thành.

Gói thầu XL02 Nạo vét kênh Hồng Ngự - Vĩnh Hưng đoạn 2 (K4+800 - K28+00); xây dựng kè Giồng Giăng do Liên danh Công ty TNHH Khánh Giang - Công ty CP Xây dựng thủy lợi Cà Mau - Công ty CP Xây dựng và Thương mại Đông Nam Á đảm nhận với tổng giá trị 148,454 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ ngày 14/2/2023 đến ngày 3/5/2025. Tính đến ngày 1/4/2025, khối lượng thực hiện đạt 99%. Trong đó, hạng mục nạo vét kênh Hồng Ngự - Vĩnh Hưng đạt 99%; kè Giồng Giăng đã bàn giao đưa vào khai thác sử dụng từ tháng 10/2024.

Tại Gói thầu XL03 Nạo vét kênh Hồng Ngự - Vĩnh Hưng đoạn 3 (K28+00 K44+200); xây dựng kè Tân Hưng, kè Vĩnh Thạnh, Liên danh Công ty CP Xây dựng thương mại Thới Bình - Công ty CP Xây dựng thủy lợi Cà Mau - Tổng công ty 319 Bộ Quốc phòng - Công ty CP Xây dựng Ngọc Á Châu - Công ty TNHH Nguyễn Phát đã bàn giao đưa vào khai thác từ tháng 10/2024. Tổng giá trị hợp đồng là 235,037 tỷ đồng.

Gói XL04 Xây dựng kè Hồng Ngự (bờ Nam) được trao cho Liên danh Công ty CP Đầu tư xây dựng công trình giao thông 309 - Công ty CP Xây dựng đê kè và Phát triển nông thôn Hải Dương - Công ty TNHH Minh Khá với tổng giá trị hợp đồng 101,577 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ ngày 1/3/2024 đến ngày 23/8/2025. Đến nay, các nhà thầu đã thi công đạt 70% khối lượng hợp đồng. Theo đánh giá của Chủ đầu tư, dự kiến Gói thầu sẽ hoàn thành vượt tiến độ cam kết từ 2 đến 3 tháng.

Theo Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 10, năm 2024, Dự án được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao kế hoạch vốn 368 tỷ đồng, trong đó, vốn đã thanh toán đến ngày 31/1/2025 là 363,945 tỷ đồng (đạt 99% kế hoạch).

Chia sẻ với phóng viên, lãnh đạo Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 10 cho biết, nhằm bảo đảm tiến độ, từ năm 2022, Chủ đầu tư đã chủ động đi trước một bước trong khâu lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật; ban hành quy trình nghiệm thu, thanh toán và biểu mẫu quản lý chất lượng công trình; quy trình lập, thẩm định, trình phê duyệt điều chỉnh thiết kế bản vẽ thi công, điều chỉnh giá hợp đồng... Bên cạnh đó, do có ý nghĩa thiết thực trong việc giải quyết nhu cầu về nước ngọt - một trong những vấn đề cấp bách tại miền Tây, Dự án nhận được sự ủng hộ, đồng thuận cao từ chính quyền và nhân dân trên địa bàn, công tác giải phóng mặt bằng được 2 địa phương Đồng Tháp, Long An triển khai thuận lợi.

Cũng theo Chủ đầu tư, một trong những yếu tố quan trọng giúp Dự án đạt tiến độ khả quan là vai trò của các nhà thầu xây lắp, bởi đây đều là những đơn vị giàu kinh nghiệm, năng lực mạnh trong lĩnh vực hạ tầng nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Sau khi hoàn thành vào cuối năm 2025, kênh Hồng Ngự - Vĩnh Hưng sẽ góp phần tăng khả năng trữ, chuyển nước ngọt từ sông Tiền sang sông Vàm Cỏ Tây, tạo nguồn nước ngọt để cấp nước sinh hoạt cho khoảng 300.000 người dân khu vực phía Bắc Đồng Tháp Mười. Đặc biệt là chủ động phòng, chống sạt lở bờ sông, ổn định đời sống, sản xuất của nhân dân và bảo vệ các công trình thiết yếu.

Tin cùng chuyên mục