Công trình xanh giảm được từ 30 - 35% lượng khí thải carbon, tiết kiệm từ 30 - 50% lượng nước sử dụng… so với công trình thông thường. Ảnh: Trí Nguyễn |
Vì vậy, nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế đều cho rằng, chi phí phụ trội trong xây dựng công trình xanh nên được nhìn nhận như một khoản đầu tư dài hạn, giúp chủ đầu tư rút ngắn thời gian hoàn vốn thông qua tiết kiệm tài nguyên, giảm chi phí vận hành.
Hiệu quả kinh tế của đầu tư xanh
Ông Hoàng Mạnh Nguyên, Giám đốc điều hành Viện Đô thị xanh Việt Nam cho biết, đầu tư phát triển công trình xanh là một xu hướng tiên tiến đã và đang được thúc đẩy tại nhiều quốc gia trên thế giới. Với dân số đông và nhu cầu nhà ở lớn, đặc biệt ở đô thị, Việt Nam được đánh giá là một thị trường có nhiều tiềm năng và có cơ hội phát triển nhà ở xanh. Khi đầu tư vào nhà ở xanh, bên cạnh ưu đãi thuế dành cho các công trình xanh, chủ đầu tư còn có nhiều lợi ích về mặt kinh tế. Cụ thể, nhà ở xanh có giá trị thị trường cao hơn nhà thông thường vì hiệu quả sử dụng năng lượng và nước sạch cao, chất lượng môi trường sống tốt hơn, chi phí vận hành thấp và có tính bền vững… Vì vậy, sản phẩm nhà ở xanh sẽ được khách hàng ưa chuộng và nhà đầu tư sẽ thu được nhiều hiệu quả kinh tế.
Theo ước tính, nếu sử dụng các biện pháp thiết kế kiến trúc xanh kết hợp với trang thiết bị nội thất hiện đại, thì chi phí đầu tư cho nhà ở xanh cao hơn công trình thông thường cùng loại bình quân khoảng 5%, cao nhất khoảng 15%, nhưng chi phí vận hành, sử dụng nhà ở xanh sẽ tiết kiệm hơn công trình thông thường từ 20 - 30% do tiết kiệm năng lượng, nước sạch và các chi phí khác. Do đó, chỉ sau 4 - 5 năm vận hành nhà ở xanh, số tiền tiết kiệm được có thể bù đắp vốn đầu tư và tổng lợi ích tiết kiệm chi phí vận hành ngày càng lớn.
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hội Môi trường xây dựng Việt Nam cho biết, phát triển đô thị xanh và công trình xanh là một nội dung trong Chương trình quốc gia về tăng trưởng xanh. Đầu tư vào công trình xanh sẽ góp phần bảo tồn các nguồn tài nguyên thiên nhiên, thân thiện với môi trường, chi phí sử dụng thấp, đảm bảo sức khỏe người sử dụng, tuổi thọ công trình cao (giảm khoảng 30 - 35% lượng khí thải carbon, tiết kiệm từ 30 - 50% lượng nước sử dụng)… Chính vì vậy, cần vận động và hỗ trợ phát triển nhà ở xanh một cách rộng rãi tới phân khúc các dự án khu dân cư, nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ tại các đô thị (hiện nay, phần lớn các công trình và khu nhà đạt tiêu chí “xanh” thuộc phân khúc nhà ở thương mại tiêu chuẩn cao cấp, biệt thự gia đình có thu nhập cao).
Nâng cao nhận thức của các bên tham gia
Theo ông Yoan Guyon, Giám đốc Phát triển kinh doanh, chuyên gia tư vấn vận hành công trình thuộc Công ty Boydens Việt Nam, hầu hết các chủ đầu tư ở Việt Nam vẫn còn e ngại với việc đầu tư phát triển công trình xanh, công trình bền vững, vì hiệu quả đầu tư chưa được chứng minh một cách rõ ràng. Điều quan trọng là khi đầu tư vào công trình xanh, chủ đầu tư cần cung cấp những bằng chứng và chỉ rõ cho người mua nhà những lợi ích và hiệu quả vượt trội của công trình để họ có thể đưa ra quyết định lựa chọn dễ dàng hơn. Có như vậy, công trình xanh mới có thể tồn tại và phát triển được. Nó cũng đóng vai trò như dòng sản phẩm mới giúp các chủ đầu tư giảm áp lực cạnh tranh trong giai đoạn bùng nổ của thị trường bất động sản hiện nay.
Yếu tố hạn chế và cản trở việc đầu tư phát triển công trình xanh hiện nay, theo ông Hoàng Mạnh Nguyên, chủ yếu là nhận thức của các bên tham gia về đầu tư “xanh”. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho các công trình nhà ở xanh vẫn còn vắng bóng tại Việt Nam, và nhiều công trình nhà ở không đạt được những giá trị đáng có. Vì vậy, cần phải nâng cao nhận thức của tất cả các bên tham gia về những lợi ích của việc đầu tư, sử dụng công trình xanh, đặc biệt là những giá trị vô hình như: giúp “giải” nhiều “bài toán khó” về hạ tầng, giao thông, môi trường, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của người sử dụng…
Ông Nguyễn Việt Hùng - nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cho rằng, để phát triển và nhân rộng mô hình đầu tư vào công trình xanh, cần có cơ chế chính sách hỗ trợ về thuế, về vay vốn cho các chủ đầu tư khi họ triển khai dự án về công trình xanh. Việc hỗ trợ này là cần thiết và có tác dụng thúc đẩy các chủ đầu tư ưu tiên lựa chọn đầu tư vào công trình xanh, mặt khác giúp giảm bớt giá thành, sự chênh lệch về giá thị trường giữa công trình xanh và công trình thông thường để hỗ trợ người dân dễ dàng tiếp cận và lựa chọn công trình xanh.