Lợi nhuận nhiều DN giảm mạnh sau kiểm toán

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Kết quả kiểm toán báo cáo tài chính năm 2024 cho thấy nhiều doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận giảm mạnh so với báo cáo tự lập trước đó. Thực trạng này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về chất lượng của các báo cáo tài chính do doanh nghiệp tự công bố.
Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2024 sau kiểm toán của Công ty CP Tập đoàn Hà Đô ghi nhận 447,2 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm hơn 300 tỷ đồng so với báo cáo tự lập. Ảnh: Thu Huyền
Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2024 sau kiểm toán của Công ty CP Tập đoàn Hà Đô ghi nhận 447,2 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm hơn 300 tỷ đồng so với báo cáo tự lập. Ảnh: Thu Huyền

Tại Công ty CP Tập đoàn Hà Đô (HDG), báo cáo tài chính hợp nhất năm 2024 tự lập ghi nhận lợi nhuận sau thuế 753 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số này sau kiểm toán đã giảm hơn 300 tỷ đồng, chỉ còn 447,2 tỷ đồng. Nguyên nhân chính là chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 93 tỷ đồng và chi phí khác tăng vọt 223 tỷ đồng sau kiểm toán. Trong đó, đáng chú ý là việc Hà Đô trích lập bổ sung khoản dự phòng phải trả ngắn hạn trị giá 209 tỷ đồng.

Liên quan đến khoản dự phòng này, báo cáo tài chính năm 2024 được kiểm toán của Hà Đô cho biết, 2 dự án điện mặt trời Hồng Phong 4 và Infra 1 của Công ty đang được Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện rà soát lại các điều kiện hưởng cơ chế giá điện. Việc này có thể ảnh hưởng đến giá bán điện mà Hà Đô đang được áp dụng.

Tương tự, Công ty CP Bất động sản Phát Đạt (PDR) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất năm 2024 đã kiểm toán (bởi Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam). Báo cáo cho thấy lợi nhuận sau thuế hợp nhất của Phát Đạt chỉ đạt 155,3 tỷ đồng, giảm 70% so với mức gần 523 tỷ đồng trên báo cáo tự lập.

Theo giải trình từ Phát Đạt, nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệch lớn này do Công ty đã thực hiện điều chỉnh doanh thu đã ghi nhận từ Dự án Khu dân cư kết hợp chỉnh trang đô thị Bắc Hà Thanh (Bình Định). Doanh thu từ dự án này được điều chỉnh từ mức 1.837 tỷ đồng trong báo cáo tự lập xuống chỉ còn 639 tỷ đồng sau kiểm toán (tương đương giảm 65,25%). Quyết định điều chỉnh này được Hội đồng quản trị Phát Đạt thông qua vào ngày 10/3/2025, dựa trên "nguyên tắc và tinh thần cẩn trọng" khi đánh giá lại kết quả kinh doanh năm tài chính 2024.

Sau kiểm toán báo cáo tài chính năm 2024, lợi nhuận sau thuế của Tổng công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS) cũng giảm từ 1.411,5 tỷ đồng xuống còn 1.254,6 tỷ đồng (tương đương 11,1%). Đồng thời, doanh thu thuần của PVS bị điều chỉnh giảm hơn 108,1 tỷ đồng, còn 23.769,8 tỷ đồng. Bên cạnh đó, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng từ 1.155,2 tỷ đồng lên 1.235,1 tỷ đồng, chủ yếu do tăng trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi thêm 85,3 tỷ đồng.

Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) ghi nhận lợi nhuận ròng hợp nhất năm 2024 sau kiểm toán là 1.211,3 tỷ đồng, giảm 134,6 tỷ đồng. Nguyên nhân là do chi phí phát sinh tăng thêm 258,2 tỷ đồng.

Một số doanh nghiệp khác cũng giảm mạnh lợi nhuận ròng sau kiểm toán như Công ty CP Chương Dương Corp giảm gần 20%, xuống còn 23,3 tỷ đồng; Công ty CP Sợi Thế Kỷ giảm 86%, xuống 12,4 tỷ đồng; Công ty CP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành giảm 51%, còn hơn 6 tỷ đồng; Công ty CP Năng lượng và Bất động sản Trường Thành giảm 32% xuống còn 2,78 tỷ đồng; Công ty CP Tập đoàn Danh Khôi từ lỗ 63 tỷ đồng thành lỗ 137 tỷ đồng; Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Phát triển đô thị Thăng Long lãi ròng giảm từ 18,9 tỷ đồng xuống còn 14,1 tỷ đồng…

Ở chiều hướng ngược lại, một số doanh nghiệp ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận sau kiểm toán như Công ty CP Cao su Sao Vàng tăng 21% lên 152 tỷ đồng. Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), sau kiểm toán lãi ròng tăng thêm 690 tỷ đồng, đạt 7.958 tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục