Luật về xử lý nợ xấu cần quy định rõ việc phối hợp giữa các bên có liên quan trong quá trình xử lý nợ xấu. Ảnh: Minh Dũng |
Đó là một số ý kiến góp ý cho việc xây dựng Luật Xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập (Ngân hàng Nhà nước đang kiến nghị xây dựng luật này).
Ngân hàng Nhà nước cho biết, sau gần 5 năm đi vào thực tiễn, các giải pháp nêu tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD đã tạo ra những chuyển biến tích cực trong công tác xử lý nợ xấu. Tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 của toàn hệ thống các TCTD đến 31/5/2021 là 425,4 nghìn tỷ đồng, giảm 3,4% so với cuối năm 2020. Lũy kế từ 15/8/2017 đến 31/5/2021, đã xử lý được 353,81 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42.
Tuy nhiên, việc kiểm soát tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các TCTD ở mức dưới 2% trong thời gian tới được coi là thách thức không nhỏ đối với ngành ngân hàng (cuối năm 2020, tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 1,69%). Do đó, tại Dự thảo Tờ trình của Chính phủ với Quốc hội về việc xem xét xây dựng luật về xử lý nợ xấu của các TCTD, Ngân hàng Nhà nước đề xuất kế thừa các quy định về xử lý nợ xấu còn phù hợp, đồng thời sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Nghị quyết số 42 mà thực tiễn triển khai trong thời gian qua gặp khó khăn, vướng mắc.
TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, còn nhiều nội dung cần bổ sung tại luật về xử lý nợ xấu để quá trình xử lý nợ xấu trong thời gian tới diễn ra thuận lợi và hiệu quả hơn.
Theo đó, sửa đổi quy định về việc thu giữ tài sản bảo đảm (TSBĐ) theo hướng TCTD có quyền thu giữ TSBĐ cho khoản nợ xấu mà không cần phải có thỏa thuận về việc bên nhận bảo đảm đồng ý cho TCTD có quyền thu giữ TSBĐ trong hợp đồng bảo đảm.
Ngoài ra, sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 8 Nghị quyết số 42 theo hướng bổ sung quy định cho phép áp dụng thủ tục rút gọn đối với các tranh chấp liên quan đến hợp đồng tín dụng có khoản nợ là nợ xấu; bổ sung quy định về việc hoàn trả TSBĐ là tang vật của các vụ việc hành chính.
TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, các nội dung được đề xuất sửa đổi đều là những điểm hạn chế tại Nghị quyết số 42, song vẫn còn nhiều nội dung cần bổ sung tại luật này để quá trình xử lý nợ xấu trong thời gian tới diễn ra thuận lợi và hiệu quả hơn. Đó là, quy định rõ về việc thẩm định giá của nợ xấu và TSBĐ; có lộ trình cụ thể về việc xây dựng và hình thành thị trường mua bán nợ bao gồm cả nợ xấu và nợ thường; quy định rõ về việc phối hợp giữa các bên có liên quan trong quá trình xử lý nợ xấu.
Theo luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, việc xây dựng luật về xử lý nợ xấu là cần thiết, nhưng cần mở rộng đối tượng áp dụng là nợ xấu của cả nền kinh tế chứ không chỉ nợ xấu của các TCTD, dù cách thức áp dụng với các nhóm đối tượng có thể không giống nhau, tuỳ theo đặc thù của khoản nợ xấu và tính chất đặc thù của các tổ chức, để bảo đảm nhất quán và công bằng trong quá trình xử lý nợ xấu. Hơn nữa, quá trình xử lý nợ xấu thời gian qua cho thấy có nhiều vướng mắc từ các văn bản pháp luật khác chứ không hẳn chỉ Nghị quyết số 42. Do đó, song song với việc xây dựng luật về xử lý nợ xấu, cần sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật có liên quan.