Luật PPP khó quá thì nhà đầu tư sẽ không tham gia

(BĐT) - “Nếu Luật PPP quá khó thì chúng tôi sẽ tư vấn cho khách hàng - những nhà đầu tư muốn làm ăn thực sự, tham gia vào các dự án theo hình thức đầu tư khác”. Một luật sư chia sẻ tại cuộc Tọa đàm Góp ý Dự thảo Luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) do Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức. 
Trong nhiều dự án BOT giao thông thời gian qua, các hợp đồng dự án có nội dung khá sơ sài, không đủ để bảo vệ quyền và lợi ích cũng như ràng buộc trách nhiệm của các bên. Ảnh: Lê Tiên
Trong nhiều dự án BOT giao thông thời gian qua, các hợp đồng dự án có nội dung khá sơ sài, không đủ để bảo vệ quyền và lợi ích cũng như ràng buộc trách nhiệm của các bên. Ảnh: Lê Tiên

Nhiều ý kiến khác nhấn mạnh, Luật PPP cần bảo vệ một cách có hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể liên quan.

Theo Luật sư Nguyễn Tiến Lập, thành viên Văn phòng luật NHQuang & Cộng sự, Trọng tài viên của VIAC, linh hồn của dự án PPP chính là các thoả thuận và hợp đồng giữa các bên liên quan. Các hợp đồng dự án là luật thực chất của dự án PPP, bởi khi có tranh chấp xảy ra thì cơ quan tài phán trước hết căn cứ vào các hợp đồng ấy và cơ quan nhà nước không được hưởng quyền miễn trừ tố tụng. Ông Nguyễn Tiến Lập cho rằng, vừa qua, trong nhiều dự án BOT giao thông, các hợp đồng dự án đã ký có nội dung khá sơ sài, không đủ để bảo vệ quyền và lợi ích cũng như ràng buộc trách nhiệm của các bên, tiềm ẩn nhiều rủi ro và gây khó cho khâu giải quyết tranh chấp. Việc ban hành luật về PPP cần khẳng định vị thế bình đẳng giữa các bên, quy định ràng buộc trách nhiệm của cơ quan nhà nước khi hợp tác với tư nhân.

Từ góc độ nhà đầu tư, ông Phạm Minh Đức - đại diện Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả, chia sẻ, một dự án PPP muốn đảm bảo chất lượng và đưa vào vận hành khai thác có hiệu quả thì vấn đề giám sát thực hiện hợp đồng dự án luôn phải được đặt ra và coi trọng cả từ hai phía trong hợp đồng. Để hoàn thành dự án thì việc giám sát thực hiện hợp đồng luôn phải xuất phát từ hai phía của hợp đồng, đảm bảo sự công bằng và quyền lợi của cả hai, đồng thời tránh được cơ chế xin - cho. Theo ông Phạm Minh Đức, quy định hiện hành chưa đề cập đến việc nhà đầu tư cũng có quyền giám sát việc thực hiện các nghĩa vụ của cơ quan ký hợp đồng trong hợp đồng dự án - một bên của hợp đồng dự án, mà mới quy định cơ quan nhà nước có thẩm quyền giám sát việc tuân thủ các nghĩa vụ của nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án theo quy định tại hợp đồng dự án.

Bà Vũ Quỳnh Lê, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ, Dự thảo Luật PPP được xây dựng với mục tiêu quan trọng là xây dựng khung pháp lý riêng biệt, rõ ràng, khoa học cho dự án PPP, xử lý các mâu thuẫn, khác biệt giữa các luật. Các quy định hướng đến thực hiện dự án PPP tuân thủ nguyên tắc thị trường, lấy lợi ích của người dân và nhà đầu tư làm trọng tâm, vừa thu hút tối đa nguồn lực của khu vực tư nhân vừa sử dụng hiệu quả nguồn lực của Nhà nước. Đảm bảo cơ chế thực hiện dự án, lựa chọn nhà đầu tư cạnh tranh, công khai, minh bạch, đơn giản, hiệu quả…

Dự kiến, Dự thảo Luật PPP sẽ được Quốc hội thảo luận và xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.

Ngoài ra, đại diện Tập đoàn Đèo Cả cho rằng, việc thực hiện nghĩa vụ một bên trong hợp đồng dự án của cơ quan ký hợp đồng chưa được đảm bảo một cách nghiêm túc theo quy định của hợp đồng dự án. Ví dụ như việc phối hợp với nhà đầu tư điều chỉnh dự án khi có những biến động của tình hình kinh tế, xã hội, chính sách pháp luật… Hiện doanh nghiệp dự án đang phải thực hiện những điều chỉnh đó với cơ quan nhà nước có thẩm quyền như cơ chế xin - cho mà không phải cơ chế đàm phán, phối hợp giải quyết vấn đề. 

Luật sư Lê Đình Vinh, Giám đốc Công ty Luật Vietthink, Trọng tài viên VIAC thì băn khoăn về cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu tại Dự thảo Luật. Ông cho rằng dường như phần thiệt thòi hơn vẫn thuộc về các nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án. Phân tích Dự thảo Luật, ông Vinh cho rằng, mức doanh thu mà nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án chia sẻ với Nhà nước trong trường hợp tăng doanh thu cao hơn so với mức chia sẻ của Nhà nước với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án trong trường hợp giảm doanh thu. Ngoài ra, trong khi cơ chế Nhà nước chia sẻ phần giảm doanh thu với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án chỉ được áp dụng với những dự án PPP đáp ứng đầy đủ một số điều kiện nhất định (khoản 2 Điều 83) thì cơ chế nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án chia sẻ phần tăng doanh thu với Nhà nước lại áp dụng đối với mọi dự án PPP một cách vô điều kiện.

Ông Lê Đình Vinh khuyến nghị, để đảm bảo sự công bằng thì cơ chế chia sẻ phần tăng doanh thu với Nhà nước cũng chỉ nên áp dụng với một số dự án PPP khi thỏa mãn những điều kiện nhất định, tương tự trường hợp áp dụng cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu. Theo ông Vinh, sự chia sẻ nếu có trong trường hợp giảm thu thực chất không phải là cho nhà đầu tư, mà là chia sẻ rủi ro cho người thụ hưởng, cho bên cấp vốn.