Luật PPP phải cởi mở, khó quá nhà đầu tư không dám làm

(BĐT) - Quy định của Luật phải cởi mở, đối tác công tư là phải tôn trọng, phải coi sở hữu tư nhân là một trong những động lực để phát triển đất nước. Có khi ta quy định chặt quá thành ra còn khó hơn các luật khác, nhà đầu tư không dám làm, nhất là vào những vùng sâu, vùng xa, những công trình trọng điểm.

Chia sẻ rủi ro là một vấn đề mang tính cởi mở của Nhà nước đối với sở hữu tư nhân
Ảnh: Internet
Chia sẻ rủi ro là một vấn đề mang tính cởi mở của Nhà nước đối với sở hữu tư nhân Ảnh: Internet

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu quan điểm về Dự án Luật PPP được Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần 2 ngày 20/4 tại Phiên họp thứ 44.

Từ góc độ cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng ngay từ quy định về áp dụng Luật phải có cam kết để nhà đầu tư yên tâm. Cụ thể, Bộ KH&ĐT đề nghị giữ quy định nội dung khoản 2 Điều 3 tại dự thảo Luật: Trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật này và các luật khác về trình tự, thủ tục đầu tư, thực hiện dự án PPP; hoạt động của doanh nghiệp dự án PPP; pháp luật điều chỉnh hợp đồng dự án PPP; bảo đảm đầu tư; cơ chế quản lý vốn nhà nước áp dụng trực tiếp cho dự án PPP thì thực hiện theo quy định của Luật này.

Quy định này theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhằm tạo hành lang pháp lý đủ mạnh để bảo đảm các bên tham gia thực hiện đúng nghĩa vụ hợp đồng, ổn định lâu dài trong thời hạn hợp đồng dự án PPP. Đồng thời thể hiện cam kết của Nhà nước về mặt pháp lý đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tạo sự yên tâm cho nhà đầu tư khi tham gia cùng Nhà nước đầu tư vào các dự án PPP.

Về cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu – một trong những vấn đề được nhà đầu tư rất kỳ vọng để yên tâm tham gia dự án PPP, các ý kiến tại cuộc họp thể hiện sự đồng tình cao.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng lấy ví dụ về chia sẻ rủi ro cũng là một vấn đề mang tính cởi mở của Nhà nước đối với sở hữu tư nhân, từ đó mới phát huy được trong thực tiễn.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định, Thường vụ đồng tình có cơ chế chia sẻ rủi ro, cho đây là một hướng mới. “Mặc dù còn nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí tôi biết có bộ người ta bảo đã làm thì phải chịu trách nhiệm rủi ro chứ tại sao lại nhà nước. Tuy nhiên, đây là một phương án cởi mở để có thể thu hút được các nhà đầu tư”, ông Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh. 

Về vấn đề Kiểm toán nhà nước, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, tiếp thu ý kiến của Thường vụ Quốc hội tại Phiên hợp thứ 43, Dự thảo Luật đã hoàn thiện theo hướng Kiểm toán nhà nước sẽ kiểm toán ngay từ khâu đầu tiên, đó là việc tuân thủ các quy trình chuẩn bị dự án và kết quả lựa chọn nhà đầu tư. Thứ hai là kiểm toán bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư, hỗ trợ xây dựng công trình cơ sở hạ tầng, tức là phần của nhà nước mà hỗ trợ vào, khi được tách ra thành các dự án thành phần thì phải kiểm toán lại hết. Thứ ba, kiểm toán hoạt động để đánh giá tính hiệu quả và chỉ số đánh giá chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Thứ tư, kiểm toán khi chuyển giao cho nhà nước toàn bộ giá trị tài sản.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, quy định này đảm bảo rất chặt chẽ về mặt hình thành đầu tư, hình thành tài sản công, tuân thủ quy định Kiểm toán Nhà nước chỉ kiểm toán tài sản công, tài chính công thuộc trách nhiệm của cơ quan kiểm toán nhà nước, ở các giai đoạn phù hợp. “Tuy nhiên, cá nhân tôi rất phân vân, vì hiện nay chúng ta thiết kế 4 giai đoạn của kiểm toán như thế này thì e rằng quá chặt chẽ và phức tạp. Chúng ta chỉ đóng góp phần giải phóng mặt bằng vào dự án nhưng chúng ta vào 4 giai đoạn của kiểm toán như thế này thì e rằng các nhà đầu tư rất ái ngại khi tham gia đầu tư cùng chúng ta”, Bộ trưởng chia sẻ.

Ông Uông Chu Lưu tán thành các giai đoạn kiểm toán như Dự thảo Luật, ủng hộ quan điểm kiểm toán phải vào ngay từ khâu chuẩn bị dự án đầu tư, phải biết dự án đầu tư công này có hiệu quả kinh tế hay không, có cần thiết nằm trong quy hoạch hay không, quy trình, chọn nhà đầu tư thế nào.

Sau các ý kiến, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ phải kiểm toán, nhưng cần rà lại khi nào kiểm toán, kiểm toán khâu nào.

* Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng:

Việc có Luật về PPP là cần thiết, nhưng đây là một luật khó và mới, không cầu toàn được hết vì thực tiễn nó còn đang phát triển. Nếu quyết tâm cố gắng tại kỳ họp thứ 9 thông qua được là tốt, để có một căn cứ pháp lý tạo điều kiện cho nhà đầu tư sau này làm ăn, cởi mở hơn để chúng ta huy động được vốn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu:

Tôi rất mừng nếu như luật này được Quốc hội thông qua tại kỳ họp tới đây, bởi vì công tư chúng ta làm bấy lâu nay rồi chứ không phải bây giờ mới làm, nhưng cũng vì ta chưa có một cơ sở pháp lý cao là luật cho nên trong quá trình tổ chức thực hiện dẫn đến có những sai sót, có những điểm chưa đáp ứng được yêu cầu.

Tin cùng chuyên mục