Việc ban hành Luật PPP sẽ giúp các nhà đầu an tâm hơn khi đầu tư vào các dự án PPP |
Theo ông Phan Xuân Dương, Phó Giám đốc Công ty CP Năng lượng Vĩnh Tân 3, đây là bước tiến quan trọng của Việt Nam nhằm tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy khu vực ngoài nhà nước tham gia phát triển kinh tế đất nước.
Là một nhà đầu tư, ông đánh giá như thế nào về sự cần thiết phải nâng cấp các quy định về đầu tư PPP hiện hành thành Luật?
Đây là bước tiến mới trong việc hoàn thiện thể chế, chính sách đối với hoạt động đầu tư PPP. Luật PPP không những là một khung pháp lý cơ sở cho các nhà đầu tư trong nước mà còn đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài.
Hiện nay, các nhà đầu tư tư nhân được kêu gọi đầu tư trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là các dự án kết cấu hạ tầng thì việc tạo ra một khuôn khổ pháp lý cao nhất được Quốc hội thông qua đã trở nên cấp thiết. Nó là kết quả của quá trình vừa ban hành các văn bản pháp luật, vừa đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm qua thực tế từ Nghị định (NĐ) 77/1997/NĐ-CP, NĐ 62/1998/NĐ-CP, NĐ 78/2007/NĐ-CP đến NĐ 15/2015/NĐ-CP, NĐ 63/2018/NĐ-CP và nay đang trở thành Luật. Qua mỗi NĐ được ban hành, có nhiều bước tiến mới về đầu tư tư nhân đáng được ghi nhận.
Điều kỳ vọng nhất của nhà đầu tư tư nhân trong các dự án PPP là quan hệ giữa hai bên trong hợp đồng cần được rõ ràng, công bằng với cơ quan nhà nước được ủy quyền. Điểm khó phân định và hành động thực hiện là vai trò của cơ quan nhà nước được ủy quyền và cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quá trình xây dựng và thực hiện hợp đồng PPP.
Thực tế là một cơ quan nhà nước được chỉ định để chuẩn bị đầu tư xây dựng và lựa chọn nhà đầu tư nhưng khi ký hợp đồng PPP thì họ lại là một đối tác với nhà đầu tư tư nhân. Khi đó, liệu có thể kiểm soát được sự công bằng, minh bạch của cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ khi lập hồ sơ lựa chọn nhà đầu tư và dự thảo hợp đồng PPP? Liệu vai trò của cơ quan nhà nước có thẩm quyền có lấn át, nhầm lẫn với cơ quan nhà nước được ủy quyền trong giai đoạn thương thảo hợp đồng? Liệu có đảm bảo trong quá trình thực hiện dự án thì cơ quan nhà nước được ủy quyền lại thay đổi vai của mình thành cơ quan nhà nước có thẩm quyền?...
Một vấn đề khác là phần tham gia của Nhà nước trong các dự án PPP cần được quy định như thế nào để nhà đầu tư tư nhân không thấy lo ngại vì sự tham gia, kiểm tra, thanh tra của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền vào hoạt động kinh doanh của họ. Đây là vấn đề khiến các nhà đầu tư rất lo.
Với việc nâng cấp quy định về PPP, ông kỳ vọng gì về Luật này? Theo ông, khi Luật được ban hành, khu vực tư nhân sẽ phát triển bứt phá như thế nào?
Trước hết, việc ban hành Luật PPP sẽ chứng minh với các nhà đầu tư trong và ngoài nước rằng hoạt động đầu tư tư nhân đã được bảo đảm về luật. Họ sẽ cảm thấy an tâm hơn khi đầu tư vào các dự án PPP và họ sẽ quan tâm hơn. Dự thảo Luật lần này đã đề cập đến nhiều vấn đề cốt lõi như bảo lãnh của Nhà nước, về trách nhiệm của các bên, về xử lý các tình huống trong trường hợp bất khả kháng phi chính phủ, về quyền thế chấp tài sản và quyền sử dụng đất, về sự tham gia của bên cho vay…
Tuy nhiên, tôi cho rằng, “trào lưu” đầu tư của khu vực tư nhân sẽ có độ trễ hơn một chút. Họ sẽ chờ đợi các văn bản hướng dẫn dưới luật và nhất là sự thay đổi về quan điểm, nhận thức và thái độ của đối tác trong hợp đồng với họ.
Xin cám ơn ông!