Lực đẩy nào để phát triển công trình xanh?

(BĐT) - Phát triển công trình xanh đang là bước đi cần thiết cho sự phát triển bền vững của TP.HCM, nhưng muốn hiệu quả thì cần “lực đẩy” đủ mạnh và đồng bộ.
So với các thành phố ở các nước lân cận, số công trình xanh tại TP.HCM hiện còn rất ít. Ảnh: Nhã Chi
So với các thành phố ở các nước lân cận, số công trình xanh tại TP.HCM hiện còn rất ít. Ảnh: Nhã Chi

Cần khuyến khích đầu tư

Giới quy hoạch kiến trúc cho rằng, số lượng các công trình xanh tại TP.HCM vẫn còn khá khiêm nhường so với các thành phố lân cận trong khu vực như Bangkok, Kuala Lumpur và cả với Phnom Penh. Trong khi đó, phát triển công trình xanh không chỉ là chiến lược quốc gia, mà đang là xu thế chung của thế giới nhằm mang lại lợi ích to lớn về kinh tế - xã hội - môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu chất thải, ô nhiễm môi trường, giảm thiểu khí thải nhà kính và quảng bá được hình ảnh đô thị.

Hơn nữa, số các dự án đã và sẽ đạt chứng nhận xanh tại TP.HCM có rất ít dự án là của các chủ đầu tư trong nước. Hiện nay, công trình xanh ở Thành phố chủ yếu được phát triển nhờ vào lực lượng nhà đầu tư nước ngoài có nhận thức tốt về môi trường.

Tại một hội nghị về quy hoạch kiến trúc gần đây ở TP.HCM, nhóm nghiên cứu của KTS Trần Khánh Trung và TS.KTS Lê Thị Hồng Na cùng CLB Kiến trúc xanh TP.HCM cho rằng, để thúc đẩy phát triển kiến trúc xanh tại TP.HCM thì vai trò quan trọng nhất vẫn là từ các cơ quan quản lý nhà nước. Chính quyền của Thành phố cần mạnh dạn trực tiếp đầu tư các dự án xanh thí điểm.

Các dự án sử dụng vốn ngân sách khi sử dụng tiêu chí xanh thì gặp khó trong khâu duyệt giá do có nhiều hạng mục khác biệt không áp dụng đơn giá chuẩn theo quy định

Theo đó, có thể sử dụng ngân sách của Thành phố để đầu tư các công trình xanh mẫu theo nhiều thể loại như nhà ở, công trình công cộng, nhất là cải tạo công trình hiện hữu thành công trình xanh. Chính các dự án này sẽ là những hình mẫu để thuyết phục cộng đồng, các nhà đầu tư noi theo.

Nhóm nghiên cứu của KTS Trần Khánh Trung và TS.KTS Lê Thị Hồng Na nhận định, để thuyết phục các nhà đầu tư quyết định theo đuổi các dự án xanh thì Thành phố cần xây dựng các chính sách khuyến khích đầu tư, tạo ra các ưu đãi về nhiều mặt cho các nhà đầu tư khi quyết định đăng ký đầu tư các dự án xanh.

Chẳng hạn như ưu đãi về thuế khi xây dựng cũng như vận hành, ưu đãi về lãi suất vay ngân hàng... Các dự án xanh cần được ưu tiên trong thủ tục phê duyệt, cấp phép xây dựng, thủ tục hoàn công và cấp phép hoạt động. Hơn nữa, các dự án này sẽ được tăng mật độ xây dựng, tăng hệ số sử dụng đất hoặc số tầng cao…

Tuy nhiên, các ưu đãi cần được nghiên cứu sao cho cơ quan quản lý có thể chế tài được khi chủ đầu tư không theo đuổi dự án xanh đến cùng.

Ngoài ra, theo giới quy hoạch kiến trúc, một hình thức khuyến khích khác cho phát triển công trình xanh chính là đưa ra các quy định bắt buộc tất cả các dự án vốn ngân sách phải đáp ứng các tiêu chí xanh.

Cần tháo gỡ các trở ngại

Có một số trở ngại cho các công trình xanh là các dự án sử dụng vốn ngân sách khi sử dụng tiêu chí xanh thì gặp khó trong khâu duyệt giá do có nhiều hạng mục khác biệt không áp dụng đơn giá chuẩn theo quy định.

Đơn cử như đơn giá cho tư vấn xanh, thiết kế mô phỏng năng lượng, cho chi phí cấp chứng nhận xanh hiện chưa có trong định mức xây dựng cơ bản khiến các dự án xanh sử dụng vốn ngân sách sẽ gặp khó khăn.

Cho nên, theo nhiều ý kiến đề xuất thì Thành phố cần sớm bổ sung các định mức đơn giá cho các chi phí phù hợp với dự án xanh, sao cho việc thực hiện công trình xanh theo đơn giá của nhà nước không còn gặp trở ngại.

Một vấn đề khác đang được đặt ra là để đáp ứng nhu cầu phát triển công trình xanh thì việc đầu tư kết cấu hạ tầng là cực kỳ quan trọng. Hạ tầng tốt sẽ là nền tảng để các công trình xanh phát triển.

Cũng theo KTS Trần Khánh Trung, điều đó đòi hỏi cần có các giải pháp từ chính quyền TP.HCM nhằm đáp ứng được mạng lưới giao thông công cộng đều khắp để khuyến khích người dân sử dụng phương tiện vận chuyển công cộng thay cho phương tiện cá nhân, giúp công trình xanh mang lại hiệu quả cho cộng đồng.

Mặt khác, để các công trình xanh có thể tạo ra nhiều năng lượng tái tạo như pin mặt trời, quạt gió thì hệ thống lưới điện của Thành phố phải đáp ứng được việc tiếp nhận hoà mạng các lưới điện dôi ra từ hệ thống này nhằm nâng cao hiệu quả năng lượng thực tế, giảm áp lực cho ngành điện.

Ngay như hệ thống cấp thoát nước của Thành phố cũng cần nâng cấp để đáp ứng các tiêu chuẩn tối thiểu. TP.HCM cũng cần sớm đầu tư các hệ thống thu gom, phân loại, xử lý rác, tái chế có hiệu quả. Đồng thời, xây dựng các quy chuẩn, quy phạm tiếp cận với tiêu chuẩn quốc tế và thống nhất hệ thống đánh giá công trình xanh.

Ngoài ra, Thành phố cũng cần sớm lựa chọn một cơ quan chủ chốt, có đủ năng lực để chịu trách nhiệm chính trong việc điều phối sự phát triển công trình xanh trong tương lai gần.

Tin cùng chuyên mục