Nhiều dự án FDI có quy mô vốn lớn đang bước vào giai đoạn giải ngân. Ảnh: Chiến Thắng |
Đạt nhiều kết quả khả quan
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, từ đầu năm đến ngày 20/06/2016, cả nước có 1.145 dự án FDI mới với tổng vốn đăng ký là 7,497 tỷ USD, tăng 95,3% so với cùng kỳ năm 2015; có 535 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn tăng thêm là 3,787 tỷ USD, tăng 129% so với cùng kỳ năm 2015. Tính chung 6 tháng đầu năm 2016, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 11,284 tỷ USD, tăng 105,4% so với cùng kỳ năm 2015.
Về kết quả giải ngân, ước tính các dự án FDI đã giải ngân được 7,25 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2015. Đây là mức tăng ấn tượng, vượt dự báo của nhiều chuyên gia vào thời điểm đầu năm.
Về lĩnh vực, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với 488 dự án mới và 405 lượt dự án điều chỉnh vốn, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 8,06 tỷ USD, chiếm 71,4% tổng vốn đầu tư đăng ký trong 6 tháng. Đứng thứ hai là bất động sản với 25 dự án cấp mới, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 604,8 triệu USD, chiếm 5,3% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ đứng thứ 3 với 562,3 triệu USD, chiếm 4,9% tổng vốn đầu tư…
Trong tháng 6, Hàn Quốc dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký mới và tăng thêm là 3,99 tỷ USD, chiếm 35,37% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Nhật Bản đứng vị trí thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,229 tỷ USD, chiếm 10,8% tổng vốn đầu tư đăng ký; Singapore đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,129 tỷ USD, chiếm 10% tổng vốn đầu tư.
Cộng hưởng nhiều tác động tích cực
Lý do thứ hai là kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng tốt hơn, môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam nhìn chung được cải thiện đã tạo động lực, niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài giải ngân vốn mạnh hơn.
Thứ ba, trong những năm vừa rồi, đặc biệt là năm 2016, Chính phủ, Bộ KH&ĐT cùng các bộ, ngành, địa phương đã quán triệt tinh thần xúc tiến đầu tư tại chỗ, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp FDI. Điều này góp phần thúc đẩy các dự án FDI đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư giải ngân mạnh hơn.
Ngoài ra, ông Đặng Xuân Quang cho biết, việc thu hút FDI tăng mạnh còn có thể lý giải là do việc nhà đầu tư nước ngoài đón đợi các cơ hội lớn mang lại từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam tham gia sắp có hiệu lực.
“Với kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm, chúng ta hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu đề ra, thậm chí có khả năng còn tăng mạnh hơn nữa. Mức giải ngân vốn FDI tăng 16 - 16,5% so với cùng kỳ năm 2015 là có thể đạt được, thậm chí có thể đạt kết quả tốt hơn với mức 17%” - ông Đặng Xuân Quang dự báo.