Thực tế 8 năm qua, vẫn có trường hợp ngân hàng duy nhất được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp phép hoạt động, đó là Ngân hàng Public Bank Perhad (Malaysia) tại Việt Nam, được cấp phép ngày 24/3/2016. Tuy nhiên, đây không phải là ngân hàng mới đặt chân vào Việt Nam. Tiền thân của ngân hàng này là Ngân hàng liên doanh VID Public, thành lập tại Việt Nam từ năm 1991, với 50% vốn góp của BIDV và 50% vốn góp của Public Bank Perhad.
Trong khi đó, rất nhiều ngân hàng ngoại khác đến giờ vẫn chưa được cấp phép thành lập, trong đó có Ngân hàng UOB của Singapore. Đối với các ngân hàng trong nước, giấy phép được cấp gần đây nhất là TPBank, từ năm 2008.
Trong quá khứ, việc hàng loạt ngân hàng nông thôn được cấp phép lên thành thị, nhanh chóng lớn mạnh bằng vốn ảo, với những hệ lụy kéo dài đến tận ngày nay là nguyên nhân khiến NHNN soi rất kỹ điều kiện thành lập ngân hàng mới. Chưa kể, trong nước cũng không có nhiều nhà đầu tư mới có tiềm lực tài chính lẫn kinh nghiệm quản trị để thành lập ngân hàng mới.
Điều kiện thành lập ngân hàng mới rất khắt khe ở Việt Nam thời gian qua khiến một số ngân hàng yếu trở nên “có giá” khi khách tới hỏi thăm nườm nượp. Ví như trường hợp GPBank, trước khi bị NHNN mua lại với giá 0 đồng, nhà đầu tư UOB đã quyết tâm mua lại, với mục đích là có được tờ giấy phép hoạt động tại Việt Nam.
Hiện 9 ngân hàng yếu kém nhất hệ thống đã được NHNN “dọn dẹp”, song ngoại trừ TPBank có sự bứt phá ngoạn mục, hầu hết các ngân hàng khác đang chật vật tìm cách tồn tại. Ngoài 9 ngân hàng này, một số ngân hàng khác tiếp tục rơi vào danh sách yếu kém, thậm chí cả một số ngân hàng đã có thời nổi danh.
Để đẩy mạnh quá trình tái cấu trúc ngành ngân hàng, trong Nghị định 01/2014/NĐ-CP, Chính phủ đã quy định, trong trường hợp đặc biệt, để thực hiện cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém, room sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài có thể được nới vượt mức giới hạn 30% hiện nay, con số cụ thể sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Tuy nhiên, gần 2 năm qua, chưa có trường hợp nào được nới room chính thức.
Hiện tại, duy nhất Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đã được chấp thuận về nguyên tắc việc được nâng room lên trên 50% cho đối tác nước ngoài thông qua phương án phát hành hơn 170 triệu cổ phiếu riêng lẻ và đang trong quá trình tìm kiếm đối tác.
Đại diện một số công ty như EY, Deloitte cho hay, họ thường xuyên nhận được đề nghị tìm hiểu cơ hội đầu tư vào hệ thống ngân hàng của Việt Nam. Tuy nhiên, khi tìm hiểu sâu hơn, nhà đầu tư lại không mấy mặn mà.
Theo một chuyên gia trong giới tài chính, giá trị lớn nhất của một ngân hàng yếu hiện nay là giấy phép, song nếu giấy phép này bán quá đắt, nhà đầu tư cũng phải tính lại. Đơn cử, UOB từng nuôi tham vọng mua 100% vốn một ngân hàng Việt Nam, song sau đó đã tìm đường rút lui, dù chi phí và thời gian đã bỏ ra không ít.
Diễn đàn M&A Việt Nam 2016 với chủ đề: “M&A trong không gian kinh tế mở” do Báo Đầu tư và AVM Việt Nam tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ diễn ra ngày 18/8 tại Trung tâm Hội nghị Riverside Palace (360D Bến Vân Đồn, quận 4, TP.HCM).
Diễn đàn sẽ tập trung đánh giá tác động của các khu vực kinh tế chung tới thị trường M&A, các cơ hội và thách thức trong việc thu hút nguồn vốn mới; các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đón làn sóng đầu tư mới này; đánh giá và dự báo về xu hướng M&A trong các lĩnh vực sôi động nhất hiện nay như: ngân hàng, tài chính, thực phẩm, tiêu dùng nhanh, công nghệ và thương mại điện tử.
Ngoài Diễn đàn chính, Chương trình kết nối đầu tư sẽ được tổ chức nhằm thúc đẩy hoạt động M&A của doanh nghiệp và các hoạt động thường niên như Bình chọn thương vụ M&A tiêu biểu, Đặc san toàn cảnh M&A Việt Nam…