Mặt bằng “ngáng” tiến độ các dự án điện

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hàng chục dự án điện tái tạo được triển khai ở các tỉnh miền Tây cùng nhiều dự án điện khác trên cả nước đang bị chậm tiến độ hoặc hoàn thành nhưng có nguy cơ không thể giải tỏa được công suất. Nguyên nhân chính của tình trạng này vẫn là chậm giải phóng mặt bằng.
Dự án Đường dây 500 kV mạch 3 tiếp tục chậm tiến độ do vướng mắc về mặt bằng. Ảnh: Tường Lâm
Dự án Đường dây 500 kV mạch 3 tiếp tục chậm tiến độ do vướng mắc về mặt bằng. Ảnh: Tường Lâm

Trao đổi với Báo Đấu thầu, đại diện Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung thuộc Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia cho biết, nhiều dự án lưới điện do Ban quản lý đang bị cản trở tiến độ do thiếu mặt bằng triển khai.

Điển hình là Dự án Đường dây 500 kV mạch 3 - một trong những dự án cấp bách, có vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm cung cấp điện cho đất nước nói chung và khu vực miền Nam nói riêng giai đoạn từ năm 2020 trở đi - đến nay vẫn tiếp tục lỗi hẹn.

Theo kế hoạch ban đầu, Dự án sẽ được đưa vào hoạt động từ giữa năm 2020. Tuy nhiên, do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng tại các địa phương nơi Dự án đi qua chậm được tháo gỡ cùng với những tác động bất lợi của đại dịch Covid-19, EVN đề xuất và được Chính phủ đồng ý lùi thời gian hoàn thành Dự án đến tháng 12/2020. Tuy vậy, hiện đã là giữa tháng 3/2021 nhưng “nút thắt” về mặt bằng của Dự án vẫn chưa được tháo gỡ hết.

“Về phần móng cột, đến nay, mới chỉ có 2 tỉnh (Gia Lai, Kon Tum) nơi Dự án đi qua hoàn thành giải phóng mặt bằng để thi công hành lang tuyến, các tỉnh còn lại vẫn “tắc”. Cụ thể, tỉnh Quảng Nam còn 22 vị trí móng; Hà Tĩnh còn 11 vị trí móng; Quảng Bình còn 2 vị trí móng chưa được bàn giao”, đại diện Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung cho biết.

Theo tính toán của đại diện Ban Kế hoạch - Đầu tư thuộc Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung, dự án có mặt bằng thi công thì khoảng 6 tháng sau đơn vị truyền tải hoàn thành lưới. Như vậy, nếu việc giải phóng mặt bằng nơi Dự án Đường dây 500 kV mạch 3 đi qua thuận lợi thì cũng phải hết tháng 9/2021, Dự án mới có thể đóng điện.

Tình trạng thiếu mặt bằng thi công tại Dự án Đường dây 220 kV Lao Bảo - Đông Hà và Trạm biến áp 220 kV Lao Bảo cũng là nguyên nhân khiến dự án này đến nay vẫn chưa hoàn tất xây dựng. Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung cho biết, hiện 25 vị trí cột của Dự án chưa có mặt bằng để lắp dựng cột. Chính điều này khiến các nhà đầu tư dự án điện tái tạo trên địa bàn như “ngồi trên đống lửa” vì lo giải tỏa công suất. Một số dự án điện tái tạo (điện gió) đang triển khai trên địa bàn dự kiến sẽ hoàn thành đầu tư vào tháng 11/2021, trong khi khả năng dự án lưới điện về đích trước thời điểm tháng 11/2021 để kịp cho các dự án nguồn điện tái tạo phát lên lưới là cực kỳ khó khăn.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Hữu Vinh, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Hà Đô cho biết, khó khăn về mặt bằng thi công đối với Dự án Thủy điện Sông Tranh 4 (xã Quế Lưu và xã Phương Thăng - huyện Hiệp Đức - tỉnh Quảng Nam) cũng khiến Công ty (chủ đầu tư) thiệt đơn, thiệt kép. So với kế hoạch, Dự án đang chậm tiến độ 7 tháng, thiệt hại ước tính khoảng 200 tỷ đồng. Dự án Thủy điện Sông Tranh 4 có tổng mức đầu tư 1.700 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào quý II/2020 nhưng đến nay vẫn chưa thể về đích.

Chung câu chuyện về mặt bằng, cuối tuần trước, lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu đã có chuyến khảo sát thực tế và làm việc với các chủ đầu tư dự án điện trên địa bàn để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án điện gió. Tại buổi làm việc, chủ đầu tư Dự án Nhà máy Điện gió Kosy Bạc Liêu giai đoạn 1; Dự án Nhà máy Điện gió Hòa Bình 5 - giai đoạn 1… cũng cho biết đang bị mặt bằng “ngáng chân” tiến độ.

Nêu giải pháp cho vấn đề này, một số chuyên gia cho rằng, các nhà đầu tư điện gió phải thống nhất phương án về giá bồi thường cho dân trong giải phóng mặt bằng.

Nhằm tháo gỡ khó khăn về mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ các dự án điện, đặc biệt là các dự án lưới điện, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia đã có văn bản đề nghị chính quyền các địa phương tạo điều kiện cho Tổng công ty trong công tác thỏa thuận vị trí trạm và hướng tuyến các đường dây truyền tải điện phục vụ truyền tải công suất các dự án; hỗ trợ trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng đối với các dự án cấp bách phục vụ truyền tải công suất các dự án điện…

Tin cùng chuyên mục