Nhiều dự án điện “ách tắc” mặt bằng do vướng mắc về chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, do người dân không nhận tiền bồi thường… Ảnh minh họa: T.Hiếu |
Bất cập từ thực tiễn
Cập nhật về tiến độ Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I, Ban Quản lý dự án điện 2 thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, hiện việc triển khai Dự án gặp một số khó khăn, vướng mắc do nhà thầu EPC chưa được bàn giao mặt bằng một số khu vực thuộc địa phận các xã Quảng Hợp, Quảng Châu, Quảng Kim, Quảng Phú, Quảng Đông và Khu kinh tế Hòn La (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình).
Tại cuộc làm việc với Đoàn công tác của lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Bình ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Ban Quản lý dự án điện 2 kiến nghị Tỉnh chỉ đạo đẩy nhanh công tác xử lý các tồn tại về bồi thường giải phóng mặt bằng để bàn giao mặt bằng các hạng mục của Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I cho nhà thầu EPC.
Hợp đồng Gói thầu EPC có giá trị hơn 30 nghìn tỷ đồng thuộc Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I được Ban Quản lý dự án điện 2 (đại diện Chủ đầu tư - EVN) ký kết với Liên danh Mitsubishi Corporation - Hyundai Engineering & Construction - Tổng công ty Xây dựng số 1 giữa tháng 6/2021. Ngay sau khi ký kết hợp đồng, công tác triển khai Gói thầu đã được các bên khẩn trương thực hiện. Tuy nhiên, đến thời điểm này, việc thực hiện hợp đồng vẫn gặp vướng mắc liên quan đến mặt bằng, cần được tháo gỡ để đẩy nhanh tiến độ.
Thông tin về tiến độ Dự án Thủy điện Ialy mở rộng, nguồn tin của Báo Đấu thầu chia sẻ, Dự án có nguy cơ chậm tiến độ do vướng mắc về chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng tại tỉnh Gia Lai. Hiện chủ trương chuyển đổi mục đích đất rừng tự nhiên để thực hiện Dự án đã được cấp thẩm quyền chấp thuận, tuy nhiên, Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 chưa được phê duyệt nên việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang mục đích xây dựng công trình điện gặp khó khăn.
Không chỉ các dự án nguồn điện gặp khó về tiến độ do “ách tắc” mặt bằng, mà nhiều đơn vị ngành điện cho biết, tiến độ thực hiện dự án truyền tải điện cũng gặp khó. Đơn cử như Dự án Trạm cắt 220 kV Đăk Ooc và đường dây 220 kV đấu nối từ Nhà máy Thủy điện Nam Emoun (Lào) vào hệ thống điện Việt Nam, hiện tiến độ Dự án chậm khoảng 3 tháng so với kế hoạch. “Còn 23 vị trí móng liên quan đến việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên để thực hiện Dự án chưa được cấp thẩm quyền cho ý kiến”, nguồn tin của Báo Đấu thầu chia sẻ.
EVN kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương hỗ trợ EVN và các đơn vị giải quyết vướng mắc liên quan đến công tác chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng và bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án điện.
Bên cạnh đó, tiến độ Dự án Đường dây 110 kV Phước Thái - Phước Hữu và Phước Thái - Phước Hữu ĐL1 cũng chậm khoảng 3 tháng do vướng 9/33 vị trí móng, lý do là các hộ dân chưa nhận tiền bồi thường giải phóng mặt bằng; Dự án Trạm biến áp 220 kV Vĩnh Hảo và đường dây đấu nối hiện còn 4/6 vị trí móng người dân không nhận tiền bồi thường giải phóng mặt bằng…
Đề cập về “nút thắt” này, Báo cáo tình hình thực hiện công tác đấu thầu năm 2022 của EVN chỉ ra, mặt bằng vẫn là vấn đề nhức nhối với các dự án điện. Một số gói thầu đã lựa chọn được nhà thầu nhưng công tác giải phóng mặt bằng chậm dẫn đến không thể thi công theo đúng tiến độ hoặc nhà thầu trúng thầu đề nghị chấm dứt hợp đồng, phải tổ chức đấu thầu lại làm tăng thời gian thi công và dự toán gói thầu…
Cần tạo điều kiện cho nhà thầu thi công công trình
EVN cho biết, một trong những mục tiêu quan trọng của Tập đoàn trong năm 2023 là đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân; đảm bảo tiến độ đầu tư các dự án nguồn và lưới điện. Trước thực trạng không ít dự án có nguy cơ chậm tiến độ do “nút thắt” mặt bằng, EVN kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương hỗ trợ EVN và các đơn vị giải quyết vướng mắc liên quan đến công tác chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng và bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án điện.
Đại diện Ban Quản lý dự án điện 2 đề nghị: “Căn cứ vào tình hình vướng mắc cụ thể tại từng dự án, chúng tôi mong muốn các cấp chính quyền, người dân, EVN tạo điều kiện thuận lợi nhất để công tác giải phóng mặt bằng triển khai thực hiện các dự án điện hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo cung ứng điện cho phát triển”.
Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) cho biết, năm 2023, tổng giá trị đầu tư xây dựng của Tổng công ty là hơn 19.000 tỷ đồng, trong đó, EVNNPT phấn đấu khởi công 35 dự án, hoàn thành và đưa vào vận hành 44 dự án lưới điện.
Để làm tốt công tác mặt bằng, dọn đường hoàn thành kế hoạch này, ông Phạm Lê Phú, Tổng giám đốc EVNNPT cho hay, Tổng công ty sẽ thực hiện nhiều giải pháp. Cụ thể, EVNNPT chủ động bám sát các bộ, ban, ngành và địa phương nhằm kịp thời tháo gỡ vướng mắc phát sinh trong công tác trình duyệt chủ trương đầu tư, chuẩn bị đầu tư xây dựng, bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án; triển khai công tác đo đạc, bồi thường giải phóng mặt bằng trước khi thiết kế kỹ thuật của dự án được phê duyệt; bám sát chính quyền địa phương để tranh thủ sự ủng hộ giải quyết kịp thời các vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện để nhà thầu thi công công trình đảm bảo tiến độ…