Ảnh minh họa |
Tại cuộc họp về tình hình giảm giá cước vận tải bằng xe ô tô do Bộ Giao thông Vận tải tổ chức ngày 22/2, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết, theo báo cáo tình hình giảm giá cước vận tải bằng xe ô tô đến thời điểm này mới chỉ có 1/4 tuyến có định trên toàn quốc thực hiện việc giảm giá cước vận tải (978/4.000 tuyến); 1/3 hãng taxi giảm giá cước (363/1.000 hãng)...
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường khẳng định, số lượng các doanh nghiệp giảm giá và mức giảm giá cước vận tải của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng xe ô tô trong thời gian qua chưa tương xứng với mức giảm giá của giá nhiên liệu xăng dầu.
Doanh nghiệp đòi công bằng
Song nhìn nhận ở góc độ khác, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, thì cho rằng cần phải công bằng đối với các doanh nghiệp. Vì hiện nay có nhiều doanh nghiệp làm ăn bài bản, luôn chủ động điều chỉnh giá cước kịp thời theo diễn biến thị trường nhưng lại bị cào bằng với các doanh nghiệp khác.
Do đó, các cơ quan báo chí khi phản ánh cần chỉ rõ những doanh nghiệp nào “chây ỳ”, “móc túi” khách hàng để người dân và cơ quan quản lý nhà nước biết chứ không nên nói chung chung dẫn đến làm ảnh hưởng đến các doanh nghiệp khác. Theo chính đại diện của Hiệp hội Vận tải, doanh nghiệp vận tải phục vụ là đơn vị phục vụ người dân đi lại, nên "phải thấy nhục" nếu không giảm giá cước và không thể để bị nói là "chây ỳ".
"Sở dĩ việc điều chỉnh giá cước vận tải khi giá nhiên liệu tăng giảm còn mất nhiều thời gian là do thủ tục phê duyệt việc kê khai giá cước đối với doanh nghiệp của cơ quan quản lý nhà nước còn rườm ra, nhiêu khê. Do đó, cần tự để cho các doanh nghiệp tự điều chỉnh đồng hồ tính cước (đối với hãng taxi) và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc điều chỉnh này" - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải khuyến nghị.
Đồng thời vị này cũng đề xuất: Cần phải tính toán đến từng tuyến, ví dụ như tuyến cố định mà trên tuyến đó có nhiều trạm thu phí thì không thể yêu cầu các doanh nghiệp này điều chỉnh giá cước đồng loạt như các tuyến khác... Quy định thời gian cụ thể cũng như mức độ tăng giảm giá nhiên liệu".
Còn theo Chủ tịch Hiệp hội taxi Thành phố Hồ Chí Minh Tạ Long Hỷ, “các hãng taxi của Thành phố Hồ Chí Minh đã giảm giá cước thấp nhất là 300 đồng, và chiều tối nay sẽ tiếp tục giảm. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp không muốn tăng giảm vì phải chịu chi phí cả tỷ đồng.
Theo tính toán của doanh nghiệp khi giá nhiên liệu tăng giảm 10-12% có thể tính đến việc điều chỉnh được tăng giảm giá cước vận tải từ 2,8-3%. Do vậy, ông Tạ Long Hỷ kiến nghị các cơ quan chức năng nên xây dựng mức dao động này để đề nghị doanh nghiệp vận tải tăng, giảm giá cước vận tải.
Giải quyết khâu thủ tục rườm rà
Bà Nguyễn Thị Thúy Nga, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) khẳng định, giá cước vận tải vận hành theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên do giá vận tải ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhân dân nên Nhà nước vẫn có những quyết định mang tính gián tiếp để quản lý giá cước này đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của doanh nghiệp và người dân.
“Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận công tác quản lý giá cước vận tải thời gian qua vẫn còn nhiều bất cập, vì vậy mà tại dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 152 (Thông tư liên tịch Bộ Tài chính – Bộ Giao thông Vận tải về quản lý giá cước vận tải) sẽ có những điều chỉnh để quản lý tốt hơn vấn đề này và đề nghị các doanh nghiệp vận tải tích cực đóng góp ý kiến vào dự thảo Thông tư này để liên Bộ Tài chính – Giao thông Vận tải ban hành trong thời gian tới”.- bà Nguyễn Thị Thúy Nga cho biết.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường, đề nghị các đơn vị kinh doanh vận tải cần có trách nhiệm trong việc giảm giá cước. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng cần sớm sửa đổi ban hành quy định về thủ tục kê khai tăng giảm giá cước; Bộ Giao thông Vận tải, để sớm hoàn thiện văn bản pháp lý khắc phục những thiếu sót, bất hợp lý về quản lý giá cước vận tải hiện nay.