Đội ngũ cán bộ đấu thầu phải tinh nhuệ thì việc lựa chọn nhà thầu mới thực sự chính xác và đúng quy định của pháp luật. Ảnh: Cao Trung |
Với quy định như trên, đội ngũ làm công tác đấu thầu sẽ tiếp tục được đào tạo, sàng lọc chất lượng, bảo đảm tính chuyên nghiệp cho hoạt động đấu thầu.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu, nhiều chủ đầu tư cho biết, với hiểu biết có hạn, họ còn nhiều băn khoăn khi tự thực hiện các công việc lựa chọn nhà thầu. Lựa chọn đơn vị tư vấn là giải pháp khả thi nhất, nhưng chọn đơn vị nào là một câu hỏi khó. “Chúng tôi đều nhắm tới nhà tư vấn có nhiều nhân sự đã được cấp chứng chỉ nghiệp vụ đấu thầu, có nhiều năm kinh nghiệm và được các chủ đầu tư khác tín nhiệm”, một chủ đầu tư cho biết.
Với cách chọn lựa như trên, chứng chỉ đấu thầu được coi là cơ sở quan trọng để các chủ đầu tư đặt niềm tin vào đơn vị tư vấn. “Việc thi chứng chỉ đấu thầu rất khó, đòi hỏi phải có kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn mới có thể đạt được. Vì vậy, chúng tôi lựa chọn đơn vị tư vấn có những nhân sự được cấp chứng chỉ đấu thầu lâu năm và đặt niềm tin vào họ”, Chủ tịch UBND một xã ở Thanh Hóa cho biết.
Bà Cao Thị Vân Điểm, Phó Chủ tịch Hội Thiết bị y tế Việt Nam nhận định, những năm qua, hoạt động đào tạo, thi và cấp chứng chỉ đấu thầu đã giúp nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác đấu thầu. Trong lĩnh vực y tế, việc đào tạo nghiệp vụ chuyên sâu về đấu thầu, cập nhật quy định mới là rất quan trọng, là biện pháp căn cơ, bền vững để tránh rủi ro trong khi thực thi pháp luật về đấu thầu.
Luật sư Hoàng Vũ Tưởng, Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Minh Phương (Đoàn Luật sư TP.HCM) chia sẻ, ông ủng hộ việc có các quy định về đào tạo, bồi dưỡng, thi, cấp chứng chỉ nghiệp vụ chuyên môn về đấu thầu. Theo luật sư, kiến thức pháp luật về đấu thầu rất rộng, luôn phát sinh nhiều tình huống, bên cạnh Luật Đấu thầu còn phải nắm vững pháp luật chuyên ngành liên quan mới có thể làm được. Vì vậy, việc tổ chức đào tạo, đánh giá chất lượng người hành nghề là rất quan trọng, để giúp chủ đầu tư/bên mời thầu lựa chọn được chuyên gia có trình độ thực chất trong lĩnh vực thầu. Cá nhân Luật sư Tưởng đánh giá cuộc thi chứng chỉ đấu thầu trước đây rất chặt chẽ, nghiêm túc, thi khó, tỷ lệ đạt thấp ngang với thi chứng chỉ hành nghề luật sư.
Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng ở một tỉnh miền Bắc cho biết, nhiều người có kinh nghiệm, làm việc lâu năm nhưng khi đi thi chứng chỉ đấu thầu vẫn vấp những tình huống không xử lý được, phải về “dùi mài kinh sử”, chờ cơ hội ở kỳ sau. Mỗi năm, Ban có gần 100 gói thầu phải tổ chức lựa chọn nhà thầu, phát sinh không ít tình huống khó, nên đội ngũ cán bộ đấu thầu phải tinh nhuệ thì việc lựa chọn nhà thầu mới thực sự chính xác và đúng quy định của pháp luật. Đặc biệt, đấu thầu là lĩnh vực nhạy cảm, dễ vướng vào sai phạm nếu vận dụng không đúng, nắm không chắc quy định pháp luật liên quan.
Cán bộ đấu thầu của Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh thì chia sẻ, nhiều cán bộ thường xuyên cập nhật quy định pháp lý, trải qua các khóa đào tạo bồi dưỡng, đã thi và được cấp chứng chỉ hành nghề đấu thầu của Ban đều là những “cây đa, cây đề” trong công tác mời thầu và chấm thầu.
Lãnh đạo Cục Quản lý Đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ, đấu thầu là một lĩnh vực ẩn chứa nhiều yếu tố nhạy cảm, nếu các bên tham gia đấu thầu vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, có thể gây nguy cơ thất thoát, lãng phí lớn. Các đại biểu Quốc hội đã chỉ ra, tiêu cực, hạn chế, vướng mắc trong đấu thầu thời gian qua có nguyên nhân lớn từ tổ chức thực hiện. Theo đó, để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước và giảm thiểu sai sót trong thực thi thì chủ đầu tư, bên mời thầu và các cá nhân tham gia trực tiếp vào hoạt động đấu thầu cần nâng cao năng lực chuyên môn, ý thức trách nhiệm, công tâm khi thực hiện công việc. Cùng với đó, cần làm tốt công tác giám sát quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; giám sát, quản lý chặt chẽ quá trình thực hiện hợp đồng.
TS. Nguyễn Việt Hùng cho rằng, thực tế đã xảy ra không ít sai sót, thậm chí là sai phạm về đấu thầu, trong đó có cả nguyên nhân là do đội ngũ cán bộ đấu thầu có năng lực hạn chế, nhận thức không đúng các quy định pháp luật nên làm sai mà không biết, để lại nhiều hệ lụy. Việc thường xuyên đào tạo, nâng cao năng lực của đội ngũ làm công tác đấu thầu, tiến hành thi cử để chọn lọc và chứng nhận cho những người đủ năng lực mới được làm công tác đấu thầu, tham gia tổ chuyên gia đấu thầu là giải pháp căn cơ để giảm thiểu các sai sót, vi phạm trong quá trình lựa chọn nhà thầu. Thông lệ quốc tế cho thấy, chứng chỉ chuyên môn được cấp cho những người có hiểu biết, có năng lực trong từng lĩnh vực, chứ không thể tùy tiện “rộng cửa” để ai muốn thì làm. Năng lực của đội ngũ làm công tác đấu thầu là khâu trung gian để chuyển hóa các quy định pháp luật đấu thầu vào thực tế. Nếu mắt xích này không được coi trọng thì mọi mục tiêu tốt đẹp của pháp luật về đấu thầu sẽ không thực hiện được.