Miền đất hứa cho nhà đầu tư vi mạch bán dẫn và AI

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đà Nẵng xác định phát triển công nghệ cao, trong đó có công nghiệp vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI) là một bộ phận quan trọng trong 5 nhóm ngành đột phá để phát triển nhanh và bền vững. Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/1/2019 về xây dựng và phát triển TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Đà Nẵng đạt được những kết quả khả quan, từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao của cả nước.
Công viên phần mềm số 2 tại quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng dự kiến được đưa vào hoạt động cuối năm nay. Ảnh: Mai Quế
Công viên phần mềm số 2 tại quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng dự kiến được đưa vào hoạt động cuối năm nay. Ảnh: Mai Quế

Chuẩn bị từ sớm

Nói về công nghiệp bán dẫn và AI, ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho rằng, sự chuyển mình và tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao của Đà Nẵng là kết quả của quá trình lãnh đạo và chỉ đạo trong hơn 20 năm qua của Thành phố. Sau khi Việt Nam và Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 9/2023 với những tuyên bố chung mạnh mẽ về định hướng phát triển công nghiệp bán dẫn, Đà Nẵng đã thực hiện nhiều bước đi cụ thể với định hướng chính là tập trung phát triển nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn, AI.

Theo Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng, để hình thành hệ sinh thái vi mạch bán dẫn và AI, Đà Nẵng đã tổ chức các hội nghị, hội thảo về giải pháp phát triển lĩnh vực này; tổ chức các chuyến công tác đến Hoa Kỳ, Đài Loan, làm việc với nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới về thiết kế vi mạch bán dẫn như: Synopsys, Nvidia, Marvell, Intel, Qualcomm... Qua các cuộc khảo sát, làm việc, các đối tác đánh giá cao về tiềm năng và cơ hội đầu tư vào lĩnh vực thiết kế vi mạch, trí tuệ nhân tạo của Đà Nẵng. Hiện trên địa bàn Thành phố có khoảng 10 doanh nghiệp thiết kế vi mạch như: Synopsys, FPT, Viettel, Savarti, Renesas, Synapse… với khoảng 600 kỹ sư được đào tạo từ Trường Đại học Bách Khoa (Đại học Đà Nẵng) và các trường đại học trên địa bàn Thành phố. So với tương quan tổng thể nguồn nhân lực vi mạch, bán dẫn của Việt Nam, nguồn nhân lực thiết kế vi mạch của Đà Nẵng chiếm gần 10%.

Tiếp đà phát triển lĩnh vực này, theo ông Hồ Kỳ Minh, Đà Nẵng đã và đang triển khai 3 nhóm giải pháp, nhiệm vụ nhằm kiến tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn. Thứ nhất, xây dựng các cơ sở chính trị, pháp lý tạo ra chính sách thu hút, ưu đãi đầu tư, hợp tác phát triển trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn và AI bằng cách tập trung cụ thể hóa Nghị quyết số 136/2024/QH15 về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng.

Thứ hai, chuẩn bị quỹ đất, cơ sở hạ tầng các khu công nghệ thông tin (CNTT) tập trung, công viên phần mềm, công nghệ cao để các doanh nghiệp triển khai dự án và hợp tác về vi mạch bán dẫn, AI.

Ngày 22/10/2024, Thủ tướng đã phê duyệt mở rộng Khu CNTT tập trung Công viên phần mềm Đà Nẵng - Công viên phần mềm số 2 rộng hơn 28.000 m2 ở phường Thuận Phước, quận Hải Châu. Dự án này được khởi công tháng 10/2020, vốn đầu tư 968 tỷ đồng từ ngân sách thành phố, quy mô gồm tòa nhà văn phòng 20 tầng, nhiều khối nhà 8 tầng, dự kiến thu hút 6.000 kỹ sư CNTT làm việc.

Thứ ba, về nhân lực, Đà Nẵng hiện có 7 doanh nghiệp chuyên về vi mạch bán dẫn với hơn 500 kỹ sư. Các trường đại học trên địa bàn đang tăng tốc đào tạo gần 6.000 sinh viên CNTT, trong đó chuyên ngành bán dẫn có gần 700 sinh viên. Đây sẽ là nguồn nhân lực chất lượng cao bước đầu dành cho ngành công nghiệp này.

Tầm nhìn dài hạn, bền vững

Nghị quyết số 136/2024/QH15 cho phép hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, vi mạch bán dẫn, AI tại Đà Nẵng được áp dụng các chính sách hỗ trợ hấp dẫn. Nhà đầu tư lĩnh vực này được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời hạn 5 năm; miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp của các cá nhân, tổ chức có khoản thu nhập từ chuyển nhượng cổ phần, vốn góp, quyền góp vốn vào doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp vi mạch bán dẫn, AI trong thời gian 5 năm; miễn thuế thu nhập cá nhân trong thời hạn 5 năm đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng, cá nhân hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, hoạt động trong lĩnh vực thiết kế, sản xuất, đóng gói, kiểm thử vi mạch bán dẫn, AI… với những điều kiện cụ thể. Ngoài ra, hỗ trợ không hoàn lại từ nguồn ngân sách thành phố chi phí phát triển dự án khởi nghiệp sáng tạo.

Về phía chính quyền, Đà Nẵng được phép thử nghiệm có kiểm soát dưới hình thức cấp phép có thời hạn đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới trong khu công nghệ cao, khu CNTT tập trung, Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, không gian đổi mới sáng tạo do ngân sách thành phố đầu tư. Thời hạn thực hiện thử nghiệm có kiểm soát tối đa là 3 năm và có thể được gia hạn một lần không quá 3 năm.

Theo Chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng Ngô Xuân Thắng, cùng với cơ chế chính sách phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn, AI, Nghị quyết số 136/2024/QH15 cho phép HĐND Thành phố được quyết định đầu tư, nâng cấp, mở rộng, phát triển và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thông tin từ nguồn ngân sách thành phố phục vụ thu hút đầu tư phát triển vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo; quy định chi tiết về hình thức, trình tự, thủ tục giao tài sản, đơn vị tiếp nhận, khai thác tài sản, cơ chế quản lý sử dụng tiền thu được từ khai thác tài sản và xử lý tài sản kết cấu hạ tầng thông tin; quyết định cho thuê trực tiếp tài sản kết cấu hạ tầng thông tin không thông qua đấu giá cho đối tác chiến lược thuộc lĩnh vực vi mạch bán dẫn, AI; được phép thực hiện chỉ định thầu, mua sắm các trang thiết bị đặc thù từ đối tác chiến lược thuộc lĩnh vực vi mạch bán dẫn, AI; quy định chính sách ưu đãi, nội dung và mức hỗ trợ, đối tượng hỗ trợ, quy trình, thủ tục hỗ trợ sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng thông tin để phục vụ phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn, AI.

Căn cứ khả năng cân đối ngân sách của Thành phố, ông Ngô Xuân Thắng cho hay, Nghị quyết số 136/2024/QH15 giao HĐND Thành phố xem xét, quyết định việc hỗ trợ từ ngân sách thành phố không quá 5% tổng chi phí mua thiết bị hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất, chi phí di chuyển tài sản, dây chuyền, thiết bị, công nghệ, chi phí đối với các dự án đầu tư mới của các nhà đầu tư chiến lược hoặc đối tác chiến lược trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn; hỗ trợ một phần chi phí thuê nhân lực có trình độ chuyên môn cao làm việc tại các doanh nghiệp là đối tác chiến lược trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, AI trên địa bàn Thành phố.

Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng là địa phương đầu tiên được trao các cơ chế chính sách đặc thù cho ngành công nghiệp bán dẫn và AI. Để thực thi hiệu quả, Đà Nẵng sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư và phát triển lĩnh vực này. “Lãnh đạo Đà Nẵng luôn nhận thức rõ việc thu hút đầu tư và phát triển các lĩnh vực vi mạch, bán dẫn, AI không phải là hoạt động mang tính chất phong trào, ngắn hạn, mà là kết quả của một quá trình nghiên cứu, chuẩn bị kỹ càng, dài hạn để phát triển bền vững. Đây là lĩnh vực mới, phức tạp, nhưng nếu quyết tâm đạt được thì sẽ tạo động lực tăng trưởng mới, đảm bảo sự phát triển bền vững cho Thành phố”, ông Quảng khẳng định.

Tin cùng chuyên mục