Miền Trung, “đất lửa” anh hùng đã trưởng thành vững vàng từ nội lực, cùng cả nước hiện thực hóa khát vọng hùng cường.
Vùng trũng đi lên
Sau chiến tranh, hòa bình lập lại, miền Trung cùng cả nước bắt đầu công cuộc dựng xây và kiến thiết kinh tế. Tuy nhiên, với xuất phát điểm thấp, lại thường xuyên hứng chịu thiên tai nên một thời gian dài, khu vực này luôn là vùng trũng của cả nước, đời sống người dân thiếu thốn cả vật chất và tinh thần. Miền Trung chỉ thực sự bắt đầu “thay da, đổi thịt” khi các quyết sách quan trọng từ Trung ương được thực thi cùng khát vọng, quyết tâm phát triển đi lên của nhiều thế hệ lãnh đạo, người dân nơi đây.
Ngược về 18 năm trước, Chính phủ ban hành Quyết định số 148/2004/QĐ-TTg thành lập Vùng Kinh tế trọng điểm (KTTĐ) miền Trung gồm 5 tỉnh, thành phố: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định. Tại nhiều hội nghị về phát triển miền Trung, các chuyên gia kinh tế nhận định, đây chính là cú hích để vùng đất nghèo nàn về tài nguyên, khô cằn, sỏi đá thành khu vực phát triển năng động với các khu kinh tế (KKT), khu công nghiệp (KCN) ven biển lần lượt được thành lập: KKT Chân Mây - Lăng Cô, KCN Hòa Khánh, Liên Chiểu (Đà Nẵng), KKT mở Chu Lai, KKT Dung Quất và KKT Nhơn Hội.
Một giai đoạn sôi động đầu tư các công trình hạ tầng và chính sách “trải thảm đỏ” thu hút đầu tư đã đem đến bức tranh nhiều sắc màu, sinh động tại Vùng KTTĐ miền Trung. Có lẽ vì vậy mà giai đoạn này, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân toàn Vùng luôn duy trì ở mức cao (10,25%/năm), đời sống người dân được cải thiện, cơ cấu lao động được chuyển dịch từ lĩnh vực nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ và du lịch.
Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch, Trưởng nhóm Tư vấn phát triển Vùng KTTĐ miền Trung một thời gian dài, đánh giá, 3 nhóm ngành kinh tế chính là ngư nghiệp, du lịch biển - đảo và KKT ven biển đã được đầu tư hiệu quả và thu hái được những thành công bước đầu. Miền Trung - “xương sống” quốc gia sải bước, kinh tế cả nước cũng đã tiến xa.
TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam nhận xét, “mặt tiền” miền Trung đã được đầu tư xứng đáng với hệ thống cảng biển, bãi biển và các đô thị biển. Đây là “mỏ vàng vô tận” của vùng duyên hải mà các nước trong khu vực cũng phải ghen tị. Đường bờ biển dài với cảng nước sâu là lợi thế vượt trội của miền Trung trong thu hút đầu tư và là tiền đề để xây dựng các KKT. Đây chính là yếu tố then chốt hình thành nên tuyến ven biển quốc gia để thực hiện chiến lược kinh tế biển theo các nghị quyết của Trung ương.
Hàng loạt nhà đầu tư đã đồng loạt tiến về miền Trung với nhiều dự án thuộc các lĩnh vực khác nhau, góp phần thay đổi hoàn toàn diện mạo của khu vực này. Những đô thị biển phát triển bùng nổ thành trung tâm du lịch, công nghiệp và dịch vụ như Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Tuy Hòa. Các dự án mũi nhọn như Lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi), Lọc hóa dầu Nghi Sơn (KKT Nghi Sơn - Thanh Hóa), Khu liên hợp Luyện cán thép Formosa Hà Tĩnh, Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát - Dung Quất và nay mai có thể là Khu liên hợp Gang thép Long Sơn tại Bình Định; Khu phức hợp Ô tô Chu Lai - Trường Hải (Quảng Nam) xuất hiện là tiền đề cho định hướng hình thành các trung tâm công nghiệp theo lĩnh vực tại địa phương. Dự án điện mặt trời, điện gió trên bờ và ngoài khơi đã và đang được nghiên cứu đầu tư tại Quảng Trị, Quảng Bình, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận… Một số dự án đang vận hành hiệu quả minh chứng cho quyết tâm chinh phục nắng gió thiên nhiên phục vụ đời sống con người của các nhà đầu tư.
Để khơi dòng chảy giao thương, tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư, hàng loạt dự án hạ tầng giao thông lớn đã được triển khai. Tuyến ven biển quốc gia từng bước được đầu tư. Quốc lộ 1A được mở rộng hoàn thành, tuyến cao tốc được bố trí vốn; nhiều cảng hàng không được nâng công suất, mở thêm nhiều đường băng, tăng tần suất các chuyến bay. 140 km cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi được đưa vào khai thác những năm qua đã liên kết KKT mở Chu Lai - KKT Dung Quất - các KCN của Đà Nẵng, tạo điều kiện trao đổi hàng hóa, đón tiếp nhà đầu tư và hiện thực hóa chuỗi logistics hàng không - đường biển - đường bộ. Gần đây là tuyến cao tốc La Sơn (Thừa Thiên Huế) - Túy Loan (Đà Nẵng) đã đưa vào sử dụng, tạo ra nhiều cơ hội đầu tư, nhiều quỹ đất phát triển và mở rộng không gian các đô thị theo quy hoạch mới.
Miền Trung tiếp tục khẳng định vị trí chiến lược từ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đang được đầu tư từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa. Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Lê Đình Thọ, tuyến cao tốc này sau khi hoàn chỉnh sẽ kết nối mạng lưới cảng hàng không tại khu vực miền Trung đồng bộ, chặt chẽ, bao gồm Phú Bài (Huế), Đồng Hới (Quảng Bình), Đà Nẵng, Chu Lai (Quảng Nam), Quy Nhơn (Bình Định), Tuy Hòa (Phú Yên), Cam Ranh (Khánh Hòa)... và các sân bay đang được các địa phương đề xuất đưa vào quy hoạch, đầu tư như sân bay Thành Sơn (Ninh Thuận), sân bay Quảng Trị, sân bay Hà Tĩnh, sân bay Lý Sơn, sân bay tại KKT Vân Phong (Khánh Hòa).
Theo ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với lợi thế lớn về hạ tầng giao thông gồm cả 4 loại hình là đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không cả trong nước lẫn quốc tế đang được nâng cấp, hiện đại hóa, sự giao lưu giữa Vùng duyên hải miền Trung với cả nước ngày càng thuận lợi. “Miền Trung đã từng bước thay da đổi thịt. Trong nhiều năm liền, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của các tỉnh miền Trung đạt và vượt kế hoạch đề ra. Môi trường đầu tư và kinh doanh tiếp tục được cải thiện, các cấp ngành và địa phương quan tâm đến công tác giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp”, Thứ trưởng Trần Duy Đông đánh giá.
Ba nhóm ngành kinh tế chính tại miền Trung là ngư nghiệp, du lịch biển - đảo và khu kinh tế ven biển đã được đầu tư hiệu quả và thu hái được những thành công bước đầu |
Vận hội mới
Ngày 3/11/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu trở thành vùng phát triển nhanh, bền vững, mạnh về kinh tế biển; có một số trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hợp tác quốc tế lớn ngang tầm khu vực châu Á với các KKT ven biển hiện đại, hệ thống đô thị ven biển thông minh, bền vững, có bản sắc riêng, thân thiện với môi trường, có khả năng chống chịu cao với thiên tai, dịch bệnh; là nơi các giá trị văn hóa, lịch sử được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đạt mức cao; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc.
“Vì sao vào lúc này Bộ Chính trị lại phải bàn và ra Nghị quyết 26? Những ý tưởng mới, tinh thần mới, nội dung mới là gì? Chúng ta cần làm gì và làm như thế nào để thực hiện có kết quả tốt nhất, biến Nghị quyết thành hiện thực sinh động?” - ba câu hỏi được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu ra tại Hội nghị quán triệt, triển khai Nghị quyết số 26-NQ/TW diễn ra ngày 16/11/2022 không chỉ là thông điệp, mà còn là mệnh lệnh để cả hệ thống chính trị và người dân cả nước đồng lòng hòa mình vào công cuộc đổi mới, phát triển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ. “Tôi tha thiết kêu gọi và tin tưởng rằng: Cấp ủy, chính quyền và nhân dân các tỉnh, thành miền Trung sẽ tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, khí phách anh hùng, tinh thần sáng tạo, quả cảm, cùng với các ban, bộ, ngành trung ương và chính quyền các cấp trong cả nước càng đẩy mạnh đổi mới, nỗ lực phấn đấu, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Bộ Chính trị lần này, tạo ra bước chuyển biến mới có tính đột phá trong việc phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh theo tinh thần: Cả nước vì Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ; Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ vươn lên cùng cả nước và vì cả nước!”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho rằng: “Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị là một văn kiện có ý nghĩa rất quan trọng, thể hiện tư duy và tầm nhìn, định hướng chiến lược của Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhằm tạo sự chuyển biến có tính đột phá trong chiến lược phát triển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, cũng như các địa phương trong vùng. Đi liền với chủ trương lớn, Bộ Chính trị còn nêu rõ 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để chuyển hóa vào thực tiễn phát triển của cả vùng”.
Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chia sẻ, để hiện thực hóa các mục tiêu của Nghị quyết số 26, Tỉnh sẽ ưu tiên đầu tư các KCN sinh thái, tập trung thu hút những ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao, sử dụng tiết kiệm đất, năng lượng, tạo nguồn thu ổn định cho ngân sách nhà nước và giải quyết việc làm cho người lao động. “Về cơ chế, địa phương sẽ thí điểm việc khuyến khích hợp tác liên kết sản xuất theo cụm ngành công nghiệp phụ trợ và công nghiệp cơ khí tại KKT mở Chu Lai. Tổ chức kết nối, tạo cơ hội hợp tác đầu tư giữa các doanh nghiệp trên địa bàn với THACO Industries về công nghiệp cơ khí hỗ trợ”, ông Thanh cho biết thêm.
Tại Quảng Ngãi, KKT Dung Quất đã phát huy thế mạnh của trung tâm lọc hóa dầu, năng lượng quốc gia, cùng với cảng nước sâu Dung Quất, sân bay Chu Lai, trở thành đầu mối vận chuyển hàng hóa và giao thương quốc tế quan trọng trong khu vực miền Trung, Tây Nguyên. Tuy nhiên, sự phát triển này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng do những trở ngại lớn về hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển, vấn đề giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch để thu hút các nhà đầu tư chiến lược. Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, Nghị quyết số 26 đã mở đường cho địa phương xây dựng và cụ thể hóa cơ chế giải quyết những vướng mắc để mở rộng và xây dựng trung tâm lọc, hóa dầu và năng lượng quốc gia tại KKT Dung Quất thành KKT chuyên biệt, xanh, thông minh và phát triển bền vững trong tương lai.
Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung bao gồm 14 tỉnh, thành phố: Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận và Bình Thuận. Diện tích tự nhiên toàn Vùng chiếm 28,9% diện tích của cả nước, bờ biển dài gần 1.800 km, chiếm hơn 55% bờ biển cả nước. Dân số của Vùng năm 2020 khoảng 20,343 triệu người. Vùng hiện có 9 sân bay, trong đó có 3 sân bay quốc tế là Đà Nẵng, Cam Ranh và Phú Bài; nhiều cảng biển lớn như: Nghi Sơn, Vũng Áng, Chân Mây, Tiên Sa, Dung Quất, Quy Nhơn, Vũng Rô, Nha Trang, Cam Ranh…
Trong khi đó, ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định đề xuất Trung ương sớm ban hành quy hoạch vùng; đồng thời, ban hành cơ chế, chính sách đặc thù thúc đẩy liên kết phát triển trong nội vùng, liên vùng. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư các tuyến giao thông theo trục Bắc - Nam như tuyến đường bộ ven biển, đường bộ cao tốc; đầu tư các trục giao thông theo hướng Đông - Tây, hình thành các hành lang kinh tế Đông - Tây để nối với Tây Nguyên nhằm phát huy lợi thế là cửa ngõ hướng ra biển của các tỉnh trong Vùng.
“Nếu tất cả các địa phương nắm bắt được cơ hội từ Nghị quyết số 26 và triển khai theo 3 bước đột phá về thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực thì giai đoạn từ năm 2026 trở đi, miền Trung sẽ trở thành vùng phát triển”, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch chia sẻ thêm.
Cùng Chính phủ hành động
Để định hướng các địa phương triển khai Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động và tổ chức Hội nghị vào đầu tháng 2/2023 tại TP. Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) với sự tham gia đầy đủ của các bộ, ngành cùng đại diện lãnh đạo 14 tỉnh, thành khu vực. Tại đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chương trình hành động xác định 17 chỉ tiêu cụ thể về kinh tế, xã hội và môi trường, đồng thời đề ra 34 nhiệm vụ cụ thể và 11 dự án đầu tư kết cấu hạ tầng Vùng để phát triển bứt phá, gồm các dự án có tính kết nối vùng: đường cao tốc trục Bắc - Nam, đường cao tốc trục ngang kết nối Đông - Tây, đường bộ ven biển, đường sắt, cảng biển, các dự án nâng cấp, xây mới các cảng hàng không...
Đặc biệt, để thực hiện Nghị quyết số 26, Chính phủ đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó có việc tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị; hoàn thiện thể chế, chính sách và đẩy mạnh phát triển liên kết vùng; chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế biển; phát triển mạnh hệ thống đô thị, nhất là hệ thống đô thị ven biển; đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng, nhất là hạ tầng giao thông...
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 168/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 đã đưa ra nhiều quan điểm định hướng mới, ý tưởng mới và tầm nhìn mới có tính đột phá trong phát triển Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ. “Với sự quan tâm của Đảng, Chính phủ và với sự quyết tâm, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và ý chí, khát vọng phát triển của người dân trong Vùng, những khó khăn, thách thức sẽ biến thành cơ hội mới; tiềm năng, lợi thế sẽ thành động lực phát triển để Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đột phá, phát triển nhanh và bền vững xứng đáng với vai trò, vị trí chiến lược và các tiềm năng và lợi thế của Vùng”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tin tưởng.
Cũng tại Hội nghị này, đề cập các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc tổ chức thực hiện mới là quan trọng. Vì vậy, các bộ, ngành và 14 địa phương trong Vùng khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch hành động để thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết số 26, Chương trình hành động của Chính phủ; xác định có trọng tâm, trọng điểm, bố trí nguồn lực để làm, làm việc nào dứt việc đó, nỗ lực phải cao, quyết tâm phải lớn, “cân, đong, đo, đếm” được. Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, cần tập trung hoàn thiện thể chế, nhất là cơ chế điều phối vùng; làm tốt công tác quy hoạch vùng và chính sách liên kết vùng, quy hoạch đi trước một bước. Đẩy nhanh đầu tư tuyến cao tốc Bắc - Nam, tăng cường kết nối Đông - Tây, như kết nối Khánh Hoà với Đắk Lắk, Kon Tum và Gia Lai; kết nối Bình Định, Lâm Đồng với Ninh Thuận. Trên hết, phải đặt trong mối liên kết chặt chẽ chung với cả nước để người dân, doanh nghiệp tại khu vực này hưởng lợi cùng cả nước, cùng cả nước phát triển đi lên vững mạnh, chắc chắn và bền vững.