Minh bạch đầu tư để tránh lãng phí

(BĐT) - UBND Quận 1, TP.HCM vừa xin cơ chế dành 1.000 tỷ đồng lát đá granite vỉa hè các tuyến phố trung tâm. Câu chuyện hiện đang thu hút sự quan tâm của rất nhiều người dân, doanh nghiệp và các chuyên gia với câu hỏi: Việc đầu tư này liệu có thực sự cần thiết?
UBND quận 1, TP.HCM đã thống nhất kế hoạch lát đá granite các tuyến vỉa hè trên địa bàn. Ảnh: Văn Huyền
UBND quận 1, TP.HCM đã thống nhất kế hoạch lát đá granite các tuyến vỉa hè trên địa bàn. Ảnh: Văn Huyền

1.000 tỷ đồng là tiền ngân sách?

Phó Chủ tịch UBND quận 1 (TP.HCM), bà Nguyễn Thị Thu Hường cho biết, đơn vị này vừa thống nhất kế hoạch chỉnh trang đô thị, lát đá granite, đồng bộ hóa hạ tầng tất cả các tuyến đường trên địa bàn và chuẩn bị báo cáo UBND TP.HCM để xin phép thực hiện.

“Đây là đề xuất của một số DN, cũng như người dân trên địa bàn quận 1 để xây dựng hệ thống vỉa hè ở trung tâm Thành phố khang trang hơn. Các DN cam kết sẵn sàng bỏ tiền ra đầu tư và Quận sẽ trả chậm trong 3-5 năm, không tính lãi suất với tổng số vốn ước tính khoảng 1.000 tỷ đồng”, bà Hường thông tin.

Bà Hường cũng khẳng định, quận 1 hạn chế tối đa sử dụng ngân sách để đầu tư chỉnh trang đô thị, ngân sách Quận chủ yếu dành để chăm lo người nghèo, diện chính sách và chương trình nông thôn mới. Đối với việc thực hiện các công trình chỉnh trang đô thị, Quận không xin Thành phố tiền, mà chỉ xin cơ chế để thu hút đầu tư.

Về khả năng huy động vốn để hoàn lại cho nhà đầu tư, đại diện quận 1 cho biết, có hai nguồn để hoàn vốn cho các nhà đầu tư. Thứ nhất, là nguồn thu vượt ngân sách của Quận hàng năm được UBND Thành phố để lại cho Quận thực hiện các chương trình phúc lợi xã hội. Thứ hai, là sử dụng nguồn tiền Quận thu được từ quảng cáo trên địa bàn.

“Cùng với việc thực hiện lát đá lại vỉa hè các tuyến đường, quận 1 sẽ phối hợp với các sở ngành chức năng, các đơn vị như cấp nước, thoát nước, điện lực, viễn thông… để ngầm hóa đồng bộ các hệ thống này. Khi ấy, các tuyến vỉa hè rộng rãi, sạch đẹp hơn, tạo điều kiện để Quận cho phép đặt logo quảng cáo theo đúng quy định để tạo nguồn thu”, đại diện quận 1 cho biết thêm.

Được biết, trong năm 2016, quận 1 sẽ triển khai lát đá vỉa hè tại 5 tuyến đường làm thí điểm là Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thái Học, Phùng Khắc Khoan, Đồng Khởi và Công xã Paris. Mặc dù lãnh đạo Quận khẳng định, kinh phí lát vỉa hè sẽ do các DN huy động cho Quận vay, đến năm 2019 mà không tính lãi, tuy nhiên, theo các chuyên gia, 1.000 tỷ đồng đó là số tiền cho vay chứ không phải đầu tư không hoàn lại, nên không thể nói là không dùng tiền ngân sách.

Chủ trương nhiều tranh cãi

Những ngày qua, câu chuyện dành 1.000 tỷ đồng lát đá granite vỉa hè trung tâm quận 1 TP.HCM đang thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia về giao thông và đô thị. Đa số các chuyên gia cho rằng, việc bỏ ra khoản kinh phí quá lớn chỉ để lát vỉa hè vào thời điểm này là chưa thực sự cần thiết. Chuyên gia giao thông Phạm Sanh cho biết, Thành phố còn rất nhiều việc phải làm trước mắt, như giải quyết bài toán ùn tắc giao thông trong bối cảnh hạ tầng giao thông đang quá tải nghiêm trọng, mà ngân sách thì không đáp ứng nổi nhu cầu cầu tư. “1.000 tỷ đồng này nếu có thể huy động thì nên chia sẻ bớt cho những dự án hạ tầng giao thông cấp bách khác đang thiếu vốn”, ông Sanh đề xuất.

Về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, chuyên gia kinh tế Huỳnh Thế Du, Giám đốc Đào tạo Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright bày tỏ quan điểm, trước hết cần xác định rõ hình thức đầu tư của việc chi ra 1.000 tỷ đồng này. Nếu nhà đầu tư quan tâm, thấy có lợi nhuận từ việc đầu tư và sẵn sàng chia sẻ với TP.HCM thì đó là vấn đề của các nhà đầu tư. Mọi DN, nhà đầu tư khi bỏ vốn ra đều có mục đích và tính toán chặt chẽ; không DN nào nói chuyện từ thiện khi kinh doanh cả. “Cái đáng quan tâm nhất ở đây chính là việc bỏ ra 1.000 tỷ đồng để lát đá granite trên địa bàn quận 1 thực chất là hình thức đầu tư gì? Có phải là BT hay không, hay là một dạng xã hội hóa khác?”, ông Du đặt câu hỏi.

Cũng theo ông Du, không nên quy chụp ngay 1.000 tỷ đồng để chỉnh trang đô thị từ việc lát đá vỉa hè là lãng phí, vì chỉnh trang đô thị đem lại bộ mặt văn minh, hiện đại cho Thành phố, chứa đựng nhiều giá trị kinh tế, văn hóa và lịch sử. Tuy nhiên, việc đầu tư này cần có những bước đánh giá khách quan, cụ thể và thẩm định rõ ràng để khi triển khai có thể nhận được sự đồng thuận từ phía người dân.