Ảnh chỉ mang tính minh họa. |
Quan điểm trên đây nhận được nhiều sự đồng thuận của các đại biểu, chuyên gia tại Hội thảo “Phát triển Kinh tế tư nhân trong thời kỳ mới” vừa được Hiệp hội Phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam, Hội đồng lý luận trung ương, Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) TP. Hà Nội tổ chức sáng 13/4 tại Hà Nội.
Kinh tế tư nhân còn “còi cọc”
Trong hơn 10 năm phát triển vừa qua, kinh tế tư nhân (KTTN) Việt Nam đã đóng góp 40% GDP cả nước, 30% giá trị sản lượng công nghiệp, 80% tổng mức lưu chuyển hàng hóa dịch vụ, đồng thời thu hút 51% lực lượng lao động trên cả nước và tạo ra 1,2 triệu việc làm cho người lao động mỗi năm. Trong thời gian tới, KTTN tiếp tục đóng góp quan trọng vào tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần quan trọng thu hút vốn đầu tư của xã hội vào phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đánh giá, tuy số lượng DNTN đông, tốc độ tăng trưởng nhanh, nhưng phát triển còn thiếu bền vững, với tỷ lệ phá sản và ngưng hoạt động cao. Quy mô DN còn rất nhỏ (xét theo các tiêu chí vốn và lao động) trong tương quan so sánh với DN nhà nước và DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Loại hình DN dù rất đa dạng, nhưng phần lớn các DNTN cũng như hộ kinh doanh cá thể thiếu động lực để phát triển trở thành những DN lớn.
Chỉ ra một phần nguyên nhân của những hạn chế nêu trên, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn cho rằng, bên cạnh những nguyên nhân nội tại của DN, có những nguyên nhân thuộc về môi trường đầu tư và kinh doanh. Môi trường đầu tư và kinh doanh tuy có sự cải thiện, nhưng vẫn còn nhiều rào cản gây khó khăn cho hoạt động của khu vực tư nhân.
Ngoài ra, sự “yếu ớt” của KTTN còn do chưa có sự thống nhất cao về một số vấn đề lý luận, khuôn khổ pháp luật, cơ chế chính sách và việc thực hiện các cơ chế chính sách này trên thực tế.
Hỗ trợ kinh tế tư nhân như thế nào?
Bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đề xuất, Việt Nam cần giảm thiểu sự lấn sân của các DNNN đối với KTTN, đồng thời có chính sách tăng cường phát triển khối DNTN theo cả chiều dọc và chiều ngang để vừa xóa bỏ những cản trở chung đối với nền kinh tế, vừa tạo những đột phá trong phát triển năng lực cạnh tranh của DN.
Muốn mở đường cho KTTN phát triển, ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái cho rằng, KTTN cũng cần được xác định, lượng hóa một cách rõ ràng trong chiến lược tổng thể phát triển quốc gia. Đồng thời, cần những giải pháp có tính đột phá để tạo điều kiện cho KTTN yên tâm, hăng hái tham gia đầu tư về nguồn nhân lực, khoa học công nghệ và tài chính trong các chuỗi giá trị, các sản phẩm công nghiệp và nông nghiệp.
Đi tìm động lực để phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam, ông Võ Quang Huệ, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Châu Âu tại Việt Nam cho biết, KTTN có thể được phát triển tốt khi và chỉ khi chính cơ sở pháp lý, pháp luật được thực hiện một cách thực chất, minh bạch và hỗ trợ tốt cho DN phát triển.
TS. Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch HBA-VACOD, Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, cần thay đổi tư duy làm luật theo hướng thông thoáng hơn, giám sát hoạt động của DN cần chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm là chủ yếu. Nhà nước cần tập trung nhân lực vào 2 khâu chủ yếu của quản lý nhà nước là hoạch định cơ chế chính sách và giám sát việc thực thi chính sách pháp luật. Cùng với đó, tiến hành tổng rà soát, kiểm tra tất cả các văn bản pháp luật đã ban hành liên quan tới DN để gỡ bỏ rào cản không cần thiết đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của DN…