Mô hình nào cho nhà ở xã hội tại đô thị?

BĐT-Đó là một câu hỏi được đặt ra đã lâu nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng. Tại cuộc hội thảo có cùng chủ đề nêu trên vừa diễn ra tại TP.HCM, nhiều vấn đề liên quan cũng đã được bàn thảo nhằm sớm tìm ra tiếng nói chung.

Nhà nước và doanh nghiệp cùng làm

Thông thường, nhà ở xã hội có 2 dạng, một là nhà cho thuê, hai là nhà bán cho trả chậm. Những năm qua ở Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng, mô hình nhà ở xã hội đã được chính quyền cũng như doanh nghiệp (DN) chú trọng. Sự ra đời của loại hình nhà ở xã hội tại các đô thị lớn là một cứu cánh cho những người thu nhập thấp.

Theo TS. Huỳnh Thế Du, Giảng viên Chính sách công, Giám đốc Đào tạo Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, trong giai đoạn 2011 - 2015, theo kế hoạch, Việt Nam cần 10 triệu m2 nhà ở xã hội, tương đương 200.000 căn hộ 50 m2. Kết quả đã thực hiện được 38 dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, với khoảng 19.680 căn và 64 dự án nhà ở xã hội cho công nhân với 20.270 căn. Trong giai đoạn 2016 - 2020, kế hoạch sẽ là 12,5 triệu m2.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM cho rằng, mô hình nhà ở xã hội nếu cùng lúc được gánh vác bởi Nhà nước và DN chắc chắn sẽ tốt hơn. Cũng theo ông Lê Hoàng Châu, dân số vẫn sẽ tập trung cao ở TP.HCM trong 30 năm tới. Nếu không tính toán thận trọng, TP.HCM sẽ đối đầu với một bài toán về nhà ở vô cùng nan giải.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, Việt Nam cần 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội. Ảnh: LT

Không phải đến bây giờ mà từ mấy năm qua ở Việt Nam, vấn đề nhà ở xã hội đã được bàn thảo và triển khai khá nhiều, song hiệu quả thực sự chưa cao. Ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Nam Long cho rằng, những gì chúng ta đang làm về nhà ở xã hội thực ra không có gì mới, vì nhiều nước như Singapore và Hà Lan đã từng làm rất thành công. Nhưng vì nhà ở xã hội là dành cho những đối tượng có thu nhập thấp nên phải lưu ý khi thực hiện để không biến những khu này thành nhà ổ chuột trong tương lai như Thái Lan đã từng thất bại.

Chính sách phải rõ ràng, phương thức phải hiệu quả

Một vấn đề được đặt ra khá cấp bách đối với nhà ở xã hội hiện nay là nếu Nhà nước và DN cùng làm, thì làm như thế nào để phát huy hết công năng và hiệu quả? Theo Luật sư Trương Thị Hòa, nhà ở xã hội trước hết là trách nhiệm lương tâm của Nhà nước và xã hội. Vì vậy, khi cùng tham gia vào phân khúc này, trước tiên Nhà nước phải có chính sách và cơ chế rõ ràng, đặc biệt là phải lựa chọn phương thức hợp tác hiệu quả.

Có thể nói, trong giai đoạn từ năm 2005 đến 2014, nhiều chính sách liên quan đến đất đai, nhà ở, trong đó có cả nhà ở xã hội đã được ban hành, ngày càng phù hợp với tình hình thực tế. Nhiều ý kiến tại Hội thảo cho rằng, việc quy định dự án nhà ở thương mại, khu đô thị phải dành 20% quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội hiện nay tuy gây ra khá nhiều ý kiến trái chiều trong giới kinh doanh địa ốc, nhưng nhìn lại quá khứ thì đã ưu ái hơn rất nhiều.

Thế nhưng, theo ông Lê Hoàng Châu, để hướng tới sự phát triển bền vững, tránh manh mún và tự phát, Nhà nước cần quy hoạch nhà ở xã hội theo từng cụm, từng khu vực rõ ràng. Đặc biệt, trong quy hoạch ở TP.HCM sắp tới, cần phải có chủ trương quy hoạch nhà ở xã hội rành mạch, không nên chỉ trông chờ vào các chủ đầu tư dự án bất động sản làm nhà ở xã hội.

Việc Nhà nước và DN cùng tham gia vào phát triển nhà ở xã hội được rất nhiều người đồng thuận. Theo ông Võ Kim Cương, nguyên Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM, Nhà nước nên lo quỹ đất, phần còn lại giao cho DN làm, tất nhiên Nhà nước phải quản lý chất lượng, còn đầu ra của sản phẩm cứ để thị trường quyết định. Nói một cách nôm na, trong các phương thức hợp tác, thì phương thức đối tác công tư (PPP) nhìn chung vẫn là một cánh cửa rộng. Mỗi bên đều có một thế mạnh riêng, nên cần phải kết hợp lại để phát huy lợi thế. Vấn đề còn lại là biết dung hòa lợi ích để đối tượng là người thu nhập thấp được hưởng lợi. 

Ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Nam Long cho rằng, những gì chúng ta đang làm về nhà ở xã hội thực ra không có gì mới, vì nhiều nước như Singapore và Hà Lan đã từng làm rất thành công. Nhưng vì nhà ở xã hội là dành cho những đối tượng có thu nhập thấp nên phải lưu ý khi thực hiện để không biến những khu này thành nhà ổ chuột trong tương lai như Thái Lan đã từng thất bại.