“Đường về nhà” của trí thức Việt đang công tác ở nước ngoài ngày càng rộng mở hơn khi Chương trình Kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam được khởi động. Ảnh: Trương Gia |
Đáng mừng hơn, “đường về nhà” này ngày càng rộng mở hơn khi Chương trình Kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam khởi động, đồng thời ghi nhận sự nhập cuộc mạnh mẽ từ khu vực tư nhân.
Từ Ngô Bảo Châu, Vũ Hà Văn
GS. Ngô Bảo Châu là niềm tự hào của nền toán học Việt Nam với giải thưởng Fields danh giá được trao vào năm 2010. Mặc dù phần lớn thời gian sinh sống và làm việc tại nước ngoài, song GS. Ngô Bảo Châu vẫn dành sự quan tâm và giữ mối liên hệ bền vững với cộng đồng toán học trong nước nói chung và Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam cũng như Viện Toán học trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nói riêng.
Đặc biệt, từ tháng 3 năm 2011, với vai trò là Giám đốc Khoa học của Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán, GS. Ngô Bảo Châu đã dành nhiều thời gian và tâm huyết cho sự phát triển của toán học nước nhà, đóng góp tích cực vào việc nâng cao vị thế của toán học Việt Nam trên trường quốc tế.
Mỗi năm, khi về nước, GS. Châu đều làm việc tại Viện Toán học, tham gia hoạt động giảng dạy, đào tạo cũng như trình bày báo cáo tại các seminar khoa học của Viện. GS. Ngô Bảo Châu là một trong những người tham gia xây dựng Đề án “Đào tạo Thạc sĩ toán học trình độ quốc tế” nhằm phát huy thế mạnh của Viện Toán học trong việc hợp tác với nước ngoài để đào tạo đội ngũ thạc sĩ toán học đạt trình độ quốc tế, góp phần xây dựng Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam trở thành một cơ sở vững mạnh về nghiên cứu và đào tạo sau đại học của đất nước. Với những mối quan hệ trong những năm sinh sống và làm việc tại nước ngoài, GS. Châu đã có những đóng góp không nhỏ trong việc giới thiệu những nhà khoa học nổi tiếng và các trường đại học nước ngoài cùng hợp tác với Viện Toán học phát triển có hiệu quả đề án nói trên. GS. Châu cũng là một trong những người khởi xướng Đề án “Nâng cao năng lực nghiên cứu toán học”, hỗ trợ sinh viên giỏi của các trường đại học phát huy được khả năng học tập của mình, tập dượt nghiên cứu trong quá trình học đại học.
Tháng 8/2018, sự kiện ra mắt Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn (Viện Big Data) thuộc Công ty VinTech, Tập đoàn Vingroup và công bố Giám đốc khoa học của viện là GS. Vũ Hà Văn, Đại học Yale (Mỹ), cũng được coi là “chấn động” đối với cộng đồng các nhà khoa học Việt Nam đang rạng danh trên thế giới.
Theo chia sẻ của GS. Vũ Hà Văn, quyết định nhận lời mời của Chủ tịch Hội đồng quản trị Vingroup Phạm Nhật Vượng về làm Giám đốc Viện chỉ vì trùng quan điểm và mong muốn đưa khoa học phục vụ cuộc sống của người dân tốt hơn, người làm nghiên cứu có thu nhập cao hơn.
Trong lĩnh vực toán, GS. Vũ Hà Văn được đánh giá là một trong những nhà khoa học xuất sắc nhất thuộc thế hệ mình. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, GS. Vũ Hà Văn được cấp học bổng sang học ở Đại học Eötvös Loránd, Hungary. Ông nhận bằng tiến sĩ toán học tại Đại học Yale. Từ năm 2001 đến 2005, ông làm việc ở Đại học California tại San Diego. Cuối năm 2005, ông trở thành giáo sư toán học tại Đại học Rutgers. Năm 2011, Vũ Hà Văn trở thành giáo sư Đại học Yale. Ông từng đoạt Giải nhì Toán toàn quốc. Đoạt giải tại cuộc thi Toán quốc tế Schweitzer năm 1991, 1992 và 1993. Đoạt giải thưởng Sloan – một trong những giải thưởng cao nhất dành cho các nhà khoa học trẻ tại Mỹ. Ông cũng đoạt giải thưởng NSF Career với phần thưởng 400.000 USD. GS. Vũ Hà Văn là tác giả 104 công trình toán học đăng trên các tạp chí uy tín hàng đầu thế giới.
...đến 100 trí thức hòa mạng lưới đổi mới sáng tạo
Từ câu chuyện trở về của GS. Vũ Hà Văn cho thấy, các tập đoàn tư nhân cũng đang cùng với Chính phủ nỗ lực phát huy hiệu quả những đóng góp từ sự trở về của trí thức Việt. Thực tế hiện nay đang có rất nhiều tập đoàn công nghệ lớn của Việt Nam vươn tầm thế giới như Vingroup, FPT, Viettel… đã có những chính sách thu hút người tài ở trong và ngoài nước. Nhiều doanh nghiệp tư nhân đã có những hành động cụ thể, chi rất nhiều tiền để mời chuyên gia nước ngoài, chuyên gia người Việt Nam có tài năng về giúp họ phát triển.
Tại buổi họp báo giới thiệu chương trình “Kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao về xây dựng Chiến lược quốc gia cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Bộ KH&ĐT đồng thời đang nghiên cứu Đề án thành lập “Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia” và xây dựng Mạng lưới nhân lực thực hiện Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, nòng cốt tham gia Chương trình là 100 người Việt trẻ tiêu biểu hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ ở nước ngoài được mời tham dự. Họ là những người được đào tạo bài bản tại các trường đại học danh tiếng hàng đầu thế giới và công tác trong các ngành như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ nền tảng, các ngành công nghiệp chế tạo ứng dụng tự động hóa, robotics... cũng như có quá trình làm việc chuyên sâu trong các ngành, lĩnh vực công nghệ, đặc biệt là trong việc phát triển ứng dụng công nghệ hiện đại mang tính nền tảng (trí tuệ nhân tạo, blockchain, dữ liệu lớn, an ninh mạng, Internet of things…).
Chương trình Kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam 2018 có thể xem là một trong những sự kiện khởi đầu nhằm mở rộng “đường về nhà” một cách chính quy, bài bản nhất từ trước đến nay của những trí thức Việt đang sống và làm việc, thành danh trên toàn cầu.
Theo Bộ KH&ĐT, Chính phủ đã kêu gọi các chuyên gia, nhà khoa học, trí thức người Việt Nam ở trong và ngoài nước cùng đóng góp xây dựng đất nước, trực tiếp tham gia vào các dự án, chương trình khoa học và công nghệ, từ đó sẽ tạo ra nền tảng thúc đẩy giá trị và tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Người đứng đầu Bộ KH&ĐT cũng cho rằng, Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam rất cần sự tham gia của chính các tập đoàn công nghệ trong nước.